TPHCM thay đổi chiến lược tiêm vắc xin

03/08/2021 - 06:51

PNO - Tiêm vắc xin lưu động bằng ô tô, xe máy bắt đầu được áp dụng ở TPHCM để đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ngay trong tháng Tám.

Tiêm vắc xin lưu động bằng ô tô, xe máy bắt đầu được áp dụng ở TPHCM để đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ngay trong tháng Tám này. Hiện TPHCM cũng bắt đầu tiêm vắc xin cho người nhà của nhân viên y tế.

Cơ động để tiêm chủng thần tốc, an toàn

Sáng 1/8, từ Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (BV Quận 2 cũ), hai chiếc xe chở các trang thiết bị y tế, thùng lạnh đựng vắc xin và ê-kíp tiêm chủng đến thẳng khu cách ly Trường đại học Văn hóa TPHCM ở TP.Thủ Đức. Tại đây, ê-kíp tiêm chủng nhanh chóng bày bàn ghế, hoàn thành các mũi tiêm cho 20 dân quân tự vệ. Sau đó, ê-kíp tiêm chủng lên xe, đến nơi khác. Đây là lần đầu tiên mô hình tiêm chủng lưu động được áp dụng tại TPHCM. 

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc BV Lê Văn Thịnh - cho biết, BV có hai đội tiêm vắc xin lưu động, mỗi đội có năm người gồm hai bác sĩ, ba điều dưỡng, được bố trí một ô tô chuyên dụng. Các xe lưu động được trang bị đầy đủ dụng cụ tiêm vắc xin và cấp cứu, sẽ tiêm cho người dân theo từng khu phố. Ngoài ra, BV còn có các đội đi xe máy đến các phường, tiêm cho người dân và lực lượng chống dịch tại các khu cách ly, khu phong tỏa, người già, người bệnh, người không thể tự đi đến điểm tiêm…

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức - cho biết, việc phòng, chống COVID-19 đang chuyển sang một giai đoạn mới, đó là tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khi vẫn phải tuyệt đối giãn cách nhà với nhà, khu phố với khu phố. Do đó, ngoài 34 điểm tiêm cố định, TP.Thủ Đức lập thêm hai đội tiêm lưu động để nhanh chóng đưa vắc xin đến người dân, nhất là những người không thể di chuyển được, người trong khu cách ly, vùng phong tỏa, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại BV dã chiến… sau đó sẽ đánh giá lại, biến những nơi đã tiêm vắc-xin thành “vùng xanh”, đồng thời để người dân tự quản các khu vực này.

Ngày 30/7, UBND TP.Thủ Đức đã ra quyết định thành lập 40 đội phản ứng nhanh. Trong đó, cấp thành phố có sáu đội, cấp phường có 34 đội để phục vụ các ca cấp cứu, điều trị. Sau khi nhận được yêu cầu của người dân gọi đến tổng đài hoặc đường dây nóng, trong thời gian ngắn nhất, các đội phản ứng này sẽ tiếp cận để hỗ trợ về y tế, đặc biệt là những người có triệu chứng COVID-19. 

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp - cho biết, Q.Gò Vấp có hơn 500.000 người từ 18 tuổi trở lên. Do đó, tiêm chủng nhanh được ngày nào, sẽ kiểm soát tốt đại dịch ngày đó. Hiện nay, mỗi ngày, Q.Gò Vấp tiêm chủng được khoảng 10.000 liều, tổng cộng đã tiêm được gần 30.000 liều. Y tế tư nhân cũng đã tham gia vào công tác tiêm chủng vắc xin ở Q.Gò Vấp. Để tăng tốc, ông Nguyễn Trung Hòa cho biết, trong tháng Tám, sẽ tăng lên khoảng 16.000 - 17.000 mũi tiêm/ngày, tiêm tại các khu phong tỏa, khu vực đang có các ca nhiễm (vùng đỏ), các khu nhà trọ và do vậy, sẽ cần chi viện nhân lực. 

Lập 1.200 đội tiêm để đẩy nhanh tiến độ

Theo số liệu cập nhật vào chiều 1/8 trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế, số vắc xin được phân bổ thực tế cho TPHCM là 3.096.770 liều, đã tiêm cho 1.496.071 người, tỷ lệ đã tiêm ít nhất là 21,47% dân số (6.966.626 người từ 18 tuổi trở lên). 

Lãnh đạo UBND TPHCM đặt ra mục tiêu tiêm chủng mũi 1 cho 70% người trên 18 tuổi và giao các quận, huyện tự tổ chức tiêm chủng. Để nhanh chóng đạt mục tiêu, TPHCM đã rất nhiều lần thay đổi chiến lược tiêm chủng. Mới đây nhất, vào ngày 31/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM đã điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng, trong đó không giới hạn số người trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.

Từ 1.000 đội tiêm, TP.HCM tăng lên 1.200 đội, phấn đấu mỗi đội tiêm 200 mũi/ngày. Đối tượng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt này là người từ 18 tuổi trở lên đang sống ở TPHCM, ưu tiên cho người trên 65 tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền mạn tính, lực lượng y tế tuyến đầu và các lực lượng tuyến đầu khác. Đối với những người ngoài các nhóm ưu tiên trên, địa phương tổ chức tiêm theo thứ tự ưu tiên về độ tuổi (nhóm trên 50 tuổi, nhóm trên 35 tuổi, nhóm trên 18 tuổi).

Việc tiêm chủng được tổ chức tại các cơ sở cố định và nhiều điểm lưu động tại các khu dân cư. Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng. 

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM yêu cầu, huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các BV, cơ sở khám chữa bệnh, các lực lượng y tế đã về hưu, đảm bảo sức khỏe, chuyên môn và tình nguyện tham gia chiến dịch; bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng.

Cũng trong sáng 1/8, TPHCM bắt đầu tiêm vắc xin cho người nhà nhân viên y tế theo kiến nghị của Sở Y tế để lực lượng chống dịch an tâm tham gia nhiệm vụ. Thân nhân được đề xuất là những người phải sống cùng nhà như vợ/chồng, con, tứ thân phụ mẫu, anh chị em ruột. 

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI