Tôi phản đối bất cứ ai nói câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha”

27/05/2022 - 11:20

PNO - Có người còn tếu táo đùa rằng, nói theo cái lý ấy, mình có một lúc 3, 4 cô con gái, thì chẳng lẽ kiếp trước mình có những 3, 4 người tình ư?

“Con gái là người tình kiếp trước của cha” là câu đã quen thuộc với nhiều người lại tiếp tục gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, trong các cuộc bàn luận.

Trên xạng xã hội, tôi từng ngán ngẩm khi thấy những hình ảnh chụp cha và con gái hiện lên trên tường nhà các mẹ bỉm sữa. Dòng status đi kèm thường là: “con gái là người tình kiếp trước của cha”.

Dù tôi hiểu rõ hàm ý các bà mẹ chỉ cốt khoe tình cảm gắn bó của chồng và con gái, tự hào khi thấy cha con họ ăn ý với nhau. Nếu chỉ là những hình ảnh quấn quýt trong sinh hoạt bình thường hàng ngày, có lẽ tôi không khó chịu gì. Nhưng nhiều mẹ có hơi phấn khích quá đà, treo hẳn những bức hình ông chồng thoải mái “bán nude” phần trên, ôm ấp con gái nhỏ trong lòng. Hoặc những bức ảnh cha con ngủ chung với những tư thế thoải mái đến mức khó đỡ, chỉ nên… cho gia đình xem.

Nhức mắt hơn nữa, có người còn ví con gái mình là "người thứ ba", “tuesday”, “trà xanh”, “tiểu tam”… trong nhà. Tôi không hiểu các mẹ bỉm sữa nghĩ gì khi so sánh con gái mình như vậy!

“Con gái là người tình kiếp trước của cha” là câu nói đã quen thuộc với nhiều người. Ảnh: internet
“Con gái là người tình kiếp trước của cha” là câu nói quen thuộc trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Không chỉ các mẹ bỉm sữa, các ông bố dường như cũng có người thích chụp ảnh cùng con gái rồi trưng lên mạng cùng cái câu trích dẫn “người tình kiếp trước”. Trong hình, ai cũng thấy rõ cảnh bố cưng chiều con gái hết nấc, từ ôm hôn, nựng nịu đến cho con vẽ vời sơn phết đầy người bố.

Tình cảm cha con như vậy thật đáng ngưỡng mộ, trân trọng. Thế nhưng, bi hài ở chỗ, nhiều ông bố cũng rất siêng "sống ảo". Trong khi người người vào thả tim thả like bình luận xuýt xoa khen ngợi "chồng người ta" giỏi chăm con các kiểu trên mạng, không ai biết ông bố ấy đang ngồi rung đùi cụng ly khề khà với chiến hữu ngoài quán sau giờ làm, mặc vợ con chờ mòn mỏi bên mâm cơm nguội lạnh. 

Nhiều người cho rằng, đem cái lý “con gái là người tình kiếp trước của cha” để lý giải sự gắn bó, thân mật giữa cha và con gái trên đời này là phi thực tế, mang nặng yếu tố dị đoan, tâm linh. Chữ “người tình” không biểu hiện cho tình cảm cha con ruột thịt, mà gợi liên tưởng đến mối quan hệ tính dục.

Có người tếu táo đùa rằng, nói theo cái lý ấy, nếu mình có một lúc 3,4 cô con gái, thì chẳng lẽ kiếp trước mình “trăng hoa” với 3,4 người tình ư? Thật là không thể tin nổi!

Trước đây, một MC nam nổi tiếng trong nước đã bị nhiều người phản đối khi anh chụp hình cùng đứa con gái đang ở độ tuổi trăng tròn. Anh cho con gái ngồi lên đùi mình khi chụp chung. Nhiều người ái ngại về sự thân mật quá mức, nhạy cảm của cha con anh. Sau sự việc, nam MC cũng thừa nhận sự vô tư của mình dẫn đến cái sai không đáng.

Giao tiếp giữa cha và con gái, đặc biệt là con gái vào độ tuổi teen, vốn rất nhạy cảm. Nếu người cha không tinh tế, sẽ khiến đứa con có suy nghĩ lệch lạc nếu cho rằng sự tiếp xúc cơ thể giữa hai người khác giới là điều tự nhiên, bình thường. Lâu dần, bé sẽ mất đi phản ứng tự bảo vệ bản thân khi bị người khác giới lợi dụng, xâm hại.

“Con gái là người tình kiếp trước của cha” có vẻ không phủ hợp với người Á Đông. Ảnh: internet
“Con gái là người tình kiếp trước của cha” là câu có vẻ không phù hợp với người Á Đông (Ảnh minh họa)

Người phương Tây cởi mở, cha và con gái có mối liên kết bền vững từ nhỏ cho đến khi con trưởng thành, lập gia đình. Vì vậy, rất nhiều cặp cha và con gái thấu hiểu nhau, có thể trò chuyện dễ dàng, chia sẻ mọi điều, gần gũi nhưng vẫn đúng mực. Người Á Đông có truyền thống kín đáo hơn, ít cởi mở hơn trong vấn đề giới tính nên vẫn hiếm những cặp cha con có thể thấu hiểu, chia sẻ cùng nhau lâu dài. 

Câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha” được truy ra nguồn gốc xuất phát từ văn học Trung Quốc, xa xôi hơn là từ phương Tây trong một số tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhiều người khẳng định đó là hiện tượng “phức cảm Electra” (sự cạnh tranh tâm lý của một cô gái với người mẹ để chiếm hữu tình cảm với cha) trong nghiên cứu của nhà phân tâm học nổi tiếng của Sigmund Freud. Tuy nhiên tôi thấy nó hoàn toàn không phù hợp với văn hóa và không gian đời sống của người Việt.

Chúng tôi không rành về phân tâm học, một lĩnh vực cao siêu của phương Tây. Bạn bè trên mạng xã hội của tôi cũng chỉ nhìn thấy nghĩa đen trong từng câu chữ, rồi liên tưởng đến những thứ trần trụi, không ai có thể nắm bắt hết ý nghĩa sâu xa và thông điệp ẩn chứa trong đó. Nhiều người lên án câu nói như một cách cổ xúy cho loạn luân, bệnh hoạn. Thế nên, đừng đăng cái câu nhạy cảm ấy lên mạng nữa, được không? 

Tử Anh Anh (TP. Thủ Đức)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI