Trong vụ án máu lạnh có bi kịch con người

01/07/2020 - 07:22

PNO - Nếu có một nơi nương tựa, có một người soi đường, có một đoàn thể để thuộc về thì sẽ không ai phải đi kiếm tìm để rồi lạc lối ...

Bi kịch là, dường như chúng ta đang có những gia đình không giống gia đình, những đoàn thể không tròn trọng trách của đoàn thể. Nếu người ta có một nơi để nương tựa, có một người soi đường, có một đoàn thể để thực sự thuộc về trong bản thể tinh thần họ - thì sẽ không ai phải đi kiếm tìm, để rồi chẳng may sa ngã. Và xa hơn, là nếu người ta được giáo dục trong một triết lý đi vào bản thể, khơi gợi nhận thức về sức mạnh bản thân… thì đã không có những cuộc “tha phương” lạc lối như thế.

Vụ án “xác người trong bê tông” giống như một kịch bản được phóng đại, cực đoan và cá biệt đến mức khó tin rằng nó có thể đại diện cho một vấn đề xã hội nào. Nhưng, chuyện gia đình bất lực trước một người thân mê muội đi theo một “tôn giáo lạ” không phải là quá hiếm. Và ngay trong câu chuyện này, điều gây nhức nhối hơn cả không phải là những tình tiết của vụ án mạng rùng rợn. Nhức nhối hơn cả chính là nỗi thắc mắc: vì đâu, sức mạnh nào đã khiến những con người trưởng thành, có học thức lại tin và đi theo những lý lẽ vô lý, thậm chí là ác độc như thế?

Sự lột xác cay nghiệt

Trong một ca trực ở phòng Tư vấn hôn nhân - gia đình, chúng tôi tiếp một bạn đọc đến để xin tư vấn cách… từ mẹ. Buổi tư vấn đầy nước mắt. Bạn đọc là cô gái tên H., chưa đến ba mươi tuổi, là con lớn trong một gia đình có ba người con. Cô đòi từ mẹ, vì “không còn chịu đựng nổi việc phải làm con của một người mê muội, đạp đổ gia đình để đi theo cái mà bà gọi là tôn giáo tân tiến nhất”.

Những hình ảnh về Hội thánh Đức Chúa trời mẹ vẫn còn gây ám ảnh với nhiều người
Những hình ảnh về Hội thánh Đức Chúa trời mẹ vẫn còn gây ám ảnh với nhiều người

Mẹ H. 60 tuổi. Cách đây hai năm, bà bắt đầu vắng nhà thường xuyên. Một ngày, bà trở về và tuyên bố mình “không còn như trước đây nữa”, liên tiếp từ chối những việc mà trước đây bà vẫn làm để gánh vác gia đình.

Đúng như tuyên bố, bà như “lột xác” từ một người phụ nữ chu toàn thành một người bất cần. Mỗi tháng, bà chỉ về nhà một lần vào ngày nhận lương hưu. Nhận tiền xong, bà cầm thẳng đến nơi “tu tập”. Ba H. mất sức lao động từ lâu. Từ ngày mẹ “theo đạo lạ”, một mình H. phải gồng gánh gia đình. Mẹ H. mỗi lần trở về là lại lấy một món đồ đem bán, để “gửi tiền vào nơi tu”.

Bà bất chấp việc gia đình còn một người chồng bệnh tật và hai đứa con đang tuổi ăn học. Một mình nuôi cha và em, mỗi lần quá bế tắc tài chính, H. nhắn tin hỏi mẹ thì được hồi đáp thẳng thừng: “Nếu tỉnh ngộ thì theo mẹ đi tu, còn vẫn mê lầm thì đừng mở miệng nhờ vả”.

Đến lúc gặp chúng tôi, đứa em kề H. đã phải bỏ học đại học để đi làm. Cha H. suy sụp tinh thần, lâm vào tình trạng suy kiệt đến nguy kịch. Còn mẹ H. liên tục đề nghị ly hôn để bà lấy phần tài sản được chia cống nạp cho “tổ chức tôn giáo ”.

Có một thực tế là phần lớn các bi kịch gia đình liên quan đến “tôn giáo lạ” đều xuất phát từ những người phụ nữ lớn tuổi. Vì thế mà nhiều người cho rằng đó là bi kịch của những người cả tin, những bà nội trợ, những người phụ nữ thiếu trải nghiệm thực tế. Nhưng thực chất, bi kịch này rất… đa dạng đối tượng; và diễn biến của cuộc “lột xác” cũng muôn hình vạn trạng.

Có những sinh viên giữa chừng bỏ học để “hành đạo”, bỏ nhà vào nơi tu tập ở cùng bạn tu, hễ về nhà là đòi dẹp bàn thờ, đề nghị… phiên ngang vai vế của mọi thành viên gia đình, xem cha mẹ như bạn. Có người là giám đốc doanh nghiệp nhưng từ khi theo đạo mới lập tức xa lánh mọi người, khước từ thuốc và bệnh viện, lúc ốm đau chỉ trị bằng cách… hắt một loại nước vào người.

Trên mạng xã hội, có vô số bài viết tâm sự chuyện gia đình có người thân theo đạo lạ. Diễn biến có thể khác nhau, nhưng kết cục dường như vẫn là: thay đổi toàn bộ sinh hoạt gia đình, bỏ bê con cái, giao hết tài chính cho thủ lĩnh đạo lạ, nghỉ việc để vào phục vụ cho nơi tu tập…

 

Bà Hồng Hoa - một người mẹ đã bán nhà cửa để đi theo con gái và giáo phái con mình thống lĩnh
Bà Hồng Hoa - một người mẹ đã bán nhà cửa để đi theo con gái và giáo phái con mình thống lĩnh

Chúng tôi vẫn còn ám ảnh bởi cái chết của một thầy giáo dạy cấp III. Thầy vốn dạy giỏi, rất uy tín với học sinh. Nhưng cách đây chừng 10 năm, thầy bắt đầu theo một giáo phái lạ và gặp ai cũng nói về con đường của mình. Thầy tuyệt đối khước từ y học hiện đại. Thầy tin phép tập của giáo phái mình có thể chữa bách bệnh và nỗ lực đi truyền đạt giá trị mà đạo phái của mình mang lại.

Sau một thời gian, học trò chúng tôi ai cũng ngại gặp thầy. Thầy như biến thành một người hoàn toàn khác, có thể gọi hàng trăm cuộc điện thoại cho học trò để đến khi được kết nối, thầy lại… giảng đạo.

Cách đây một năm, chúng tôi bàng hoàng nhận tin thầy mất. Trong lúc chạy về dự tang, đứa nào cũng ôm một nỗi ân hận vì đã né tránh những cuộc gặp cuối cùng với thầy. Về đến nơi, trong tang gia bối rối, vợ con thầy cũng bàng hoàng không tin nổi thầy đã mất.

Vợ thầy kể cho chúng tôi nghe diễn biến sức khỏe của thầy. Cách đó vài ngày, thầy ăn một món cá biển rồi đau bụng, nôn mửa dữ dội. Tình hình không thuyên giảm, nhưng vì thầy “có đạo” nên không ai đủ sức thuyết phục thầy đi bệnh viện. Đến lúc hấp hối, thầy vẫn tin đạo pháp sẽ cứu được thầy.

Rồi thầy ra đi. Lúc đó thầy chưa được tẩn liệm. Đứa bạn làm bác sĩ của chúng tôi vào chăm sóc thầy lần cuối rồi quay ra, nói với vợ thầy: “Chỉ cần một lọ nước biển thôi cũng đã có thể cứu được thầy”. Người vợ đổ quỵ. 

Họ làm theo, để được thuộc về?

Thầy tôi đã đổi mạng vì niềm tin. Ông đã có rất nhiều cơ hội sống, nhưng ngay cả chuyện tử sinh vẫn không đủ để thách thức niềm tin trong ông. Dường như, một khi đã trở thành “tín đồ” của điều gì đó thì người ta có thể được thuần hóa đến mức kỳ quặc, ngược đời.

Điều đó thể hiện cực đoan qua từng lời khai của từng bị can trong vụ án xác người trong bê tông. Đúng - sai, hợp lý - vô lý, thiện-ác như nằm ngoài mọi phạm vi suy tư của họ. Họ chỉ làm theo mệnh lệnh của “giáo lý”, của thủ lĩnh. Và bị can Thiên Hà sau khi khai nhận tất cả, vẫn từ chối trả lời câu hỏi “có hối hận hay không về việc giết người của mình”.

Dường như họ không còn bị chi phối bởi những diễn biến tâm lý thông thường. Cảm xúc cũng khác. Cái chuỗi phản ứng gây tội - bị vạch tội - bị phán xử - hối hận… cũng bị vô hiệu. Vì họ không giết người như một hành động sai trái thông thường. Nó chỉ là một sai trái đương nhiên trong một chuỗi sai trái đã có từ trước.

Tội ác được điềm nhiên gây ra - như một mắc xích đương nhiên trong quy trình sa ngã. Họ giết người theo… “giáo lý”. Họ làm ác tận cùng như đang thực hành điều mà họ tin. Vì vậy, nên đến khi đối diện quan tòa, họ kể về tội ác điềm nhiên, ráo hoảnh.

Nếu đã sa ngã đến mức như Hà, Huyên, Thảo và bà Hoa thì nhiệm vụ thức tỉnh và trừng trị họ thuộc về cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng, đâu đợi đến lúc phải giết người, phải phạm pháp thì mới cần thức tỉnh? Bao nhiêu gia đình tan nát. Bao nhiêu phận người lang bạt, trôi nổi.

Nói rộng ra, không cần phải đi theo giáo phái lạ, chỉ cần sa vào một nhóm bạn tồi, người ta cũng bị chi phối bởi những lý lẽ tập thể đồi bại. Khi đó, một thiếu niên no đủ cũng có thể đi cướp giật nếu nhóm bạn của nó cướp giật. Nó có thể đi trộm gà nếu nhóm bạn của nó trộm gà. Rồi cả cờ bạc cá độ, dù nó sung túc hơn nhiều lần so với phần thắng từ những ván bài.

Cậu thiếu niên giàu có, những “tín đồ giáo phái lạ” có tri thức - họ không còn hành động vì nhu cầu và ý chí của bản thân họ. Ý chí cá nhân chỉ chi phối duy nhất việc họ kiếm tìm và gia nhập một băng nhóm. Để từ đó, trong băng nhóm đó, họ hành động theo những “luật chơi” được thủ lĩnh đưa ra. Những “luật chơi” đã trở thành quán tính tập thể.

Và, quán tính tập thể hay mệnh lệnh của thủ lĩnh thì luôn hấp dẫn, bởi nó đáp ứng được một nhu cầu sâu thẳm của loài người: nhu cầu được soi đường (dù lắm khi là con đường tội lỗi); và mãnh liệt hơn cả là nhu cầu được thuộc về.

Có lẽ đến lúc này thì vấn đề không nằm ở tri thức, tài chính hay trải nghiệm. Nó nằm ở tinh thần. Sự thành công, tri thức, trải nghiệm xã hội có thể là đề kháng trước nhiều loại cám dỗ. Nhưng, đề kháng đó sẽ bị vô hiệu trước cám dỗ về mặt tinh thần.

Làm thế nào để đến khi đã trưởng thành, có một cuộc sống ổn thỏa, người ta vẫn phải kiếm tìm một không gian để thuộc về, một thủ lĩnh để dựa cậy? Có thể, cuộc đời ổn thỏa đó đã không cho người ta một không gian nào họ thực sự “thuộc về”.

Không một người/một tổ chức nào gầy dựng được thứ niềm tin riêng tư thẳm sâu trong họ. Họ có thể đã thấy gia đình tẻ nhạt, bản thân bơ vơ, lạc lối. Và quan trọng nhất, hành trình trưởng thành có lẽ đã không cho họ cơ duyên để nhận thấy khả năng độc lập, sự “tự đủ” của tinh thần cá nhân.

Thực chất, mỗi con người trưởng thành lành mạnh đều tự đủ cho mình, đều không cần phải dựa cậy, bấu víu và phục tùng một đức tin nào khác để khám phá cuộc sống.
 

Phạm Thị Thiên Hà khai nhận hành vi chủ mưu giết người nhưng từ chối trả lời “có hối hận về hành vi phạm tội không”
Phạm Thị Thiên Hà khai nhận hành vi chủ mưu giết người nhưng từ chối trả lời “có hối hận về hành vi phạm tội không”

Những người có trách nhiệm sẽ thấy đau đớn vì lựa chọn đức tin của những con người đầy học thức như Hà, Huyên, Thảo… Nỗi đau đó sẽ mang dáng dấp những câu hỏi: cuộc đời này không còn gì đáng tin sao mà lại tin vào con đường tội lỗi như thế? Hoặc: xã hội hết người đáng tin sao mà lại tin người như Hà?”, “lẽ nào y học tiến bộ không đáng tin hơn rao giảng của một giáo phái mơ hồ?”. Hay, “gia đình, con cái không đáng giá hơn một ông thủ lĩnh tôn giáo sao?”.

Nhưng, chính những chủ thể niềm tin đó đã chi phối tất cả. Chính Hà khẳng định “khi tôi quyết định điều gì thì các bị cáo còn lại nghe theo chứ không có chuyện bàn bạc”. Hay đến lúc đối diện án giết người, Huyên vẫn khẳng định “bị cáo Hà là người tốt, biết chăm sóc chu đáo cho mọi người”.

Thứ “uy tín giáo chủ” đó, nếu chúng ta may mắn có được từ người mẹ, người cha, người chị, người thầy, người lãnh đạo… thì những “bị can kỳ quặc” này có được từ “thủ lĩnh - chủ mưu” của họ. Những “giáo chủ” như Hà sẽ không có đất sống nếu người ta được lớn lên trong uy tín gia đình, uy tín xã hội. Suy cho cùng, đó cũng là một nhu cầu được dựa cậy, được phục tùng một điều/người mà mình tin tưởng. 

Bi kịch là, dường như chúng ta đang có những gia đình không giống gia đình, những đoàn thể không tròn trọng trách của đoàn thể. Nếu người ta có một nơi để nương tựa, có một người soi đường, có một đoàn thể để thực sự thuộc về trong bản thể tinh thần họ - thì sẽ không ai phải đi kiếm tìm, để rồi chẳng may sa ngã. Và xa hơn, là nếu người ta được giáo dục trong một triết lý đi vào bản thể, khơi gợi nhận thức về sức mạnh bản thân… thì đã không có những cuộc “tha phương” lạc lối như thế.

Có lẽ sẽ rất dài hơi và vô nghĩa nếu đi vào nói chuyện đúng/sai với một niềm tin, một tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng không thể thông qua một tội ác mà quy kết toàn bộ bản chất của các giáo phái lạ. Người ta cũng sẽ không ngừng trở thành tín-đồ-giáo-phái-lạ chỉ vì có một tín-đồ-giáo-phái-lạ-khác giết người.

Vì vậy, ngoài những chỉ trích, lên án, xin hãy kể thêm về những bi kịch này như câu chuyện của những con người. Những con người bình thường, khỏe mạnh, có khi còn giàu có, thành đạt - điều gì đã đưa họ vào những bước đường đó? 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI