Tội lỗi hồn nhiên trên ruộng muối Sa Huỳnh

20/08/2018 - 06:13

PNO - Nức danh vậy mà chính chủ ruộng lại trầy trật ba bữa cơm, nghèo xơ xác. Giá muối có khi bị ép xuống còn 200-300 đồng/kg. Bán được muối, diêm dân thu về trung bình 20.000 đồng cho một ngày công bọt bèo.

Tôi biết mình đã đến Sa Huỳnh khi anh tài xế taxi rà xe thật chậm để tìm “nhà máy muối i-ốt”. Mới 21g, đoạn quốc lộ tối om, vắng ngắt. Chỉ một vài ánh điện lẻ loi và yếu ớt từ sâu hai bên đường là cho thấy con lộ đang chạy ngang một khu dân cư. Giữa dãy nhà tối tù mù đó hiện ra một “Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh”.

Nhà máy cũng tối om và im lìm. Nhìn quanh không thấy nơi nào giống với nơi mình được hẹn gặp, tôi gọi cho anh Võ Tấn Nghi. Đầu dây bên kia lao xao tiếng trò chuyện. Anh Nghi nói to và vội: “Đúng rồi, cái nhà máy to mà vắng tanh đó đó. Đứng im đó chờ tui ra đón nghe, bà con đang đợi trong này nè!”.

Toi loi hon nhien tren ruong muoi Sa Huynh
Diêm dân trên đồng muối Sa Huỳnh nổi tiếng một thời

Con tàu đắm tự bao giờ?

Nếu đúng như lời anh đồng nghiệp của tôi tại địa phương, thì “bà con đợi trong đó” là “những diêm dân không còn sức để buồn”. Sa Huỳnh có 577 hộ diêm dân. Tất cả đều là hậu duệ của những dòng họ nhiều đời làm muối, còng lưng ở vùng đất khô cằn, mỗi năm mấy đợt lũ, chục lần mất trắng vì mưa và cả những ngày thường nắng rát. Muối làm ra bán rẻ như cho hoặc tồn kho vì phụ thuộc thương lái. Những đợt muối mất mùa vì mưa, thương lái ép giá, hay “một tạ muối không mua được một tô phở”, diêm dân lại xuất hiện trên truyền thông thật thà trả lời đôi câu phỏng vấn mà nghe như kể khổ. Rồi họ lại cắm cúi theo nghề. 

Còn lần này, ruộng muối chính thức được quy hoạch. Cả một vành đai rộng 18 héc-ta gần quốc lộ lọt hẳn vào “khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị” của huyện Đức Phổ. Khắp nơi lao xao về viễn cảnh ruộng muối Sa Huỳnh bị xóa sổ, vậy mà, khi nhắc tới diêm dân, anh nhà báo địa phương nói gọn hơ: “Chắc họ không còn sức để buồn nữa”.

Dường như, “phía quy hoạch" đã không thiếu thiện chí. Chỉ trớ trêu một nỗi, là chẳng ngờ, việc quy hoạch bỗng trở thành một “giải pháp", khiến việc cắt xẻ ruộng muối của hàng trăm năm văn hóa và vẫn đang có một đời sống sản xuất sinh động lại trở nên… hợp lòng dân đến thế (?!).

Giọng của anh diêm dân Võ Tấn Nghi trong mấy lần trao đổi qua điện thoại cũng không nghe ra nỗi buồn. Có lẽ, 18 héc-ta quy hoạch vẫn là con số khá khiêm tốn so với tổng diện tích 120 héc-ta của ruộng muối Sa Huỳnh. Nhưng, sau những đối đáp từ tốn và chất phác đến vô hồn, anh vô tình khiến tôi nôn nao muốn đến tận nơi khi bình thản thả ra câu nói sau cùng. “Ruộng muối ở gần khu đô thị sẽ bị lạt, ruộng sẽ lùi sâu, thu hẹp, rồi… chắc tiêu!”.

Nhà anh Nghi ở cách quốc lộ 1A chừng 1,5km, với một mái hiên nhìn hướng ra ruộng muối, vừa đủ rộng cho cuộc tụ họp của 8, 9 người. Nhìn tôi, bà Nguyễn Thị Tấn (diêm dân thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) hỏi dồn: “Cô ở trên đó có nghe người ta nói gì chuyện quy hoạch dưới này không?”. Mấy thông tin công khai được tôi chia sẻ hình như không thỏa mãn thắc mắc, giọng bà Tấn chùng xuống: “Tụi tui không thuộc diện quy hoạch nên cũng biết như cô thôi. Cô thấy cái nhà máy muối i-ốt bỏ hoang ngoài đường cái không? Cái làng muối Sa Huỳnh này nó cũng giống vậy, như một con tàu đắm!”.

“Nói ”đắm” là cô hiểu. Tức là cái gì cũng có hết mà không nhúc nhích chi được” - anh Trần Ngọc Tiên (diêm dân thuộc hợp tác xã Muối 1) giải thích. “Con tàu đắm” hữu hình trong phép so sánh kia, chính là khu nhà vắng lặng tôi vừa thấy ngoài đường quốc lộ. Một nhà máy to lớn, hoành tráng ngay bộ mặt của làng nghề, nhưng bị bỏ không.  

Toi loi hon nhien tren ruong muoi Sa Huynh

Làn gió lùa vào từ hướng ruộng tạo cảm giác bạt ngàn, dù bóng đêm đang hạn chế tầm nhìn. Trước mặt tôi là một cánh đồng muối lớn nhất miền Trung với nhiều giai thoại văn hóa gắn với tục danh Sa Huỳnh. Nằm trên một vùng đất khắc nghiệt bậc nhất, mỗi năm mấy trận mưa dập gió vùi, ở Sa Huỳnh suốt hàng trăm năm nay, sức người vẫn làm dồi dào ruộng muối. Nức danh vậy mà chính chủ ruộng lại trầy trật ba bữa cơm, nghèo xơ xác. Toàn bộ kênh phân phối trên dưới 9.000 tấn muối mỗi năm là vài ba thương lái. Giá muối có khi bị ép xuống còn 200-300 đồng/kg. Bán được muối, diêm dân thu về trung bình 20.000 đồng cho một ngày công bọt bèo. 

Nhưng, “phải quen với lái mới bán được hàng”. Cũng vì “không có họ hàng với ai làm lái muối”, gia đình bà Tấn cứ sau mỗi vụ lại ngậm ngùi trữ muối vào kho, chờ hết mùa. “Hy vọng người ta hết muối để bán thì tới lượt mình”. Anh Võ Tấn Nghi mấy lần định bỏ ruộng, theo người ta đi biển, thì mẹ anh cứ ngửa mặt kêu trời “có cái nghề tổ tiên mà không giữ được”. Nhà cửa lại xào xáo. Anh Trần Ngọc Tiên thuộc thế hệ “sinh ra trên ruộng muối”, được liệt vào hàng diêm dân lành nghề, nhưng lại chua chát tự nhận mình đã bỏ nghề muối 20 năm nay rồi, nghề chính là thợ điện, có đụng tí tới muối, chỉ vì để... báo hiếu!

Cơ may quy hoạch

Bế tắc kéo dài, nên nhà máy muối chất lượng cao ra đời năm 2006 như một giải pháp giải quyết đầu ra cho ruộng muối thủ công Sa Huỳnh. Hoạt động được 6 năm, đến 2012, nhà máy đóng cửa, “phụ tình” diêm dân cũng với điệp khúc “muối thủ công có độ mặn thấp, sử dụng nhiều lao động nên giá thành cao”.

Buổi trưa nắng như bưng, hơi nóng như cộng hưởng với hơi mặn từ mặt ruộng bốc lên như thiêu như đốt. Nền đất bùn nện chặt như tráng xi măng, tơi trên bề mặt một lớp cát mỏng đang lấp xấp nước biển. Bà Lê Thị Tô (lão diêm 86 tuổi, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) quấn thêm một lớp khăn mặt lên trên chiếc nón lá, che kín mặt, chỉ để lộ đôi mắt. Dáng bà lầm lũi như đã một mình đứng đó bừa đảo lớp cát mặn từ kiếp nào.

Bà Tô tự nhận mình chính là người mẹ kiên quyết bắt các con phải theo nghề muối, nhưng khi hỏi lý do thì bà sầu não: “Nghề ông bà mình làm mấy trăm năm rồi, từ hồi Pháp chiếm đóng, dân Sa Huỳnh làm ra muối mà không được ăn muối, rồi hồi bao cấp làm ra bao nhiêu phải đem đổi gạo đổi mắm hết. Giờ tự làm chủ ruộng muối, sao mà bỏ?”.

Toi loi hon nhien tren ruong muoi Sa Huynh
 

Nói đoạn, bà ngước gương mặt che kín gần hết, chỉ còn một đôi mắt sâu và khuất tối lên nhìn tôi: “Cô tính, có hồi nào ruộng tui được quy hoạch không?”. Tôi buột miệng nói “không biết” trước khi sực nhận ra, suốt những cuộc chuyện trò trước đó, tôi chưa từng chạm được vào mối quan tâm của họ. 

Buổi tối ngồi trong sân nhà lão diêm tự xưng là “ông già Cảnh”, nghe ông nói đến viễn cảnh “ở ngoài quốc lộ họ được giải tỏa ruộng rồi lấy tiền cất ngân hàng, còn lời hơn làm muối thêm 30 năm nữa” - tôi ngỡ ông nói chơi. Không khí sinh động nhất mà tôi được chứng kiến ở những diêm dân trầm buồn, lam lũ này, chính là cái ráo riết khi lão diêm Nguyễn Thị Tấn lần đầu hỏi tôi “có nghe gì chuyện quy hoạch dưới này không?”. Từ biến cố quy hoạch ruộng muối để làm khu dân cư, diêm dân Sa Huỳnh có một mối quan tâm lớn hơn cả những diễn giải về nguy cơ “làm hư lạt ruộng, ảnh hưởng chất lượng phần ruộng muối còn lại”.

Anh Võ Tấn Nghi, sau những chia sẻ thành thật, điềm tĩnh, và vô hồn về “biến cố quy hoạch ruộng muối”, mới mạnh dạn trả lời thắc mắc mới phát sinh của khách: “Tui với bà con muốn giữ ruộng, mà muối làm ra cứ tồn kho, rồi ép giá, giờ lại thêm quy hoạch một phần, không biết sẽ về đâu. Giờ nếu quy hoạch, tui bỏ ruộng cũng không quá mặc cảm, tui lấy số tiền đền bù làm vốn, rồi lớp đàn ông tụi tui kiếm nghề khác làm đặng nuôi đám trẻ con Sa Huỳnh học hành với người ta”.

Việc quy hoạch - giờ thấp thỏm như một… cơ may. Anh Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch xã Phổ Thạnh, sau một hồi phân tích, nói như… thở phào: “Diêm dân không phản đối dự án, giờ chỉ còn làm việc thêm với chủ đầu tư để nâng mức đền bù theo nguyện vọng của người dân nữa thôi. Diêm dân ở mình từng được hỗ trợ nhiều lắm, nhưng muối thủ công giờ khó sống, mình phải chấp nhận. Ruộng muối Sa Huỳnh nhất định phải bảo tồn, rồi sẽ phát triển du lịch dựa trên giá trị văn hóa, lịch sử của ruộng muối. Còn việc quy hoạch lần này, tôi nghĩ cũng là một động thái giảm cung để tăng giá trị hạt muối ở mình”.

Quy hoạch như một… định mệnh?

Vậy là rõ, tương lai một làng nghề đã có hồi  kết. “Bảo tồn ruộng muối bằng cách phát triển du lịch”, suy cho cùng, cũng là một phương án phát sinh - khi người ta đã từ bỏ hy vọng làng muối Sa Huỳnh có thể sống được bằng sức sống của một làng nghề thứ thiệt. Việc mai một một làng nghề thủ công không phải là điều gì quá lạ lẫm hay ngược ngạo. Chỉ có điều, với riêng Sa Huỳnh, giữa những ngày mùa chợt nhận ra cái chết của nó trong chính những người đã yêu và gắn bó với nó từ trong máu thịt - tôi chỉ băn khoăn một điều: liệu “mai một”, “xóa sổ” - có phải là định mệnh của muối Sa Huỳnh?

Toi loi hon nhien tren ruong muoi Sa Huynh

Hay đó chỉ là một dự cảm (một quyết định) nảy sinh từ những nỗ lực bất thành, từ hàng trăm chính sách “cứu muối” thất bại, đã kéo dài gần 20 năm tại cánh đồng này, từ nền đất bùn sang tráng xi măng, nhưng muối Sa Huỳnh vẫn chát đắng lòng diêm dân, khi câu chuyện cung cầu cứ luẩn quẩn, cứ như đến hẹn lại lên, dân Sa Huỳnh lại ngửa tay nhận gạo cứu trợ, bởi những tác động cũng chỉ là giải pháp tình thế. 

Hạt muối tan trên lưỡi tôi, sao nghe chát đắng đến khàn giọng như lời ông Cảnh: “Nghe họ nói muối mình tốn sức người nên giá cao quá mức, xứ khác họ làm ra hột muối ngon hơn mà ít tốn sức hơn, tui mới nghĩ, chẳng lẽ mấy mươi năm nay tui phí sức, làm bậy mà không hay…”.

Tôi chợt nhớ đến những đời người cực nhọc ngàn lần trong những ruộng muối diễm lệ mà hao sức chắc gấp nhiều chục lần, ở phương Tây. Báo chí thế giới từng nhiều lần trầm trồ thán phục vẻ đẹp của những ruộng muối bậc thang ở thung lũng Salado (thị trấn Anana, phía bắc Tây Ban Nha); rồi ở phía Tây thị trấn cổ Maras của Peru Nam Mỹ, từng hồ muối 4m2 phân bố sát nhau, dày đặc, ôm vào sườn núi chạy dài chừng 1km.

Trong văn hóa ẩm thực ở những quốc gia này, muối biển tự nhiên vẫn được đánh giá cao hơn muối công nghiệp. Lao động của diêm dân được đền đáp xứng đáng khi hạt muối tự nhiên được đánh giá đúng giá trị. Ngay trên trang thương mại điện tử ebay, muối biển của nước Anh, Tây Ban Nha… đều được bán theo từng gam, với giá cao gấp… ngàn lần muối biển làm bằng phương pháp tương tự ở ta (7g muối biển của Anh có giá 72.000 đồng).

Dẫu sao, những phép liên tưởng đó cũng đã an ủi tôi trước nỗi xót xa chợt dâng lên cùng câu hỏi đau đáu của một lão diêm đang bước sang những năm tháng cuối cùng của đời người. Đến lúc này, câu chuyện hạt muối ở Sa Huỳnh chợt trở thành câu chuyện niềm tin của cả một xứ người. Thổ nhưỡng đặc trưng khiến người Pháp chọn Sa Huỳnh để làm loại muối thô sơ bậc nhất, tự nhiên bậc nhất và “khoái khẩu” bậc nhất này. Và vì là muối biển tự nhiên làm trên nền đất, hạt muối Sa Huỳnh có màu trắng ngà (do quy định của chất đất), độ mặn ngon vừa phải và chứa nhiều vi chất tự nhiên tốt cho cơ thể.

Giai đoạn bị cai trị, muối Sa Huỳnh cũng trở thành một cống phẩm bị người Pháp thu giữ toàn bộ để chuyển thẳng về nước. Đến bây giờ, vùng làm muối thủ công ở miền Nam nước Pháp vẫn giữ cách làm muối trên nền đất bùn pha cát giống ở Sa Huỳnh. Người Việt yêu gia vị từng rắn mắt đặt mua vài lạng muối biển đắt đỏ ở miền Nam nước Pháp sau này, cũng trầm trồ khen “ngon giống y hạt muối Sa Huỳnh". Hạt muối và diêm dân Sa Huỳnh trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, lận đận. Chỉ có sức người là cặm cụi mải miết trên ruộng mặn suốt 200 năm với niềm tự hào về “vị ngon của muối".

Nhưng, trong cuộc mua bán suốt 30 năm sau ngày mở cửa, khi người Việt đã được “thuần dưỡng" bằng muối công nghiệp (được làm sạch bằng hóa chất), muối i-ốt - thời cuộc cũng mang người Sa Huỳnh ra khỏi niềm tin về “vị ngon", về giá trị của “hạt muối biển". Để đến khi được đáp lại bằng cái khước từ theo tiêu chí của “nguyên liệu muối công nghiệp", lời ai oán sau cùng cũng như âm thanh muộn màng của trạng thái vong thân.

Lúc Quảng Ngãi công bố dự án quy hoạch 18 héc-ta ruộng muối Sa Huỳnh để làm khu dân cư, Phạm Hồng Thắm - cô gái 27 tuổi của Sa Huỳnh đã viết lời kêu gọi cộng đồng cùng nhau giữ lại ruộng muối Sa Huỳnh. Thắm là người sáng lập thương hiệu muối Sahu, theo đuổi niềm tin truyền thống của người Sa Huỳnh về giá trị của muối biển tự nhiên, với việc tổ chức một mạng lưới sản xuất - phân phối muối Sa Huỳnh theo hướng bảo vệ môi trường ruộng muối để tuân thủ cách làm thủ công.

Nhưng khi những gói muối Sahu thủ công vừa đến tay người tiêu dùng sành ăn trong và ngoài nước, thì được tin quy hoạch ruộng muối. Lời kêu gọi của cô gái trẻ giờ lạc loài, vô vọng giữa chính những diêm dân vốn cũng cùng một “ngôn ngữ” với mình.

Chuyện hạt muối Sa Huỳnh, cũng giống như chuyện của một nền nông nghiệp vong thân giữa thời đại công nghiệp, rồi 4.0… 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI