Người trồng hoa tết nhấp nhổm với thiên tai, dịch bệnh

Người trồng hoa ở miền Trung: Nơi mất trắng, chỗ phập phồng lo hoa ế

07/12/2020 - 07:10

PNO - Những đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão đã khiến nhiều hộ trồng hoa tết ở tỉnh miền Trung điêu đứng.

Thủ phủ mai Nhơn An phập phồng theo dịch

Lội xuống ruộng mai còn lắp xắp nước để cắt cành, uốn nhánh, ông Đỗ Văn Gia - ở thôn Háo Đức 3, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định - âu lo: “Hết bão lũ, lại đến dịch bùng phát. Chỉ còn hơn hai tháng nữa là tết mà làng mai vắng bóng các thương lái nên ai nấy đều thấp thỏm”.

Nông dân trồng mai ở An Nhơn lo lắng vì sát tết mà chưa thấy thương lái về
Nông dân trồng mai ở An Nhơn lo lắng vì sát tết mà chưa thấy thương lái về

 Xã Nhơn An có khoảng 1.200 hộ trồng mai với số lượng hàng triệu gốc. Nghề trồng mai ở xã Nhơn An bắt đầu từ làng Háo Đức. Vào những năm 1976, ông Đặng Sơn Lang, một người dân địa phương, đã mang giống mai mới nhiều cánh từ miền Nam về gây giống, thay thế dần giống mai cũ chỉ có năm cánh được trồng tại đây từ thời vua Bảo Đại. Dần dà, số hộ dân gắn bó với nghề trồng mai ngày một nhiều hơn và Nhơn An được xem như “thủ phủ” mai vàng miền Trung, cung ứng mai tết cho khắp tỉnh Bình Định và các tỉnh, thành cả nước.

Ngoài yếu tố kỹ thuật chăm sóc, chất lượng cây, bông lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Đầu tháng 11, cơn bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Bình Định, tiếp đó là đợt mưa lớn trên diện rộng gây lũ. May mà lũ không dữ dội như mấy năm về trước. Về Nhơn An những ngày này, trên nhiều ruộng mai, nước còn đọng thành vũng.

Là người miền Tây về làm rể ở đất Nhơn An rồi theo nghề trồng mai 14 năm nay, anh Hồ Nhật Quý - ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An - cho biết đã đầu tư 300 chậu mai để bán mùa tết này nhưng anh rất lo vì thời tiết năm nay rất thất thường: “Cứ nghe dự báo có bão về hay mưa lớn là phải túc trực ngày đêm, vì nếu nước ngập vườn, mai sẽ bị úng, lá sẽ rụng, rễ thối”. Cũng như những người trồng mai khác ở xã Nhơn An, mỗi khi nghe dự báo có mưa, lũ, anh Quý chủ động tập kết mai lên chỗ cao, kê dọn lại chậu mai ở chỗ trũng để tránh cây bị úng. 

Ông Đỗ Văn Gia nói: “Những đợt mưa lũ năm 2013, 2016 đã khiến nhiều vườn mai hư hại lớn nên sau đó, bà con theo dõi sát sao dự báo thời tiết để xử lý kịp thời. Nhờ vậy, sau các đợt bão lũ vừa rồi, các vườn mai ở xã này không bị thiệt hại đáng kể”.

Bà Phạm Thị Điểm - ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An - vừa lụi hụi tỉa nhánh, buộc lạt để định vị các cành mai, vừa kể: “Mấy hôm nghe bão số 12 về, rồi mưa gió liên miên, bà con ở đây không ai ngủ yên. Mọi người còn ám ảnh những trận lụt bốn năm khiến người trồng mai điêu đứng. Để bán được, phải chăm mai suốt bốn năm cho cây đủ lớn, cứng cáp, nên nếu để bão lũ làm hư thì xót lắm. Nhà tôi có hơn 1.000 chậu mai lớn nhỏ. Năm nay, tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng cho vườn mai rồi. Thu nhập gia đình đều trông chờ vào đợt bán mai tết này. Mưa bão qua rồi, giờ lại lo mai tết bị ế”.

Người trồng mai chủ động kê cao chậu mai ngoài ruộng mai tránh tình trạng bị úng nước
Người trồng mai chủ động kê cao chậu mai ngoài ruộng mai tránh tình trạng bị úng nước

Bà Điểm lý giải, sở dĩ bà lo là vì dịch COVID-19 lại diễn biến phức tạp. Nếu dịch bùng phát thì sức mua sẽ giảm mạnh. Dịch dã thì người ta làm ăn khó khăn, không có tiền mua mai, mà cũng không có tâm trạng để mua. Theo bà Điểm, hằng năm, khoảng giữa tháng Mười âm lịch, bạn mai ở các nơi bắt đầu đến vườn, đặt mua mai. Năm ngoái, vào thời điểm này, vườn nhà bà đã bán được cho bạn mai trong Nam 50 chậu, mỗi chậu 800.000 đồng, nhưng năm nay, chưa có ai đến mua mai”.

Xã Nhơn An có khoảng 1.500 hộ dân thì có đến 1.200 hộ trồng mai với tổng số hàng triệu gốc, thu về mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Những ngày này, bà con đang kéo cành, cách tết khoảng nửa tháng, họ sẽ xuống lá. Càng gần tết, những biến động về thời tiết, dịch dã khiến người trồng mai đứng ngồi không yên. 

Hy vọng dịch sẽ được dập tắt. Còn chúng tôi chỉ biết chăm chút cây mai sao cho đẹp nhất, rộ bông đúng tết, bông đều và đẹp vì thu nhập cả năm của gia đình đều trông cậy cả vào đợt bán tết này”. 

Làng hoa Phú Mậu - nơi trồng hoa tết nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế bị ngập lụt ẢNH: THUẬN HÓA
Làng hoa Phú Mậu - nơi trồng hoa tết nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế bị ngập lụt - Ảnh: Thuận Hóa

Làng hoa ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị trắng tay 

Những đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão đã khiến nhiều hộ trồng hoa tết ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị điêu đứng.

Xã Phú Mậu, huyện Phú Vang được xem là vựa hoa chính của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hoa tết ở đây không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn bán sang các tỉnh khác ở miền Trung, miền Nam. Nhưng năm nay, cây con, hạt giống đều bị lũ nhấn chìm. 

Ngồi thất thần nhìn ra khu vườn tan hoang sau lũ, ông Trần Minh Chương - ở làng Mậu Tài, xã Phú Mậu - cho hay nhà ông trồng 10.000 cây hoa cúc nhưng lũ đã làm hư hại hết. Cùng cảnh ngộ, nhà ông Đặng Văn Minh - ở làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu - cũng bị lũ làm chết gần 15.000 cây hoa cúc. Vợ chồng ông tranh thủ lúc nước vừa rút, trồng lại lứa mới nhưng đang lo không kịp ra bông đúng dịp tết.

Theo các hộ trồng hoa tết ở xã Phú Mậu, cứ mỗi sào hoa cúc, họ đầu tư 4 triệu đồng tiền giống, phân bón. Đợt lũ tháng Mười vừa qua đã khiến phần lớn các vườn hoa bị ngập, hư hại hoàn toàn. Gia đình chị Nguyễn Thị Bé - ở thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu - trồng hoa cúc quanh năm để có hoa bán liên tục, nuôi ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Thế nhưng, sau đợt lũ vừa qua, hơn ba sào đất trồng hoa của chị với 30.000 gốc hoa cúc bị chết sạch, chị mất trắng hơn 20 triệu đồng tiền giống, công, phân, thuốc. “Nước dâng vào ban đêm nên chúng tôi trở tay không kịp” - chị Bé ngậm ngùi.

Mưa lũ kéo dài trong thời gian qua đã khiến hàng chục ngàn chậu hoa tết ở làng hoa An Lạc, P. Đông Giang, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị bị hư hại nặng nề, trong đó ước tính hơn 70% số chậu hoa bị mất trắng. Tranh thủ trời nắng sau những ngày mưa lũ, vợ chồng anh Hoàng Quốc Huy (phường Đông Giang) ra vườn nhổ bỏ số hoa cúc Đà Lạt đã gieo trồng hơn hai tháng nay. 

Người dân trồng hoa tết ở xã Phú Mậu năm nay vô cùng lao đao do vườn bị ngập lụt dài ngày Ảnh: Thuận Hóa
Người dân trồng hoa tết ở xã Phú Mậu năm nay vô cùng lao đao do vườn bị ngập lụt dài ngày Ảnh: Thuận Hóa

Anh Huy cho biết, chuẩn bị cho mùa hoa tết năm nay, vợ chồng anh trồng 30.000 cây giống hoa cúc nhưng đợt lũ lên lần thứ tư quá lớn khiến vườn anh bị ngập sâu hơn 1m. Sau gần hai ngày ngâm trong nước lũ, bùn non, hầu hết hoa bị thối rễ, hư lá. Anh đành phải nhổ bỏ hết để xử lý đất, chuẩn bị trồng đợt hoa mới. Tính ra đợt vừa rồi, gia đình anh thiệt hại hơn 40 triệu đồng tiền công, tiền mua cây giống, phân bón, tiền điện, nước. Hiện vợ chồng anh đang phơi đất, đồng thời đợi giống hoa đặt ở Đà Lạt về để trồng lại.

Được biết, để phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán sắp tới, hơn hai tháng trước, làng hoa An Lạc đã trồng hơn 40.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là hoa cúc, hoa đồng tiền, thược dược, hoa hồng, hoa giấy, mai dạ thảo, bát tiên... An Lạc là làng hoa có truyền thống khá lâu đời, nổi tiếng ở TP. Đông Hà và tỉnh Quảng Trị. Hoa ở đây được thương lái nhiều nơi tìm đến vườn thu mua. Vụ hoa tết luôn là vụ chính, mang lại thu nhập cao cho người trồng hoa ở làng hoa An Lạc. Nhưng năm nay, thiên tai liên tục ập đến đã khiến người dân nơi đây vô cùng khốn đốn.

Anh Hoàng Hữu Khiêm - Tổ trưởng Tổ trồng hoa An Lạc - cho biết ước tính ban đầu, tổng thiệt hại do lũ lụt của 19 hộ trồng hoa của P.An Lạc là hơn 2 tỷ đồng. Có một số hộ trồng hoa đã mất trắng do vườn bị ngập lụt nhiều lần. Ngoài số hoa đã trồng, có khoảng 150.000 cây hoa giống vừa để trồng, vừa cung ứng cho những hộ trồng hoa nhỏ lẻ trong tỉnh cũng bị hư hại hoàn toàn. 

 Vân Phi - Thuận Hóa 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI