“Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn…”

07/10/2022 - 21:17

PNO - Hoa cúc xanh xuất hiện trên sân khấu đêm thơ nhạc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Xuân Quỳnh. Di cảo của bà lần đầu tiên được công bố. 34 năm sau ngày mất, tiếng thơ và tiếng lòng của nữ thi sĩ vẫn vang vọng trong lòng thế hệ sau…

1. Đêm thơ nhạc kịch chủ đề Hoa cúc xanh kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (6/10/1942 - 6/10/2022) được tổ chức trong hai đêm 5 và 6/10, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chị Thủy Lê - người phụ trách bán vé chương trình - chia sẻ rằng không chỉ có khán giả Hà Nội, mà còn có rất nhiều người yêu thơ Xuân Quỳnh từ TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng… Khán giả đến rất sớm, và chờ đợi để được cùng nhau chìm đắm vào không gian sâu lắng của thi ca - âm nhạc, của những lời tự sự, những dòng thư… Và để tưởng nhớ Xuân Quỳnh. Cuộc đời ấy, tình yêu ấy, tiếng thơ ấy vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ.

 

Hoa cúc xanh mừng sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh, trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội vào đêm 5/10
Hoa cúc xanh mừng sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh, trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội vào đêm 5/10

Lần đầu tiên sau 34 năm ngày nữ thi sĩ từ giã cõi đời, công chúng lại được nghe chính giọng đọc của bà với bài thơ Hát với con tàu. Đây là giọng đọc của Xuân Quỳnh trên Đài Tiếng nói Việt Nam từ hơn 40 năm trước.

Đạo diễn - NSND Nguyễn Thước chia sẻ rằng, khi nhận được file ghi âm giọng đọc thơ của Xuân Quỳnh (tư liệu từ Đài Tiếng nói Việt Nam), nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (tổng đạo diễn chương trình Hoa cúc xanh) đã vô cùng xúc động và gọi báo tin ngay cho ông, chị xem đó như một báu vật.

Trong đêm thơ nhạc, giọng đọc của Xuân Quỳnh vang lên, cả khán phòng lặng phắc. Có những giọt nước mắt đã rơi xuống… Hát với con tàu là bài thơ bà viết năm 1976, từ con tàu trong ký ức tuổi thơ, đi qua tuổi trẻ, đến ngày tiễn người ra trận, và mùa xuân trở về hát khúc khải hoàn. “Em tiễn anh ra ga/ Giữa mù mịt bụi vôi, gạch vỡ/ Em chẳng biết nói lời thương nhớ/ Tàu chạy rồi bỡ ngỡ vẫy bàn tay/ Anh đi, và trời trở gió heo may/ Đêm giá lạnh thương con tàu lầm lụi/ Em về lại nghĩ đến điều anh nói/ Về nhà ga về những con tàu…”.

Thiết kế sân khấu tĩnh. Ngôi nhà nhỏ đầy sách của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được tái dựng, để từ đó, thanh âm của thơ - nhạc được cất tiếng. Hồng Nhung thổn thức và thiết tha với Thuyền và biển, Hoa quỳnh. Ca sĩ - nhạc sĩ Giáng Son da diết trong chính ca khúc chị sáng tác, phổ thơ Xuân Quỳnh: Anh là tất cả của đời em. Vũ trầm lắng với những giai điệu của Sóng. Và Bùi Lan Hương cho người nghe cảm giác chìm đắm vào đoạn khúc cuối với Hoa cúc xanh - bài hát được viết riêng cho chương trình, cũng phổ từ bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh.

Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - di cảo của Xuân Quỳnh vừa được gia đình nhà thơ và Nhã Nam cho ra mắt
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - di cảo của Xuân Quỳnh vừa được gia đình nhà thơ và Nhã Nam cho ra mắt

Hoa cúc xanh có hay là không có/ Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa/ Một dòng sông lặng chảy từ xa/ Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ/ Hoa cúc xanh có hay là không có/ Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xa/ Mơ ước của người hay mơ ước của hoa/ Mà tươi mát dịu dàng đến thế…”.

2. Thơ Xuân Quỳnh chính là cuộc sống của bà, là tình yêu, là những nỗi niềm thiết tha, rất thật. Những trang thư bà viết cho chồng, cho con cũng đầy tràn yêu thương cháy bỏng, cuộn trào như sóng. Tình yêu trong tim bà không chỉ là tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, hay tình mẫu tử, mà còn là tình yêu lớn lao hơn dành cho đất nước, cho con người, cho cuộc đời.

Có một thời vừa mới bước ra/ Mùa xuân đã gọi mời trước cửa/ Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ/ Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi/ Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia/ Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn/ Trang nhật ký xé trăm lần lại viết/ Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau…” - trích Có một thời như thế. Một câu trong bài thơ này được chọn làm tựa cho tập di cảo của Xuân Quỳnh, vừa được gia đình và Nhã Nam cho ra mắt. Những trang nhật ký chưa từng được công bố này cho thấy có một Xuân Quỳnh của đời thường giản dị, nuôi con trong nghèo khó, và cả việc phải xa con trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh.

Trên sân khấu đêm thơ nhạc Hoa cúc xanh, NSND Lan Hương và NSƯT Minh Trang đã cùng hóa thân vào vai người mẹ, người vợ để cất lên những lời sẻ chia, những tâm sự tận đáy lòng của Xuân Quỳnh. Một câu chuyện kể thắt lòng là khi nhà thơ viết về giai đoạn nuôi con trai đầu lòng Lưu Tuấn Anh. Bị thiếu máu, thiếu sữa, trên đường từ bệnh viện về gặp người bán năm quả trứng gà, bà đã định mua một quả trứng ăn cho lại sức. Nhưng người bán nhất định phải bán cùng lúc năm quả trứng, mà trong túi thì chẳng đủ tiền…

Khi lên đường vào Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà đã trò chuyện với con bằng trang viết: “Mẹ đi trên con đường chiến tranh. Thức với trăng qua những bến phà, hố bom, vết đạn, pháo sáng dày đặc. Mẹ đi qua như qua những buồn vui của đời mẹ, những con đường chiến tranh này luôn luôn có cái chết rình bên cạnh, nhưng mẹ không sợ bằng lúc mẹ bắt đầu đi, vượt qua cái tình cảm gia đình (xa con). Qua những đêm thức trắng, xe càng đi càng vào miền nóng bức - hằng ngày nhớ con nên mẹ lại cảm thấy gần con hơn”.

Tập di cảo cũng lần đầu gửi đến công chúng những bức thư mà vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã viết cho nhau trong những năm cuối đời, thư Xuân Quỳnh gửi cho con trai út là Lưu Khánh Thơ khi bà đi công tác ở Liên Xô. Tình yêu chứa chan trong cuộc đời họ - dù tài sản của hai người chẳng có gì ngoài ngôi nhà vỏn vẹn 6m2, và sách. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh gieo neo nào, thơ vẫn là một vùng mây trắng trong vắt, vĩnh cửu trong trái tim Xuân Quỳnh. 

Có những giọt nước mắt đã rơi trong khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội trong đêm Hoa cúc xanh. Và lặng lẽ rơi khi đọc lại những bài thơ, trang viết của Xuân Quỳnh. Tình yêu tràn ngập trong thơ của người đã khuất và đầy trong tim người ở lại. Cảm xúc ấy, rung động ấy đã, đang và sẽ mãi còn dành cho thơ và cuộc đời đôi vợ chồng tài hoa Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI