Tổn thương vì con gái người yêu nói tôi xảo quyệt, lừa dối cháu

08/01/2023 - 20:00

PNO - Để có thể thông cảm, bỏ qua và chờ đợi sự chấp nhận từ phía cô bé, chị cần phải có một tình yêu đủ lớn với bố của cháu.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Người yêu của tôi đã từng có gia đình, ly hôn, có một con gái 12 tuổi. Chúng tôi ở cùng khu chung cư, nên tôi biết rõ hoàn cảnh của anh. Vợ anh đã lập gia đình mới và để con lại cho anh nuôi vì nhà chồng mới không chấp nhận nuôi cháu.

Để cho mọi việc thuận lợi hơn, tôi đã chủ động làm quen với cháu, kết thân như một người bạn. Tôi và anh nghĩ rằng như thế, khi biết về mối quan hệ của hai chúng tôi, cháu sẽ vui vẻ, dễ chấp nhận tôi hơn.

Hóa ra mọi việc lại có tác dụng ngược. Cháu phát hiện được chuyện của chúng tôi trước khi chúng tôi chủ động chia sẻ với cháu. Và bây giờ cháu trở nên căm ghét tôi, cháu nói tôi xảo quyệt, lợi dụng, lừa gạt cháu, vờ vĩnh làm thân, thật ra là để có được bố cháu, chứ cháu không là gì với tôi cả.

Bây giờ mối quan hệ của chúng tôi hết sức khó chịu. Tôi không làm sao để nói cho cháu hiểu rằng tôi thật sự muốn yêu thương cháu như con mình. Tôi biết cháu đã bị tổn thương một lần khi mẹ ra đi, giờ lại tổn thương vì tôi, tôi rất buồn lòng.

Tôi có nên chia tay với bố cháu, hay là cứ kết hôn và rồi dần dần cháu sẽ hiểu tấm lòng của tôi?

Quỳnh Anh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Quỳnh Anh thân mến,

Tuổi 12-13 vốn thường được coi là tuổi dậy thì ẩm ương, tâm lý phức tạp, khó hiểu khó chiều, hay nổi loạn... Nói chung, trong đời con người, đây là tuổi khiến các ông bố bà mẹ nhức đầu nhất. Và người ở vào hoàn cảnh nhạy cảm như chị, thì chắc chắn việc nhức đầu đó sẽ phải tăng gấp đôi gấp ba cũng là bình thường. Nhất là khi cô bé đã từng bị tổn thương sâu sắc bởi cuộc chia tay của cha mẹ.

Nói vậy để chị bớt phần bị áp lực, bớt phần tự trách bản thân, và cũng coi đó là một chuyện... bình thường. Để có thể gom cho đủ tinh thần, sức mạnh, sự kiên trì và nhất là tình yêu thương, sự bao dung để "chiến đấu" - không phải với cô bé, mà với tuổi dậy thì bướng bỉnh.

Bởi chắc chắn là cháu không dễ gì chấp nhận chị bước vào vị trí của người mẹ đã đành, mà còn là vị trí người sát bên bố của mình, người thân yêu còn lại của mình từ một gia đình trọn vẹn.

Và như thế là chắc chắn chị sẽ phải nhận nhiều chỉ trích, khó chịu, thậm chí có khi là vô lễ, xúc phạm từ cô bé, kiểu như từ "xảo quyệt" khiến chị tổn thương kia.

Và để có thể thông cảm, chấp nhận, bỏ qua và chờ đợi sự chấp nhận từ phía cô bé, chị cũng cần phải có một tình yêu đủ mạnh, đủ lớn với bố của cháu. Còn nếu không, chắc sẽ giống như người ta nói, một cô gái trẻ, chẳng ai lại "Đường sáng không đi, đâm quàng vào bụi", để chuốc khổ vào mình, một cái khổ sẽ khá lâu dài, yêu cầu nhiều cố gắng lâu dài.

Tuổi 12-13 tuy là tuổi ẩm ương, khó chịu, nhưng cũng là tuổi bắt đầu biết suy nghĩ, cho mình và cho người. Chị hãy cố gắng một lần, nói thẳng, nói thật những gì chị nghĩ, mong muốn và cố gắng làm để có thể gắn kết với cháu và trở thành một gia đình. Rồi im lặng, để đó, cho cháu có thời gian suy nghĩ. Còn thì chị cứ đối xử với cháu một cách chân thành, quan tâm cháu thật lòng và bao dung với những "khó khăn" của cháu.

Cháu đang cay đắng, đau đớn, tổn thương vì mất mẹ nên nặng lời với chị. Nhưng thật ra, đằng sau thái độ đó là sự khao khát được có một tình yêu của người mẹ. Nên nếu chị chứng minh được cho cháu điều này, Hạnh Dung nghĩ rằng mọi việc sẽ vô cùng tốt đẹp.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI