Trẻ rối loạn tâm thần do hành vi của người lớn

30/03/2023 - 06:23

PNO - Số lượng trẻ em gặp sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi… khi chứng kiến cha mẹ, người lớn tranh cãi, bạo lực, chia ly, phải đi điều trị tâm lý đang tăng dần.

Trẻ bỗng nhiên nổi nóng

Khi vừa mới vào lớp Một, bé H.N.T. (9 tuổi, ở Đắk Lắk) có những phản ứng khác hẳn bạn bè, em không tập trung, không chịu ngủ trưa. Cô giáo phải thường xuyên nhắc nhở việc ăn uống, nghỉ ngơi. Quan trọng, kết quả học tập của T. không khả quan, cô giáo nhiều lần khuyên cha mẹ bé quan tâm tới con nhiều hơn. Do nghĩ con trai còn nhỏ, từ từ sẽ ý thức và quá bận việc nên cha mẹ của bé cũng cho qua. Nhưng dần dần bé T. hoàn toàn không học được, hay đi tới đi lui trong lớp trêu ghẹo bạn bè. Các bạn sợ, không ai dám chơi với bé. Cha mẹ T. từ khuyên bảo bé dần dần chuyển la mắng, dọa đánh đòn.

Một bệnh nhi sử dụng thang đo mức độ cảm xúc của mình khi không thể diễn tả bằng lời - ẢNH: PHẠM AN
Một bệnh nhi sử dụng thang đo mức độ cảm xúc của mình khi không thể diễn tả bằng lời - ẢNH: PHẠM AN

Ở lớp, bé T. bắt đầu có những hành động bột phát như hét lớn nếu không vừa ý điều gì đó về bạn, xô hoặc đánh bạn mỗi khi cô giáo chưa kịp đến. Nói con không nghe lời, cha mẹ bé T. đã phạt nhốt em vào phòng, dọa không cho ăn uống thì bé la hét, nhào người vào tường, tự làm đau mình, xa lánh người thân.

Đỉnh điểm, một lần đang ăn cơm, bị cha mẹ la rầy, T. đã cầm dao dọa chém và sau đó tự cứa vào tay mình. Lúc này, người thân của bé mới nhận ra con mình cần phải được điều trị. Bé T. được đưa đi khám ở rất nhiều chuyên khoa nội thần kinh, điện não, tâm thần… nhưng không ra bệnh. Khi cha mẹ đưa bé đến khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), các bác sĩ mới phát hiện từ nhỏ T. đã phải chứng kiến người thân trong nhà thường xuyên bất hòa, bạo lực. Bé nhiều lần bị mắng oan vì cơn nóng giận của người lớn nên em bị sang chấn tâm lý nặng nề. Từ sợ hãi, T. đã phát sinh bạo lực lúc nào không hay. Sau 3 năm được điều trị bằng thuốc, điều chỉnh hành vi và sự hợp tác của cha mẹ bé T., bé dần dần thoát khỏi các ám ảnh, kiểm soát được cảm xúc và đi học trở lại. 

Bác sĩ Trần Quang Huy - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết: Hiện số lượng trẻ gặp sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi… khi chứng kiến cha mẹ, người lớn xung quanh xảy ra tranh cãi, bạo lực, chia ly phải đến điều trị tâm lý đang tăng dần. Các bệnh nhi này chiếm 10% trong tổng số lượt trẻ được can thiệp tại khoa. “Ngoài chứng kiến các xung đột của người lớn, những trẻ bị la mắng, bạo lực từ người thân cũng gặp những tổn thương nhất định. Có trẻ thu người không giao tiếp với ai, có trẻ “đổi tính”, bạo lực, ức hiếp các bạn cùng trang lứa. Thậm chí là muốn… giết cha mẹ, người nuôi dưỡng mình. Khi trẻ không đạt được ý định lại quay qua làm mình bị thương”, bác sĩ Huy nói.

Đồng hành lành mạnh cùng con 

Bác sĩ Trần Quang Huy phân tích, trẻ nhỏ phát triển các kỹ năng phần lớn theo cách thức bắt chước. Từ 24 tháng tuổi, trẻ bắt đầu quan sát cách người lớn thao tác với đồ vật và bắt chước để học cách sử dụng. Từ 36 tháng tuổi là giai đoạn mở rộng hơn các tương tác xã hội, trẻ quan sát hành vi xã hội của người khác, bắt chước để hình thành cách thức ứng phó trong các tình huống. 

Chính vì vậy, đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, cách thức người lớn tương tác với nhau, hành vi được bộc lộ khi vui mừng hay tức giận, thói quen ứng xử… đều là những gợi ý mạnh mẽ cho trẻ khi chính mình gặp tình huống tương tự. Bên cạnh đó, vì sự gắn bó với hệ thống gia đình của mình, một số trẻ vị thành niên có thể lặp lại thói quen của người thân như bạo lực, uống rượu, hút thuốc… dù chính trẻ biết là không nên. Trẻ làm điều này như một cách thể hiện sự kết nối với các thành viên trong gia đình. 

Nếu cha mẹ, người xung quanh thường xuyên xung đột, chửi thề, nói tục, đánh nhau, trẻ có thể đứng trước nhiều nguy cơ tổn thương về cảm xúc. Ban đầu, trẻ bị buồn, sợ, lo lắng, đơn độc… Khi các cảm xúc này lặp lại nhiều lần với cường độ cao, dễ dẫn đến các rối nhiễu tâm lý nghiêm trọng gây hoảng loạn, lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hành vi, cảm xúc từ đó rơi vào sai lệch về nhận thức.

Sống trong môi trường lặp lại các xung đột, trẻ có thể hiểu sai về những điều được phép - không được phép. Thậm chí, trẻ vô thức tự diễn giải bạo lực là cách thể hiện tình cảm, hoặc cho rằng bạo lực với người thân yêu là phù hợp, dùng bạo lực để kiểm soát, gây sự chú ý và được quan tâm.

Cách hiểu này nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ được trẻ… áp dụng vào các mối quan hệ xã hội với bạn bè, thầy cô giáo, cộng đồng và dẫn đến các rối loạn cư xử, rối loạn thách thức chống đối, càng lúc càng bị xa cách trong các mối quan hệ. 

“Khi cảm thấy cô độc và không biết làm sao để thoát ra, có thể trẻ sẽ có xu hướng chọn bạo lực để giải quyết vấn đề. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến tình trạng của trẻ nặng nề hơn. Do đó, để là người đồng hành lành mạnh cùng con, cha mẹ trước hết hãy chăm sóc cho sự lành mạnh trong sức khỏe tinh thần của mình, đừng để trẻ chứng kiến xung đột, cãi vã, bạo lực diễn ra thường xuyên”, bác sĩ Huy chia sẻ. 

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI