Trời trở lạnh, COVID-19 và cúm mùa có thể cùng lúc tấn công

29/11/2021 - 07:43

PNO - Không khí lạnh tràn về khiến buổi sáng và ban đêm ở TPHCM nhiệt độ xuống thấp. Vào thời điểm này bệnh cúm mùa xuất hiện nên rất dễ mắc cùng lúc cúm mùa và COVID-19 mà nhiều người dễ nhầm lẫn vì các triệu chứng khá giống nhau.

Có thể mắc cả hai bệnh cùng lúc

Ngay trong ngày 27/11, khi nhiệt độ lần đầu tiên xuống 24 độ C vào sáng sớm, anh Phạm Thịnh Minh (phường 13, quận Tân Bình) nhắn cho bạn bè: “Từ hôm qua tôi bị rát cổ họng nhẹ, người hơi ngây sốt, tự test (xét nghiệm) COVID-19 tại nhà thì một vạch. Tôi đã uống paracetamol nhưng đến tối thấy rát họng nhiều hơn”.

Anh Minh cho biết, vừa đo nhiệt độ thì thấy bình thường, nồng độ oxy trong máu (SpO2) là 98. Dù vậy, anh vẫn quyết định báo cho trạm y tế địa phương để nhận được các hướng dẫn, hỗ trợ cần thiết.

TP.HCM đang trở lạ nh nên người dân dễ bị cảm cúm. Ảnh chụp chiều 28/11 ẢNH: TAM NGUYÊN
TPHCM đang trở lạnh nên người dân dễ bị cảm cúm. Ảnh chụp chiều 28/11 - Ảnh: Tam Nguyên

Tại trạm y tế một phường ở quận 10, chị Đ.T.Q. cho biết, đang đi lấy gói thuốc dành cho người thân mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà: “Ban đầu, anh tôi chủ quan, cho là cảm sốt thông thường. Đến ngày thứ hai, khi xuất hiện các triệu chứng sốt, nghẹt mũi, mệt mỏi, nuốt nước miếng bị đau, anh tôi test nhanh tại nhà thì cho kết quả dương tính với COVID-19”.

Chỉ trong ngày 27/11, phường này ghi nhận gần 30 ca mắc COVID-19 mới. Một nhân viên trạm y tế phường này xác nhận, có vài trường hợp bị nóng sốt, khó thở nhưng qua xét nghiệm, họ chỉ nhiễm cúm mùa.

Theo bác sĩ Trương Vĩnh Long - Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 - bệnh COVID-19 và cúm mùa do các loại virus khác nhau gây ra. COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, trong khi bệnh cúm do virus cúm A và B gây ra. Tuy nhiên, cả hai có cách thức lây nhiễm và triệu chứng khá giống nhau và hai loại virus đều có thể lây lan giữa những người tiếp xúc gần (trong vòng 2m) qua giọt bắn đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. Những giọt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của ai đó ở gần hoặc hít phải. Một người nếu chạm vào bề mặt có virus, sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình cũng sẽ bị lây.

COVID-19 và cúm có những dấu hiệu và triệu chứng chung, bao gồm sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa (phổ biến ở trẻ em hơn người lớn). Nhưng COVID-19 dễ lây hơn, biến chứng gây tổn thương phổi nhiều hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn so với bệnh cúm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của cả hai bệnh có thể từ “không có gì” cho đến xuất hiện các triệu chứng nhẹ hoặc nghiêm trọng. Mắc COVID-19 có thể mất vị giác, khứu giác hoặc không. 

Nếu không làm đúng cách, thanh test nhanh tại nhà có thể cho kết quả không chính xác hoặc không rõ - ẢNH: Quốc Ngọc
Nếu không làm đúng cách, thanh test nhanh tại nhà có thể cho kết quả không chính xác hoặc không rõ - Ảnh: Quốc Ngọc

“Do sự tương đồng nên khó chẩn đoán một người mắc bệnh nào nếu chỉ dựa vào các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm mới khẳng định bệnh nhân nhiễm COVID-19 hay cúm. Do chúng ta đang sống trong vùng dịch nên theo tôi, khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu, nên xét nghiệm nhanh để có hướng xử lý sớm và hạn chế sự lây nhiễm. Nếu dương tính thì phải tự cách ly và báo trạm y tế hoặc đến cơ sở y tế làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2. Tôi khuyên nên hết sức cảnh giác vì chúng ta cũng có thể mắc cả hai bệnh cùng lúc” - bác sĩ Trương Vĩnh Long nói.

Nên chủng ngừa và sinh hoạt lành mạnh

Cũng theo bác sĩ Trương Vĩnh Long, cả COVID-19 và cúm đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi, hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính, suy đa tạng, viêm cơ tim hoặc viêm não, đột quỵ và tử vong.

Tương tự COVID-19, người dân có thể chủng ngừa cúm hằng năm để giảm nguy cơ mắc bệnh này. Thuốc chủng ngừa cúm cũng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và nguy cơ biến chứng của cúm. “Thuốc ngừa cúm không ngừa được COVID-19 nhưng theo một số nghiên cứu gần đây tại Hoa Kỳ thì nó có thể làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19” - ông cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, khẳng định, thỉnh thoảng cũng có những trường hợp nhầm lẫn giữa cúm mùa và COVID-19, chủ yếu là do lỗi đọc kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, lỗi này thường xảy ra khi người dân tự test nhanh tại nhà qua đường nước bọt hoặc dịch hầu họng không đúng cách.

“Nhiều người khi làm xét nghiệm nhanh thường không để dụng cụ trên một mặt phẳng. Việc tạo ra góc nghiêng sẽ ảnh hưởng đến quá trình thấm hút tự nhiên của dụng cụ test và gây sai số. Khá nhiều trường hợp vạch thứ hai chỉ hiện lên mờ mờ nên vẫn nghĩ mình âm hoặc cho rằng chỉ là cúm mùa. Cần lưu ý, kết quả trên cây test nhanh chỉ đúng trong khoảng 10-30 phút sau khi nhỏ dịch vào lỗ” - bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh dự đoán, với sự thay đổi thời tiết cuối năm, khoảng một tháng nữa, cúm sẽ xuất hiện nhiều song song với COVID-19 nên dễ gây nhầm lẫn giữa hai bệnh. Ông hy vọng rằng, khi một loại virus khác mạnh lên trong cộng đồng thì nó có thể “ép” virus SARS-CoV-2 xuống. “Cách an toàn nhất lúc giao mùa là ngủ đủ giấc, uống đủ nước, dinh dưỡng tốt để cơ thể luôn khỏe mạnh, từ đó có sức đề kháng tốt với bệnh tật” - ông khuyên. 

Không chủ quan với biến thể Omicron 

Biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên chính chức là Omicron. Theo bác sĩ Trương Vĩnh Long, biến thể này có lượng lớn các đột biến, một số đột biến đáng lo ngại. Theo công bố của WHO, nguy cơ tái nhiễm với biến thể này cao so với các biến thể đáng quan ngại khác.

“Biến thể B.1.1.529 lần đầu tiên được Nam Phi báo cáo cho WHO ngày 24/11 vừa qua. Trong những tuần gần đây, các ca nhiễm đã gia tăng mạnh, trùng hợp với việc phát hiện ra biến thể B.1.1.529. Trường hợp nhiễm B.1.1.529 được xác nhận đầu tiên là từ một mẫu bệnh phẩm được thu thập ngày 9/11. Số trường hợp nhiễm biến thể này dường như đang tăng lên ở hầu hết các tỉnh ở Nam Phi” - bác sĩ Trương Vĩnh Long nói.

Theo bác sĩ Trương Vĩnh Long, WHO đã triệu tập Nhóm TAG-VE vào ngày 26/11 để đánh giá biến thể B.1.1.529 của SARS-CoV-2. TAG-VE là một nhóm chuyên gia độc lập theo dõi, đánh giá định kỳ sự tiến hóa của SARS-CoV-2 và xem xét các đột biến cụ thể, sự kết hợp của các đột biến làm thay đổi hành vi của virus… Họ đã làm một số nghiên cứu và tiếp tục đánh giá biến thể này. Các bằng chứng đã công bố cho thấy sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học COVID-19, nên TAG-VE đã khuyến cáo WHO rằng, biến thể này nên được chỉ định là biến thể đáng quan ngại (VOC). WHO đã chỉ định B.1.1.529 là VOC và đặt tên là Omicron.

WHO đã yêu cầu các nước tăng cường giám sát và giải trình tự gen để hiểu rõ hơn về các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành; gửi trình tự bộ gen hoàn chỉnh và dữ liệu liên quan cho WHO.

Bác sĩ Trương Vĩnh Long nói: “Với biến thể mới, các cá nhân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ mắc COVID-19, bao gồm các biện pháp như tiêm ngừa vắc xin, đeo khẩu trang phù hợp, vệ sinh tay, giữ khoảng cách, cải thiện sự thông thoáng của không gian trong nhà, tránh tụ tập đông người”.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI