TPHCM: Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

01/07/2022 - 06:40

PNO - Sáng 30/6, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc tại TPHCM về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và nhiều nội dung khác liên quan ngành y tế thành phố. Hiện thành phố đang đối mặt với nguy cơ dịch chồng dịch, cần có biện pháp ứng phó quyết liệt.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao

Theo đánh giá của đoàn công tác, TPHCM đối mặt nguy cơ “dịch chồng dịch” nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) lẫn COVID-19 ngay từ lúc này. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người dân khi kiểm tra tình hình phòng, chống sốt xuất huyết ở Q.8, TP.HCM sáng 30/6 - ẢNH: T.DÂN
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người dân khi kiểm tra tình hình phòng, chống sốt xuất huyết ở Q.8, TPHCM sáng 30/6 - Ảnh: T.Dân

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho hay: dịch SXH đang khiến ngành y tế thành phố (TP) đặc biệt lo lắng. “Mới đầu mùa mưa mà số ca mắc đã tăng rất cao, số tử vong cũng tăng đáng kể”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Tính đến ngày 30/6, TPHCM có gần 19.000 ca SXH, trong đó có 580 ca điều trị nội trú, 92 ca nặng, 17 ca thở máy, 10 ca tử vong. Qua phân tích, nhóm nguy cơ chuyển nặng là phụ nữ có thai, trẻ em béo phì. TPHCM ghi nhận các địa phương có số ca mắc cao là Q.2, Bình Tân, Tân Phú, H.Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và TP.Thủ Đức. Dự đoán đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 8/2022. 

Theo Sở Y tế TPHCM, ngành y tế TP đã triển thai nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXH. Cụ thể, tái khởi động Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh truyền nhiễm các cấp; chú trọng điều trị bệnh nhân tại chỗ để tránh quá tải tuyến trên; tăng cường hội chẩn từ xa và hồi sức chuyên sâu tuyến cuối… Hiện, hầu hết các bệnh viện đa khoa tại TPHCM đều trang bị đủ máy móc, thiết bị ECMO. Đồng thời, Sở Y tế TPHCM cũng đã xây dựng các kịch bản thu dung điều trị khi ca tăng cao… 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, SXH năm nào cũng có. Tuy nhiên, tại TPHCM năm nay SXH đến sớm với số ca mắc nhiều hơn, đặc biệt ca tử vong tăng, do đó cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. Phó thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó, kêu gọi người dân vệ sinh nơi ở, làm việc, cắt đứt chuỗi lăng quăng - muỗi - SXH.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiêm vắc xin mũi 4

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM và vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Vừa qua, Bộ Y tế công bố biến thể mới nhất của chủng Omicron là BA.5 đã có mặt tại Việt Nam. Mặc dù TP đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, song biến thể mới đồng nghĩa tới đây, số ca mắc có thể xuất hiện nhiều hơn, ca nhập viện tăng. Theo ngành y tế TPHCM, hơn hai tuần qua, toàn TP mở đợt cao điểm tiêm vắc xin với số lượng tăng gấp năm lần trước đó. Hiện, TP có tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 khá cao nhưng tiêm mũi 4 còn thấp.

Thông tin về tình trạng thiếu thuốc, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng đây là câu chuyện chung, kéo dài nhiều năm của ngành y tế cả nước và TPHCM cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, ngành y tế TP còn thiếu vật tư chuyên sâu như stent do lượng bệnh nhân từ các tỉnh về điều trị tăng, huyết thanh kháng nọc rắn độc khan hiếm do Việt Nam chưa sản xuất được. Ông Tăng Chí Thượng cho biết tới đây, TP thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung y tế TPHCM để mua sắm các loại thuốc bị thiếu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết về lâu dài, ông đồng tình với việc thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung y tế TPHCM. Tuy nhiên, trước mắt, Sở Tài chính TPHCM cần được giao trách nhiệm đứng ra tổ chức đấu thầu tập trung. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế TPHCM cần rà soát các thông tư, nghị định liên quan đấu thầu, mua sắm thuốc. Qua đó, có những đề xuất, kiến nghị để làm căn cứ tới đây, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định liên quan làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. 

Riêng về nội dung tiêm vắc xin tại TPHCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Dấu hiệu chững lại là do người dân cho rằng số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức thấp. Nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 cũng không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo. Bên cạnh đó, có thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3... gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân. Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hệ thống chính trị các cấp cần lắng nghe cụ thể từng nguyên nhân từ người dân để có sự giải thích, thuyết phục, tạo tâm lý an tâm cho người dân.

Trong khuôn khổ buổi khảo sát tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đã tiến hành kiểm tra sức khỏe theo quy trình và tiêm mũi 4 vắc xin Pfizer COVID-19, như một cách khích lệ người dân xóa bỏ tâm lý e ngại.

Tuyết Dân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI