Trăn trở những “luồng khí độc” văn hóa tác động tiêu cực đến xã hội

28/02/2023 - 22:43

PNO - Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở khi những “luồng khí độc” văn hóa tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình nghệ thuật chào mừng 80 năm

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình nghệ thuật chào mừng 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, tối 28/2

Văn hóa là hồn cốt dân tộc

Tối ngày 28/2, tham dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, bản đề cương được coi như Cương lĩnh của Đảng về văn hóa, đặt nền tảng tư tưởng - lý luận cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khoa học, đại chúng, cách mạng và hội nhập quốc tế.

Theo Thủ tướng, văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử.  

80 năm trước, trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo và thông qua 2/1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về văn hóa. Đề cương thể hiện tầm vóc tư tưởng chính trị của Đảng trong việc xác định vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong cuộc đấu tranh “phản đế”, “phản phong”, đẩy mạnh cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phát-xít, thực dân, phong kiến tay sai, xóa bỏ mọi áp bức bất công, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với 3 nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng”, Đề cương về Văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“80 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của Nhân dân”, Thủ tướng nói.

Thách thức bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống 

Bước vào giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh cơ hội, vận hội mới, có không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ.

Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp. Cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn; việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức mới có nhiều khó khăn hơn.

“Trong dòng chảy của xã hội, chúng ta đã chứng kiến biết bao tấm gương cao đẹp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội với khát vọng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng trăn trở, băn khoăn khi những “luồng khí độc” văn hóa tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ”, Thủ tướng nói.

Trước thực tế này, Thủ tướng chỉ ra, giải pháp nào để “gạn đục, khơi trong” trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, công nghệ, các nền tảng mạng xã hội phát triển như hiện nay là thách thức và trách nhiệm của mỗi người dân.

Do đó, Thủ tướng đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”; “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá; đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Một trong những vấn đề khác cần lưu ý là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gắn kết chặt chẽ văn hóa với các hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng, khai thác tối đa các giá trị của chiều sâu văn hóa Việt Nam. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hoá, đưa văn hoá Việt Nam đến với thế giới…

Một số hình ảnh tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam:

 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI