Trào lưu “rắc, rắc” coi chừng rước họa vào thân

13/01/2022 - 06:23

PNO - Nhiều người có sở thích, thói quen đi nắn chỉnh cột sống, bẻ khớp kêu “rắc, rắc”. Tuy nhiên, có trường hợp sau một lúc bẻ, gập, thì bị gãy xương...

Hiện nay, tại TP.HCM, nhiều người có sở thích, thói quen đi nắn chỉnh cột sống, bẻ khớp kêu “rắc, rắc” khi các bệnh đau, nhức mỏi xương khớp đang dần trở thành bệnh thời đại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi vào phòng khám đi bình thường, khi đi ra phải mất ba, bốn người dìu đỡ lên xe. Có trường hợp sau một lúc bẻ, gập, thì bị gãy xương...

Rước họa vào thân

Tháng 12 vừa qua, cộng đồng sinh viên, bác sĩ y học cổ truyền rợn tóc gáy với màn trình diễn vặn bẻ khớp của một kỹ thuật viên thực hiện nắn chỉnh xương khớp tận nhà bệnh nhân, và sau đó nghe tiếng “rắc” rất lớn. Bệnh nhân đã hớt hải la lên: “ối, ối, xương đầu gối”! Tiếng “rắc” làm gãy xương ống chân của bệnh nhân được nắn chỉnh. Camera được trích xuất làm bằng chứng để cảnh báo các y bác sĩ thích vặn, bẻ xương khớp rút kinh nghiệm hành nghề của mình.

Một ca bẻ vặn chân dẫn đến gãy xương
Một ca bẻ vặn chân dẫn đến gãy xương

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, kể câu chuyện của một bệnh nhân đến bệnh viện khám. Người này tình thiệt: “Bác sĩ ơi, tôi ngu quá! Nghe lời bạn bè mách bảo đi nắn chỉnh xương khớp đã lắm. Với bệnh thoái hóa đốt sống cổ và lưng lâu năm, người luôn đau ê ẩm. Tôi đã đi ngay đến nhà bà lang để được nắn chỉnh và vặn xương kêu rắc, rắc.

Tuy nhiên, khi bước vào phòng khám tôi đi vào được bình thường, đến khi nắn chỉnh xương khớp xong tôi đau đến mức không đi ra được. Buộc ba thanh niên trong phòng khám dìu ra taxi để về nhà. Về đến nhà, người thân phải khiêng đỡ mới đi vào được. Bác sĩ khám và điều trị giúp tôi...”. 

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết, khi đó, các khớp cổ, tay, vai, lưng của bệnh nhân đều sưng và bầm tím. Bệnh nhân luôn thấy đau và phải mất một thời gian dài mới điều trị khỏi. Rất nhiều trường hợp nghe bạn bè giới thiệu, nghe quảng cáo trên mạng đi nắn chỉnh, bẻ khớp. Sau đó, về nhà thấy đau hơn và không dám đến bệnh viện, âm thầm chịu đựng bằng cách uống thuốc giảm đau.

Có trường hợp đi nắn chỉnh, bẻ khớp cổ dẫn đến liệt tay và đi điều trị khắp nơi không khỏi. Đặc biệt, hiện nay phong trào mát-xa đi trên lưng, nhiều kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm giẫm lên đốt sống nhún và sau đó nghe tiếng “rắc” dẫn đến đứt tủy gây tổn thương đến thần kinh cơ xương khớp. 

Tại một phòng khám nắn chỉnh xương khớp lớn tại TP.HCM, vừa qua, một bệnh nhân đến khám hết 100 USD và điều trị nắn chỉnh trong hai tuần với mức giá 20 triệu đồng. Mới thực hiện nắn chỉnh cột sống vài buổi, bệnh nhân than đau nhức, khó đi lại và làm đơn khiếu nại phòng khám. Do người thực hiện nắn chỉnh cột sống không có bằng cấp nên phòng khám buộc phải đưa cho bệnh nhân 20 triệu đồng để bệnh nhân 
bãi nại.

Y khoa các nước như Mỹ, Trung Quốc... đã ghi nhận một số bệnh nhân đi mát-xa và bẻ khớp đẫn đến tử vong. Một số bệnh nhân vô tình thực hiện thói quen bẻ cổ dẫn đến vỡ động mạch đốt sống, khiến cục máu đông hình thành trong não và gây đột quỵ từ hành động tưởng như vô hại này.

Hãy tìm đến bác sĩ để an toàn

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, tiếng “rắc, rắc” có thể phát ra bất cứ khi nào các khớp mặt của cột sống được điều khiển lệch khỏi hoặc trở về vị trí bình thường của chúng. Chính vì thế, khi các khớp có chuyển động như vậy, chúng có thể tạo ra âm thanh hoặc tiếng rắc nghe thấy kèm theo cảm giác thoải mái, giãn cơ do giảm áp lực đột ngột.

Khi nắn chỉnh xương khớp, tiếng kêu “rắc, rắc” là một hiện tượng vô hại. Hiện tượng này phổ biến, miễn là không gây đau đớn hoặc không có vấn đề đáng lo ngại gì khác. Tuy nhiên, khi bác sĩ thực hiện việc nắn chỉnh, nếu không có tiếng kêu “rắc, rắc” thì không có nghĩa là không hiệu quả. Nhiều bệnh nhân rất thích nghe tiếng kêu “rắc rắc” này, là một yếu tố tâm lý, mang đến cho họ sự thoải mái; chừng nào chưa nghe tiếng “rắc, rắc” thì chưa thấy khỏe. Một số nơi thực hiện nắn chỉnh xương khớp có thể vì thỏa mãn nhu cầu này mà sẽ thực hiện kỹ thuật ở những vị trí dễ phát ra tiếng kêu này nhiều thay vì chú trọng vào việc điều trị sao cho đúng.

Trào lưu “bẻ xương” được thực hiện đại trà, không đúng chuyên môn sẽ gây ra biến chứng nghiêm trọng do thao tác cột sống (ví dụ: đau lưng thấp, tổn thương dây thần kinh cổ, tổn thương động mạch ở cổ) rất hiếm nếu thầy thuốc thực hiện có chuyên môn. Không nên dùng tác động cột sống hoặc rất thận trọng trên bệnh nhân loãng xương hoặc có triệu chứng của bệnh lý thần kinh (dị cảm, liệt chi). Chống chỉ định trong các trường hợp như thoát vị đĩa đệm cấp, tiêu xương, rối loạn chuyển hóa xương. 

Nếu thầy thuốc không có chuyên môn, bẻ xương, nắn chỉnh không đúng sẽ dễ gây hại cho cơ thể. Tại vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não. Thao tác gây chấn thương vùng cổ có thể gây yếu liệt tứ chi, có thể tổn thương mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây tai biến. Hoặc có thể gây căng cơ và đau nhiều hơn. Chấn thương vùng thắt lưng có nguy cơ liệt hai chi dưới. Lạm dụng việc nắn chỉnh quá nhiều có thể gây giãn dây chằng, bao khớp, làm mất vững các cấu trúc, tăng nguy cơ thoái hóa, chèn ép thần kinh.

Do đó, người bị đau nhức, chấn thương xương khớp cần tìm hiểu kỹ nơi thực hiện nắn chỉnh xương khớp và thầy thuốc thực hiện kỹ thuật có chuyên môn và được cấp phép hay không, nắn chỉnh theo trường phái nào. Tốt nhất, bệnh nhân nên đến các bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình hoặc chuyên khoa xương khớp để được tư vấn điều trị. Thầy thuốc phải nắm bắt được tình trạng người bệnh, có chẩn đoán rõ ràng mới tiến hành điều trị. Nếu người bệnh có loãng xương, lao xương hoặc ung thư xương mà nắn chỉnh quá mạnh có thể gây gãy xương, vết gãy xương có thể gây đau hoặc mất máu và ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Nắm được các trường hợp chỉ định và chống chỉ định, kỹ thuật được phép thực hiện tại mỗi vùng cơ thể.

Khi phương pháp nắn xương được kết hợp với vật lý trị liệu, hiệu quả điều trị sẽ được phát huy tối đa, đặc biệt trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau cổ, thoái hóa cột sống, phục hồi chức năng sau phẫu thuật, phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật, phục hồi chức năng chung cho bệnh nhân đột quỵ, đau vai, đau tay… 

Hoàng Nhung

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe