TPHCM hướng đến giao thông xanh

15/03/2022 - 06:16

PNO - Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải sinh thái Vinbus đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TPHCM.

Giao thông thân thiện môi trường

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM - đây là bước tiến mới trong việc tiếp cận giao thông xanh, hướng đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững, phù hợp với đề án về giao thông công cộng đã được UBND TPHCM phê duyệt. Ngoài sử dụng nguồn năng lượng sạch, không phát khí thải, không gây ô nhiễm tiếng ồn, xe buýt điện còn được thiết kế sang trọng, có chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống, phù hợp với người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, đồng thời có hệ thống tự động kiểm soát hành vi của tài xế, gửi cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn như phóng nhanh vượt ẩu, tự ý thay đổi lộ trình… về trung tâm điều hành.

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa TPHCM - đánh giá, sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường là hướng đi tất yếu của các đô thị lớn như TPHCM, bởi GTVT là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng ô nhiễm, đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí. Do đó, các nước trên thế giới đều đang hướng đến phát triển giao thông xanh - tức giao thông không dùng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diesel) như đi bộ, xe đạp, xe điện, xe chạy bằng năng lượng gió, hydro, năng lượng mặt trời hoặc nhiên liệu sinh học và các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt điện, tàu điện ngầm chạy điện, năng lượng tái tạo… 

Xe buýt điện đầu tiên ở TP.HCM vận hành vào những ngày đầu tháng 3/2022. Đây là bước tiến mới trong việc tiếp cận giao thông xanh của thành phố - ẢNH: P.T
Xe buýt điện đầu tiên ở TPHCM vận hành vào những ngày đầu tháng 3/2022. Đây là bước tiến mới trong việc tiếp cận giao thông xanh của thành phố - Ảnh: P.T

Theo ông, việc đưa vào sử dụng tuyến xe buýt điện đầu tiên và trong năm nay, dự kiến tiếp tục vận hành thêm bốn tuyến với tổng số 77 xe buýt điện sẽ vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa thu hút người dân quay trở lại với xe buýt sau một thời gian dài sụt giảm hành khách do dịch bệnh.

Từ năm 2009, TPHCM cũng là địa phương đi tiên phong trong việc đưa xe buýt sử dụng CNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) vào hoạt động, giúp giảm từ 20 - 70% khí phát thải so với xe buýt chạy bằng xăng dầu. Theo ông Trần Quang Lâm, tính đến nay, TPHCM có khoảng 2.500 xe buýt, trong đó có 500 xe buýt chạy CNG, chiếm 20%.

Việc TPHCM cho phép thí điểm hình thức xe đạp công cộng tại một số tuyến đường ở quận 1 vừa qua cũng nằm trong chuỗi hoạt động khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Theo ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch Tập đoàn Trí Nam, đơn vị thực hiện thí điểm - hiện có 43 trạm đậu xe đạp được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường ở Q.1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch. Qua gần ba tháng, đã có trên 100.000 khách đăng ký sử dụng xe đạp công cộng với hơn 120.000 giờ sử dụng và tổng quãng đường gần 700.000km. 

“Kết quả này cho thấy, người dân TPHCM rất quan tâm đến việc sử dụng xe đạp. Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều người sử dụng xe đạp thường xuyên, dùng xe đạp đi mua sắm, đi dạo, ăn uống thay cho xe máy. Về lâu dài, để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp như một phương tiện thường xuyên, chúng tôi sẽ đề xuất mở rộng mô hình xe đạp công cộng sang các quận khác, kết nối hiệu quả với các trạm xe buýt. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đề xuất thí điểm bố trí làn ưu tiên cho xe đạp trên một số tuyến đường rộng để đảm bảo an toàn, thu hút người dân” - ông Đỗ Bá Dân nói.

Cần có chính sách riêng 

Tăng sử dụng phương tiện công cộng thân thiện môi trường là cần thiết, nhưng theo đánh giá của Sở GTVT TPHCM, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư không đơn giản do hầu hết phương tiện này đắt hơn so với xe chạy dầu thông thường, hạ tầng kỹ thuật đi kèm cũng chưa được đầu tư đồng bộ. 

Đối với loại hình xe buýt CNG, hiện chỉ có Công ty cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (PVGas South) đầu tư trạm cấp và quyết định giá bán nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, mức giá này không ổn định, có xu hướng tăng nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư xe buýt CNG. Bên cạnh đó, TPHCM chỉ có ba trạm nạp khí CNG cho xe buýt với công suất phục vụ 180 lượt xe/ngày. Hệ thống trạm cung cấp nhiên liệu CNG không nhiều và không thuận tiện cho mỗi lần nạp (lâu gấp bốn lần so với bơm dầu) ảnh hưởng đến việc vận hành loại xe này. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng thêm trạm nạp thường phải kéo dài do thủ tục hành chính liên quan đến khí đốt phức tạp. Các loại xe buýt CNG thường có giá cao hơn so với loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu truyền thống (dầu diesel) từ 20 - 50% nên không hấp dẫn nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Tương tự, chi phí đầu tư xe buýt điện (khoảng 6,5 tỷ đồng/chiếc) cao hơn chi phí đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG khoảng 2 - 3 lần và cao hơn xe buýt chạy dầu khoảng 3 - 4 lần. Đơn giá vận hành cho xe buýt điện dự tính là 26.937 đồng/km, cao hơn đơn giá của xe CNG nhóm 4 (24.224 đồng/km). Trong thời gian thí điểm, Công ty Vinbus chi nhánh TPHCM chấp nhận áp dụng đơn giá 24.224 đồng/km cho xe buýt điện để tính chi phí, và xe buýt điện sẽ được trợ giá hơn 41% như tỷ lệ của xe buýt thường. Tuy nhiên, về lâu dài, tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh sau khi UBND TPHCM ban hành định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện.

Chi phí đầu tư ban đầu lớn, đơn giá vận hành cao hơn so với xe buýt thường nên rất khó thu hút doanh nghiệp nhà đầu tư để mở rộng mạng lưới xe buýt điện trong tương lai. Sở GTVT TPHCM cho biết, đang tham mưu để UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách và hướng dẫn địa phương quy hoạch hệ thống hạ tầng phục vụ cho việc phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Sở cũng kiến nghị UBND TPHCM có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, thuế đất cho doanh nghiệp, nhà sản xuất phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch để thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực xã hội chung tay phát triển loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng này tại TPHCM. 

Xây dựng tuyến xe buýt xanh đông tây

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, dự kiến trong năm nay, ban sẽ triển khai xây dựng “tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên” từ phía đông sang phía tây TPHCM, lộ trình tuyến dài 26km, từ phường An Lạc, quận Bình Tân đến ga Rạch Chiếc, TP.Thủ Đức, kết nối vào trạm trung chuyển Bến Thành và Bến xe Chợ Lớn. Ban sẽ ưu tiên về hạ tầng và tổ chức giao thông để đảm bảo xe di chuyển nhanh, an toàn và nâng cao chất lượng phục vụ. Tuyến xe buýt xanh sẽ sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023.

Phương Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI