TPHCM từng bước trở thành đô thị thông minh

29/04/2022 - 06:34

PNO - Những năm qua, bộ mặt đô thị của TPHCM ngày càng khang trang, đẹp đẽ và đang từng bước chuyển thành một thành phố thông minh.

Giao thông thông minh

Hiện nay, việc điều tiết giao thông ở nội thành TPHCM phần lớn do Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM thực hiện qua hình thức trực tuyến. Được xem là trung tâm điều khiển giao thông thông minh đầu tiên của cả nước, trung tâm này ứng dụng nhiều loại công nghệ hiện đại để ghi nhận và xử lý ngay các sự cố về giao thông. Xe cộ lưu thông qua các trục đường chính, các giao lộ, cây cầu đều nằm trong tầm quan sát của các kỹ sư tại trung tâm. Nơi đây, luôn có hàng chục kỹ sư túc trực 24/24 giờ để theo dõi, giám sát tình hình giao thông ở nhiều khu vực thông qua hàng trăm màn hình lớn nhỏ. 

Trung tâm quản lý, điều hành giao thông TP.HCM - ẢNH: PHÙNG HUY
Trung tâm quản lý, điều hành giao thông TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Đứng trước một màn hình đang hiển thị cảnh ùn ứ ở cầu Tân Thuận 2, kỹ sư Nguyễn Minh Trung - Trưởng nhóm điều hành giao thông của trung tâm - nhanh nhẹn chỉ đạo nhân viên chuyển ngay hình ảnh camera tại hai đầu cầu để xác định nguyên nhân. Rất nhanh, các kỹ sư phát hiện, có một xe chết máy trên đường dẫn đầu cầu phía quận 7. Từ trung tâm, nhóm liền điều chỉnh lại thời lượng đèn tín hiệu ở các nút giao, đồng thời chuyển thông tin về sự cố đến cảnh sát giao thông phụ trách khu vực. Nhờ đó, tình trạng ùn ứ được giải quyết ngay. Mỗi ngày, các kỹ sư ở đây có thể xử lý hàng ngàn tình huống giao thông tương tự. 

Ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc trung tâm - cho biết, từ năm 2013, trung tâm gắn hệ thống camera quan sát giao thông đầu tiên trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ. Đến nay, sau nhiều năm nâng cấp và phát triển, hệ thống giám sát đã có 716 camera quan sát giao thông và 118 camera quan trắc giao thông, được kết nối với hơn 200 tủ đèn tín hiệu. Các thông số của dòng giao thông như lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ xe… được hệ thống trí tuệ nhân tạo phân tích, tính toán, đưa ra phương án điều khiển đèn tín hiệu phù hợp tại các nút giao. Không chỉ xử lý sự cố bằng đèn xanh, đỏ, trung tâm còn gửi thông tin cảnh báo lên 67 bảng thông tin điện tử khắp thành phố để người lưu thông biết và điều chỉnh lộ trình phù hợp. 

Bộ mặt đô thị TP.HCM đã thay đổi rất nhiều từ năm 1975 đến nay (trong ảnh: Khu trung tâm TP.HCM nhìn từ cầu Thủ Thiêm 2 vừa khánh thành ngày 28/4) - ẢNH: TAM NGUYÊN
Bộ mặt đô thị TPHCM đã thay đổi rất nhiều từ năm 1975 đến nay (trong ảnh: Khu trung tâm TPHCM nhìn từ cầu Thủ Thiêm 2 vừa khánh thành ngày 28/4) - Ảnh: Tam Nguyên

Thời gian qua, trung tâm còn chủ động xây dựng kịch bản giao thông cho các nút giao thông trọng điểm, các tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra ùn ứ, trong đó có mô hình “làn sóng xanh”, cho phép hệ thống đèn báo tín hiệu hiển thị màu xanh xuyên suốt để xe cộ không phải dừng chờ ở các giao lộ. Hiện kịch bản này được triển khai trên bảy tuyến đường chính ở trung tâm TPHCM, gồm Điện Biên Phủ, Pasteur, Trương Định, Lý Chính Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu và Lê Thánh Tôn. Trong đó, đường Điện Biên Phủ được xem là điển hình với tốc độ di chuyển từ 30 - 35 km/h, người dân có thể di chuyển thông suốt gần như suốt tuyến do đèn xanh được giữ liên tục. Trung tâm đang nghiên cứu mở rộng thêm số tuyến đường áp dụng mô hình “làn sóng xanh” để tăng hiệu quả lưu thông.

Người dân làm chủ thông tin đô thị

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người dân ở TPHCM có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về giao thông, ngập theo thời gian thực. 

Khi cài đặt ứng dụng “TTGT TP Hồ Chí Minh”, người dùng có thể xem hình ảnh tại các giao lộ theo thời gian thực. Người lưu thông có thể kiểm tra mục “cảnh báo” để biết được những sự cố giao thông (nếu có) đang xảy ra ở các nút giao, đồng thời cũng có thể cung cấp thông tin về tình hình giao thông ở nơi mình đi qua.

Tương tự, khi cài đặt ứng dụng “UDI Maps”, người dùng sẽ biết được tình trạng ngập, mưa gió ở TP.HCM theo thời gian thực để chủ động tránh kẹt xe, ngập nước, hư hại tài sản, đồng thời chủ động chia sẻ thông tin về tình hình mưa, ngập nước thông qua các hình ảnh, video tự quay.

Ngoài ra, còn có ứng dụng khác cung cấp thông tin về các lĩnh vực đô thị, như “My Parking” giúp tìm chỗ đậu xe, “TNGO” giúp tìm vị trí và đăng ký thuê xe đạp công cộng, “Go!Bus TPHCM” giúp nắm được lộ trình xe buýt…

Trung tâm này dự kiến, đến năm 2025, sẽ mở rộng hệ thống giao thông thông minh ra toàn thành phố, có thể ghi nhận và xử lý hơn 2.000 tình huống giao thông cùng lúc. Khi đó, mạng lưới camera giám sát giao thông sẽ được lắp đặt phủ khắp các vị trí phức tạp về giao thông (thường xảy ra tai nạn, ùn tắc); trung tâm giám sát và điều khiển giao thông cũng sẽ được kết nối, chia sẻ hoạt động đồng bộ với ba trung tâm thành phần còn lại của đề án Đô thị thông minh (gồm kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, trung tâm an toàn - an ninh thông tin).

Công nghệ hóa hạ tầng kỹ thuật

Không chỉ giao thông, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn được triển khai trên hầu hết các lĩnh vực thiết yếu của đời sống. Chẳng hạn, từ nhiều năm trước, ngành điện đã đưa vào vận hành hệ thống “lưới điện thông minh”.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - cho biết, thay vì vận hành theo phương thức thủ công, phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người và thời tiết, hệ thống lưới điện TPHCM đã được EVNHCMC tự động hóa. Tổng công ty đã đưa vào vận hành trung tâm điều khiển, từ đó giám sát và điều khiển từ xa lưới điện của toàn thành phố theo thời gian thực, giúp phát hiện nhanh và kịp thời xử lý các sự cố. EVNHCMC cũng ứng dụng công nghệ điều khiển từ xa, hệ thống phòng cháy và chữa cháy tự động, hệ thống camera giám sát an ninh để tự động vận hành toàn bộ trạm biến áp 110kV và các tuyến lưới điện, không cần người trực.

Hiện ngành điện đã hoàn tất việc lắp đặt công tơ có chức năng đo đếm dữ liệu từ xa cho tất cả khách hàng sử dụng điện, tự động ghi chỉ số tiêu thụ, tự động tính hóa đơn tiền điện. Khách hàng cũng có thể chủ động theo dõi và kiểm soát số lượng điện tiêu thụ trong gia đình thông qua tin nhắn, ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc khai thác hệ thống đo điện năng tiêu thụ từ xa rất tiện lợi cho ngành điện cũng như khách hàng.

TP.HCM đã thay đổi rất nhiều từ năm 1975 đến nay (trong ảnh: Khu vực nội đô TP.HCM nhìn từ cầu Thủ Thiêm 2 vừa khánh thành ngày 28/4) ẢNH: Q.H
TPHCM đã thay đổi rất nhiều từ năm 1975 đến nay (trong ảnh: Khu vực nội đô TPHCM nhìn từ cầu Thủ Thiêm 2 vừa khánh thành ngày 28/4) - Ảnh: Q.H

Ở lĩnh vực cấp nước, ông Trần Quang Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) - cho biết, nhờ nâng cao công nghệ cho hệ thống nhà máy nước, đến nay, chất lượng nước máy của TPHCM đã vượt quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành. Tuy vậy, Sawaco vẫn không ngừng cải tiến công nghệ xử lý nước để dự phòng trường hợp gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.

Sawaco cũng lên kế hoạch thí điểm cung cấp nước uống tại vòi cho các khu dân cư cao cấp, khu dân cư mới xây dựng… Theo đó, ngành cấp nước sẽ liên hệ với chính quyền địa phương và chủ đầu tư để đặt các trạm xử lý nhằm nâng cao chất lượng nước tại các khu vực này theo chuẩn có thể uống được tại vòi. Các khu vực này cũng sẽ được đầu tư hệ thống giám sát chất lượng nguồn nước theo thời gian thực, có thể hiển thị cảnh báo cho người dân trong trường hợp chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn uống tại vòi do gặp sự cố. 

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, trực thuộc Sở Xây dựng TPHCM, thời gian qua, việc kiểm soát ngập được thực hiện thủ công là chính, như cập nhật qua tin nhắn, sau đó được đưa vào bảng biểu một cách thủ công và lưu trữ rời rạc… Hiện trung tâm đang thử nghiệm nền tảng công nghệ theo dõi, quản lý ngập lụt trực tuyến. Nền tảng này sẽ tích hợp các dữ liệu ngập lụt với các dữ liệu khác về khí tượng, thủy văn, từ đó đưa ra những phân tích, báo cáo cụ thể theo thời gian thực, giúp người quản lý đưa ra quyết định, giải pháp xử lý phù hợp. 

Đô thị TPHCM ngày càng được nâng tầm

Trong những năm qua, bộ mặt đô thị TPHCM đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Quy mô đô thị đã lớn gấp nhiều lần so với trước năm 1975, dân số cũng từ vài triệu lên hơn 10 triệu người. Diện mạo đô thị không ngừng phát triển theo hướng vừa hiện đại, vừa giữ gìn những nét văn hóa, lịch sử. Từ thành công bước đầu của khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở phía nam, thành phố đã tiếp tục quy hoạch để phát triển các khu đô thị mới về các hướng.

Hạ tầng giao thông không ngừng được hoàn thiện. Chúng ta có những cây cầu tầm cỡ khu vực, có hầm vượt sông đầu tiên của Đông Nam Á, đường cao tốc với chất lượng quốc tế, các tuyến đường vành đai đã và sắp hoàn thành.

Nhằm phát huy thế mạnh sông nước, ngành chức năng của TPHCM đã chỉnh trang nhiều tuyến kênh, rạch như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… để mang lại bộ mặt mới, khang trang cho nhiều vùng dân cư và đang tiếp tục triển khai đề án khai thác hiệu quả cảnh quan ven sông Sài Gòn để đưa TPHCM trở về đúng nghĩa là đô thị sông nước. 

Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã có định hướng xây dựng Thủ Thiêm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính mới của thành phố. Với nguồn lực dồi dào về đất đai, cộng với quá trình quy hoạch bài bản, đầu tư giao thông đi trước mở đường, khu đô thị Thủ Thiêm sẽ bổ sung hàng loạt công trình mà các khu đô thị hiện hữu đang thiếu như các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, quảng trường với sức chứa cả triệu người, nhà hát giao hưởng, khu triển lãm, nhà thiếu nhi quy mô lớn, khu trưng bày nghệ thuật ở các công viên dọc bờ sông Sài Gòn…

Khu đô thị Thủ Thiêm cũng tạo ra sự kết nối đặc biệt với khu trung tâm thành phố qua hệ thống cầu và hầm bắc qua sông Sài Gòn. Với việc thông xe cầu Thủ Thiêm 2 vào dịp 30/4 năm nay, cùng cầu Thủ Thiêm 1 và hầm Thủ Thiêm đang sử dụng, và các cầu Thủ Thiêm 3, 4 sẽ hình thành trong tương lai, chúng ta có thể hình dung, sông Sài Gòn sẽ là một chuỗi quảng trường nước kéo dài với hai bên là hai khu đô thị truyền thống và hiện đại.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM

 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI