Trái cây lạ - giá cao chỉ vì... hiếm

09/11/2016 - 07:10

PNO - Trên thị trường hiện đang xuất hiện một số loại trái cây lạ như chanh máu, cà chua trái cây, thanh long vỏ vàng, mãng cầu tím,… được người bán tự đồn thổi là nhiều chất dinh dưỡng, đẩy giá lên cao ngút trời.

Cà chua trái cây (Cà chua siêu ngọt) 

Hình dáng tương tự cà chua bi Đà Lạt nhưng lớn hơn, thon, dài khoảng hai lóng tay, màu vàng rực, ăn có vị ngọt thanh như trái cây nên được gọi là cà trái cây, cà "siêu ngọt". Giống cà này trồng tại Đà Lạt, khi chín trái dính chặt vào cuống thành từng chùm không dễ rớt rụng như các giống cà chua bình thường, thời gian bảo quản lâu.

Trai cay la - gia cao chi vi... hiem

Việc chăm sóc loại cà chua này rất cực vì phải trồng trong nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt, bón bằng phân hữu cơ làm từ trứng gà, mật mía… Hiện sản phẩm được bán tại các phiên chợ nông sản ở TP.HCM như Tâm Dân, phiên chợ xanh Tử Tế, chợ nông sản an toàn… giá 100.000đ/kg.

Chanh ngọt

Là một loại chanh hiếm, ít người trồng. Ông Dương Quang Quế (đường Cao Bá Quát, P.7, TP.Đà Lạt), chủ một vườn chanh ngọt cho biết, cách đây 10 năm ông mang giống cây này về từ một vùng núi tỉnh Thanh Hóa. Một số hộ ở địa phương ăn thử thấy có vị ngọt nên đã nhân giống, phát triển vườn.

Trai cay la - gia cao chi vi... hiem

Tuy nhiên, tại Đà Lạt chỉ khoảng vài chục hộ trồng loại chanh này nên số lượng không đủ cung cấp ra thị trường. Thỉnh thoảng một số ít được chuyển lên TP.HCM, không đủ bán đại trà, giá từ 150.000- 300.000đ/kg. Cây chanh cho trái quanh năm, thường rộ vào dịp gần tết. Hiện loại chanh này được Trung tâm Phát triển giống cây trồng mới (thuộc ĐH Nông nghiệp 1) nhân giống vì chứa nhiều vitamin A, B1, B3, C.

Chanh máu (Chanh đỏ)

Còn có tên là Blood lime hay Red lime, được trồng tại một số cao nguyên (Mộc Châu, Lâm Đồng, Đăk Lăk) nhưng sản lượng rất ít vì khó trồng, chủ yếu nhập từ nước ngoài. Giống chanh này được lai tạo giữa chanh ngón tay đỏ có nguồn gốc từ Úc và một loại quýt lai; được ưa chuộng nhờ vẻ ngoài bắt mắt và hương vị thơm ngon. Quả có ruột màu vàng đỏ, vỏ đỏ, hình bầu dục, dài hơn giống chanh thường, trọng lượng trung bình từ 15-20 quả/kg.

Trai cay la - gia cao chi vi... hiem

Khi ăn có vị ngọt, mùi thơm như quýt, có tính axít mạnh. Ngoài làm mứt, pha chế các loại nước uống chanh máu còn được dùng làm rượu. Hiện nhiều cửa hàng online rao bán chanh này giá 200.000đ/ kg, đặt hàng trước từ 5-10 ngày mới có.

Mãng cầu tím

Trai cay la - gia cao chi vi... hiem

Mãng cầu tím được trồng tại các tỉnh miền Tây, nhưng số hộ trồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hình dáng tuy giống mãng cầu truyền thống nhưng thay vì màu trắng thì có màu tím. Trái chín rất thơm, ngọt, khi vận chuyển dễ hư hơn mãng cầu trắng nên giá đắt hơn, 190.000đ/ kg. Chị Ngân, tiểu thương chợ Bà Chiểu cho biết, thỉnh thoảng mới có hàng, mỗi đợt chỉ vài chục ký. Khách chuộng vì màu sắc đẹp, lạ, chứa nhiều chất chống ôxy hóa. Hiện các trại giống cũng có bán loại cây giống này, giá 150.000-395.000đ/cây con.

Thanh long vàng 

Có nguồn gốc từ Malaysia, vỏ có màu vàng nhưng ruột màu trắng, ăn có vị thơm, ngọt thanh, mọng nước. Trước đây, nhiều người ở Bình Thuận đã trồng thử nhưng do kén đất, điều kiện chăm sóc cao, cho năng suất kém, nên sản phẩm trên thị trường là hàng nhập.

Trai cay la - gia cao chi vi... hiem

Do tâm lý tò mò của khách hàng, hiện một số cửa hàng trái cây nhập khẩu “hét” loại này với giá rất cao. Nếu như thanh long ruột trắng và ruột đỏ có giá 15.000-20.000đ/ kg thì thanh long vỏ vàng, nhờ đồn thổi có tác dụng tốt cho sức khỏe nên giá 650.000-700.000đ/kg. Mỗi đợt các cửa hàng chỉ nhập số lượng ít hoặc nhập theo đơn đặt hàng.

Chủ một cửa hàng trái cây nhập trên đường Sương Nguyệt Anh cho biết, thật ra thanh long vỏ vàng không “hot” như các trang mạng đã “bốc” lên. Trước đây, cửa hàng có nhập về bán thử, giá chỉ 250.000đ/ kg nhưng… ế vì quá đắt. Dù ăn ngon, ngọt nhưng so với thanh long Việt Nam cũng chẳng hơn là bao, vỏ lại quá dày.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, trong số những giống cây mới, lạ chỉ có một ít là được tạo nên do quá trình đột biến gen tự nhiên, phần lớn đều nhập từ nước ngoài. Các loại giống này chưa được khảo nghiệm, đánh giá mức độ thích nghi với điều kiện, khí hậu Việt Nam và cách chăm sóc như thế nào nên khi trồng rất khó sống, không cho năng suất cao. Riêng về dưỡng chất trong trái cây cũng chưa có nghiên cứu đầy đủ, chủ yếu chỉ là đồn thổi, lại thêm sản lượng thấp nên giá bị đẩy lên cao.

Người tiêu dùng chuộng trái cây lạ, hiếm là do tâm lý tò mò, muốn thử mùi vị mới, nhưng nếu nhận ra không ngon bằng trái cây truyền thống là quay lưng ngay. Cụ thể, cách đây một năm, khi vừa xuất hiện, cà chua đen đã “làm mưa làm gió” trên thị trường. Không chỉ cửa hàng mà các siêu thị cũng đua nhau bán, dù giá đến 150.000-200.000đ/ kg. Người khởi xướng trồng loại cây này là một nông dân ở Lâm Đồng, đã đầu tư kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, nông dân này hiện đã không còn trồng vì sau “cơn sốt” người tiêu dùng không còn mặn mà với loại cà này nữa.

Hay như mãng cầu tím, ông Đoàn Ngọc Phả - nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang cho biết, đây là loại cây xuất hiện từ lâu tại các tỉnh miền Tây, từng có hộ trồng thành vườn, khi chín trái rất thơm nhưng bở, không dai như mãng cầu xanh. Thời đó, loại trái này không được chuộng vì khi vận chuyển hay bị nát. Các nhà vườn đã phải phá bỏ vì khó bán. Một số cây còn sót lại, ra trái, người dân sau này thấy lạ, lại đua nhau nhân giống…

Trước tình trạng không mua được trái cây lạ, hiếm, người dân có xu hướng mua cây giống về trồng dù giá cao ngất ngưởng, ông Hòa cảnh báo: Hiện chưa đánh giá được nhu cầu thị trường, nếu trồng theo phong trào, có thể sẽ thiệt hại về kinh tế. Bằng chứng là thanh long vàng gốc Malaysia đang “sốt” trên mạng thật ra đã có ở Việt Nam khá lâu, một số hộ ở Bình Thuận đã trồng thử nghiệm nhưng vì không phù hợp, năng suất thấp nên không trồng nữa.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI