TPHCM luôn có sức hút lớn đối với nhà đầu tư

30/04/2022 - 07:57

PNO - Năm thứ hai liên tiếp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM xếp thứ 14 cả nước. Đặt trong bối cảnh TPHCM chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng đây là thành công lớn.

Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp

Theo báo cáo PCI 2021, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của TPHCM năm nay được cải thiện tốt nhất trong các chỉ số đánh giá của PCI, với 8,54 điểm, tăng gần 2 điểm so với một năm trước đó. 

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - chỉ số này phản ánh đúng thực tế, bởi năm 2021, cộng đồng DN TPHCM phải trải qua khoảng thời gian khốc liệt nhất với nhiều khó khăn chưa từng có về sản xuất, thị trường, dòng tiền. Trong hoàn cảnh đó, cộng đồng DN đã nhận được sự quan tâm, đồng hành và chỉ đạo sâu sát từ chính quyền TPHCM. Một bộ phận DN đã từng bước thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, kết nối ngân hàng, gia hạn thời hạn nộp thuế, hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - cho rằng TPHCM đang có hệ thống hành chính “một cửa, một dấu” và cải cách thủ tục hành chính tốt nhất cả nước. Rõ nhất là trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, Chính phủ ban hành chính sách gia hạn thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động, DN tiếp cận thủ tục hành chính tại các quận, huyện của TPHCM khá dễ dàng.

Đa số doanh nghiệp cho biết đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền TP.HCM trong việc khôi phục hoạt động (trong ảnh: Một công đoạn sản xuất hàng xuất khẩu của Công ty May mặc Dony) - ẢNH: TAM NGUYÊN
Đa số doanh nghiệp cho biết đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền TPHCM trong việc khôi phục hoạt động (trong ảnh: Một công đoạn sản xuất hàng xuất khẩu của Công ty May mặc Dony) - Ảnh: Tam Nguyên

Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, năm qua, Sở Công thương TPHCM, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) đã hỗ trợ nhiệt tình các DN ngành gỗ, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, trong hoạt động xúc tiến thương mại. Nhờ đó, DN có cơ hội kết nối, hợp tác, kinh doanh với DN các nước khác. Vào lúc cao điểm dịch (tháng 8 - 9/2021), sản lượng của ngành gỗ giảm sâu nhưng qua tháng 11 và 12 đã tăng trưởng từ 2 - 7% dù lực lượng lao động còn thiếu hụt. Việc kết nối giao thương kịp thời đã làm cho tâm lý tiêu dùng toàn cầu dần ổn định, xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt.

Cũng theo báo cáo PCI 2021, các chỉ số về gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động của TPHCM chưa có nhiều cải thiện. Trong đó, chỉ số đào tạo lao động của TPHCM giảm từ 7,12 xuống 6,71 điểm. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, thiếu nguồn lao động là thực trạng chung của cả nước, thậm chí cả thế giới chứ không riêng TPHCM. Khi toàn ngành gỗ Việt Nam thiếu 15 - 20% lao động cho đơn hàng mới thì ở các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ tình trạng thiếu lao động trầm trọng hơn. 

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - thông tin trong cuộc khảo sát cộng đồng DN mới đây của HUBA, chỉ số niềm tin của DN TP.HCM vào chính sách của chính quyền thành phố rất cao, lên tới 95%. Chưa bao giờ cộng đồng DN có được chỉ số niềm tin cao đến vậy, điều đó cho thấy các chính sách đã đúng hướng, phù hợp với nhu cầu của DN. Điểm sáng tiếp theo là có tới 96% DN tin rằng, định hướng phát triển kinh tế số của TP.HCM là đúng đắn. 

Ngoài ra, hầu hết DN tại TPHCM cho rằng, các gói hỗ trợ an sinh cho cộng đồng, cho người lao động và các hỗ trợ khác về điện, viễn thông, thuế, tiền thuê đất, thời hạn trả nợ… đã gián tiếp hỗ trợ được nhiều cho DN. 

PCI của TPHCM năm 2022 sẽ tốt hơn

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch VCCI - TPHCM luôn có sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước; cho dù PCI xếp thứ hạng bao nhiêu thì môi trường đầu tư kinh doanh của TPHCM vẫn hấp dẫn. Chính quyền luôn tìm cách giảm bớt các quy định không cần thiết, tạo thuận lợi khi đầu tư. TPHCM là nơi có nhiều nguồn khác nhau để DN tiếp cận thông tin, như website các hiệp hội, website các cơ quan hành chính. So với những thành phố lớn, môi trường đầu tư, kinh doanh ở TPHCM vẫn tốt hơn. 

Theo bà, TPHCM có thể có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt hơn nếu biết liên kết, hợp tác với các tỉnh xung quanh, phát huy tốt lợi thế kết nối, phân công và xử lý của từng địa phương. Các chỉ số minh bạch, gia nhập thị trường, năng động, pháp chế và an ninh trật tự… của TPHCM chưa được cải thiện có thể do trong bối cảnh dịch COVID-19, có nhiều vấn đề gây bức xúc cho DN và người dân. Có nhiều vấn đề không do chính quyền TPHCM quyết định mà phụ thuộc vào quy định từ cấp Trung ương hoặc hoạt động từ các tỉnh xung quanh. Bà nói: “Tôi vẫn tin, kết quả PCI 2022 của TPHCM sẽ tốt hơn”. 

Theo các chuyên gia, ngoài chỉ số PCI, tới đây, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng được công bố. Đây là chỉ số về sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công của chính quyền địa phương. Theo bà Phạm Chi Lan, chính quyền TPHCM nên quan tâm cả PCI và PAPI. Bởi khi người dân cảm thấy thoải mái, vui vẻ, an toàn, họ mới hào hứng tham gia các hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, đóng góp cho hoạt động kinh tế sôi nổi, các nhà kinh doanh cũng thúc đẩy các hoạt động kinh tế DN tốt hơn. Có những địa phương đạt chỉ số PCI cao nhưng PAPI lại không cao là do địa phương đó tạo môi trường kinh doanh để phát triển kinh tế nhưng lại chưa quan tâm đầy đủ đến cuộc sống người dân. 

Theo bà Lý Kim Chi, để cải thiện PCI, chính quyền TPHCM nên tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách hơn là ban hành chính sách bởi chính sách chung chung không thể tạo ra hiệu quả thực tế. Chính quyền thành phố cần hỗ trợ DN hồi phục và hướng tới một môi trường đầu tư lành mạnh, thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn để nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Thứ hạng PCI giữ nguyên nhưng điểm số tăng

Trao đổi bên lề hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 13, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 27/4, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho hay trong bối cảnh TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 thì việc giữ được PCI ở thứ hạng 14 đã là tốt.

Ông cho rằng, kết quả PCI 2021 của TPHCM vẫn tăng 1,81 điểm so với năm 2020, trong khi nhiều địa phương bị giảm điểm. Dù có năm thứ năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI nhưng điểm số năm nay của tỉnh Quảng Ninh (73,02/100) cũng giảm 3 điểm. Hơn nữa, điểm số của TPHCM được cho là thấp (67,5) nhưng cũng chỉ thấp hơn 5 điểm so với tỉnh Quảng Ninh, tức là khoảng cách điểm giữa thứ hạng 1 và 14 rất thấp. Điều đó cho thấy, áp lực cạnh tranh cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh giữa các địa phương rất lớn, từ đó đặt ra yêu cầu là phát huy hơn nữa những điểm mà TPHCM đang có ưu thế.

Những giải pháp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của TPHCM đã phát huy hiệu quả và tới đây sẽ tiếp tục được thúc đẩy để cải thiện chỉ số này. Cụ thể, UBND TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN, tạo điều kiện tốt hơn cho DN; tiếp tục cải cách hành chính để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch giải quyết các thủ tục hành chính trong ngày; xây dựng bộ tiêu chí năng lực cạnh tranh cho các quận, huyện và các sở, ngành; 10 sở, ngành có tiêu chí thành phần liên quan đã xây dựng kế hoạch khắc phục những điểm hạn chế.

Phong Vân (ghi)

 

 

 

Sức hút đầu tư của TPHCM vẫn đứng đầu cả nước
Theo dữ liệu điều tra PCI 2021 của VCCI, TPHCM luôn là nơi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. TPHCM vẫn nằm trong top 15 địa phương tốt nhất cả nước về chất lượng điều hành. Dù chưa tính tới lợi thế về cảng biển, sân bay quốc tế, chất lượng cơ sở hạ tầng của TPHCM vẫn xếp thứ 8/63, tức thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. TPHCM cũng có lợi thế đặc biệt khi xét đến các yếu tố khác như quy mô thị trường lớn nhất cả nước, lực lượng lao động dồi dào và có chất lượng cao, cơ hội hợp tác kinh doanh phong phú, các chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ phát triển, mức sống trung bình của dân cư thuộc tốp đầu cả nước. Trong điều tra PCI hằng năm, chúng tôi đều hỏi các DN về nơi đầu tư nếu có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh sang một tỉnh, thành phố khác, họ luôn chọn  TPHCM. 
Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Pháp chế,  VCCI TPHCM

 

 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI