Tranh cãi quanh dự án resort nằm cạnh Hoàng thành Huế

06/01/2020 - 06:30

PNO - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang ráo riết triển khai dự án di dân ra khỏi thượng thành nhằm trả lại vẻ tôn nghiêm cho khu di tích lịch sử Kinh thành Huế, nhưng ngay cạnh Đại nội, dự án khu nghỉ dưỡng đẳng cấp Nama (Nama Resort) lại sắp khởi công khiến dân tình lo lắng.

Lo resort ảnh hưởng đến di sản

Dự án Nama Resort do Công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 11/2015, thời gian hoạt động 50 năm, trên diện tích 6.338m2, tổng vốn đầu tư gần 197 tỷ đồng. Khu nghỉ dưỡng này có quy mô 20 phòng khách sạn cao cấp cùng hệ thống nhà hàng, spa, hồ bơi và các dịch vụ, tiện ích khác. Đến nay, nhà đầu tư cơ bản hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng.

Điều đáng nói, khu vực triển khai dự án tiếp giáp ba tuyến đường Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên, Đoàn Thị Điểm và nằm sát Đại nội Huế. Khu đất này từng là khu vực sân vườn của Khâm Thiên Giám triều Nguyễn - một di tích khí tượng, thiên văn duy nhất trong lịch sử Việt Nam còn sót lại và là nơi tọa lạc của Thái y giảng đường, một trong những cơ quan của Thái y viện triều Nguyễn. Di tích Khâm Thiên Giám là danh sách di sản cấp I thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1993.

Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp Nama bên cạnh Đại nội Huế đã được Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế thẩm định
Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp Nama bên cạnh Đại nội Huế đã được Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế thẩm định

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, đã thẩm định thiết kế của dự án này. Theo đó, hình thức kiến trúc được thiết kế theo lối truyền thống, mái dốc lợp ngói, thấp tầng, mật độ xây dựng khoảng 40%, chiều cao công trình từ cốt nền đến đỉnh mái khoảng 9,5m, tương đương các công trình kiến trúc di tích xung quanh và bảo đảm hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực Kinh thành Huế.

Nói về dự án này, ông Nguyễn Xuân Hoa - nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, di tích Khâm Thiên Giám bị phá hủy từ thời Pháp, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, nơi đây trở thành sân bóng của thiếu niên với tên gọi Lửa Hồng và một rạp chiếu bóng dành cho thiếu nhi. Sau năm 1975, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp quản khu đất này. Năm 2006, Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang (hiện nắm giữ trên 50% cổ phần Công ty Kinh Thành) đã đổi lấy khu đất này với mục đích xây dựng khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch. Vào thời điểm đó, dư luận ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di sản. 

Được biết, khu vực triển khai dự án nằm trong hồ sơ công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới nên mọi hoạt động ở đây phải tuân thủ Luật Di sản, trong đó có quy định, đối với khu vực bảo vệ I của di tích, phải phục hồi nguyên trạng về mặt kiến trúc. “Luật không cấm hẳn việc khai thác di tích nhưng không được xâm phạm. Khu vực đường Đoàn Thị Điểm là không gian văn hóa, lịch sử tiếp giáp Hoàng thành Huế, là điểm ra của du khách sau khi tham quan Đại nội. Vì vậy, địa phương nếu muốn khai thác thì nên quy hoạch lại không gian đường Đoàn Thị Điểm, Lê Thánh Tôn đoạn từ đường Mai Thúc Loan đến đường 23 Tháng 8” - ông Hoa nêu ý kiến.

Rõ ràng, việc quy hoạch phải thể hiện ý đồ không gian về kiến trúc, sinh hoạt, dịch vụ, kinh tế để tạo ra không gian văn hóa lịch sử, góp phần thu hút khách, tôn tạo vẻ đẹp kinh thành. Quy hoạch cần tập trung tu bổ phần di tích, điều chỉnh kết cấu hạ tầng dân cư, hạ tầng dịch vụ. Quy hoạch đó phải định hướng cho cuộc sống người dân và định hướng kiến trúc. Phải tuân thủ nguyên tắc kiến trúc kinh thành Huế, khuyến khích người dân xây dựng nhà cửa có những đường nét kiến trúc truyền thống. Dự án Nama triển khai cũng phải tuân thủ điều này. "Điều đáng lo ngại là dự án này có địa chỉ 85 Nguyễn Chí Diểu, trước kia không thuộc tuyến đường này. Việc cho phép làm dự án ở đây rất dễ dẫn đến việc công trình đi ngược hướng với các công trình di tích Kinh thành Huế, sẽ đối mặt với khu di tích Lục bộ nếu được khôi phục" - ông Hoa bày tỏ lo lắng.

Cũng theo ông Hoa, ở khu đất này, trước đây, khi Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang lập đề án xây dựng khách sạn, nhà hàng hướng mặt ra đường Đoàn Thị Điểm, đối diện khu Kinh thành Huế nhằm có không gian đẹp, thu hút khách nhưng hội đồng kiến trúc của tỉnh lúc đó đã bác dự án này, yêu cầu hướng mặt về đường Hàn Thuyên để tôn trọng không gian quy hoạch chung của Hoàng thành. “Vì vậy, bây giờ, không có lý do gì để cấp dự án theo địa chỉ đường Nguyễn Chí Diểu, dễ dẫn tới nguy cơ quay mặt về đường này, đối chọi với Kinh thành Huế" - ông Hoa phân tích.

 Trước mặt cổng dự án Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp Nama có bản vẽ ghi rõ khoanh vùng bảo vệ di tích Khâm Thiên Giám
Trước mặt cổng dự án Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp Nama có bản vẽ ghi rõ khoanh vùng bảo vệ di tích Khâm Thiên Giám

Dự án nằm “trong vùng di tích nhạy cảm”
Do đây là dự án ở khu vực đất di tích nên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo phải rà soát lại để đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật. Ông Phan Văn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - cho biết, khu vực này vướng khoanh vùng bảo vệ I của di tích nên rắc rối về thủ tục đất đai. Đây là khu vực Thái y viện, nơi đào tạo nghề thuốc để phục vụ cung đình, trải qua nhiều mốc thời gian nên có sự chồng lấn kiến trúc. Trong đợt khảo cổ năm 2006, kiến trúc mờ nhạt, không có tài liệu, cơ sở để phục dựng lại công trình từng tồn tại. Vì vậy, nơi đây chỉ được ghi nhận là địa điểm di tích nhằm nghiên cứu, bảo tồn. 

“Nói khu vực bảo vệ I thì phải có phương án phục hồi, nhưng công trình ở đây lại không rõ ràng. Để lâu làm gì? Cho nên, tôi cho rằng, cần có một kiến trúc hài hòa. Nhưng muốn thực hiện dự án thì phải giải quyết vướng mắc về đất đai, cụ thể là điều chỉnh quy hoạch hoặc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích” - ông Tuấn cho hay. 

Mới đây, tại cuộc họp giao ban báo chí, khi được hỏi về dự án này, bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo phương án giải quyết vướng mắc. Theo bà Trâm, qua rà soát, có phát sinh một số nội dung cần thẩm tra, đối chiếu với các quy định liên quan. “UBND tỉnh mong muốn phát triển các dự án đầu tư trên quan điểm bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phù hợp với quy định hiện hành. Dự án nằm trong vùng di tích nhạy cảm nên cần xem xét thấu đáo các yếu tố để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” - bà Trâm nói.

Trong khi đó, giáo sư - tiến sĩ Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - cho rằng, theo quy định, không được phép xây dựng bất cứ công trình nào trong khu vực bảo vệ I di tích. Việc xây dựng chỉ được tiến hành ở khu vực bảo vệ II nhưng cũng không làm tùy tiện. 

“Tôi cho rằng, xây dựng khu resort ở khu vực bảo vệ I của di tích là không được vì công năng khác nhau. Mặc dù ông lấy chiêu bài xây resort xanh, cây xanh, ẩn mình… nhưng ở trong phạm vi di tích là không được. Trên nền tảng phế tích thì phải nằm trong dự án tổng thể, cả một quần thể phế tích như thế thì người ta làm những gì để lưu lại những giá trị của di tích ấy? Phải giữ tuyệt đối những cái gì còn lại. Có thể làm một số công trình khác nhưng phải hài hòa, không che lấp dấu tích nền móng và di tích đó” - giáo sư Bình phân tích. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI