Tín hiệu vui từ mô hình tương trợ

15/07/2015 - 08:56

PNO - PN - Với hình thức cho mượn heo giống, lúa giống, tiền cất nhà, kinh doanh… Hội LHPN hai xã Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ (H.Củ Chi, TP.HCM) đã hỗ trợ kịp thời cho nhiều hội viên. Không chỉ giúp chị em thoát nghèo, mô hình này còn góp...

edf40wrjww2tblPage:Content

GIÚP NHAU “CẦN CÂU”

Chiều muộn, vợ chồng chị Nguyễn Thị Gái (SN 1967, ngụ ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng) mắc võng trước nhà nằm nghỉ mát. Người con duy nhất đã đi nghĩa vụ quân sự, chỉ còn hai vợ chồng ở nhà. Quay sang chồng, chị nói: “Đây là nhà mình thiệt hả ông?”. Anh Lợi gãi đầu cười: “Bà cứ hỏi hoài câu đó. Nhà mình chứ ai”. Bữa giờ, câu chuyện giữa hai vợ chồng luôn bắt đầu như vậy. Tôi ghé thăm, chị Gái phấn khởi cho biết mới bán đàn heo hơn mười con. Hồi trước, nhà chị chỉ là túp lều nhỏ, đất sụt lún nên mỗi khi mưa gió là không biết trốn đâu. Chị nói, vợ chồng chị xây được căn nhà này là nhờ nuôi heo. “Trước đây, tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ thoát “danh hiệu” hộ nghèo. Ở xã, thay vì cho mượn tiền, các chị khá giả thường cho hộ nghèo mượn heo giống, lúa giống làm ăn, chừng nào bán heo, thu hoạch mới trả vốn. Lúc đầu, tôi mượn một cặp heo con. Nuôi lớn, tôi bán một con, con còn lại để làm giống nái đẻ. Cứ như vậy, gây dựng từ từ. Bây giờ, cuộc sống của gia đình tôi khá tốt. Mọi thứ cứ như mơ”.

Chị Thu Hà (xã Trung Lập Thượng), một giáo viên về hưu luôn tích cực tham gia công tác Hội PN tại địa phương đã không ngần ngại cho chị Đặng Thị Ri mượn 0,6 ha đất trồng bắp, lúa ba năm nay. Gia cảnh chị Ri khó khăn, đất đai không có. Chồng chị đi làm mướn, ba đứa con đang tuổi ăn học. Từ ngày được chị Hà cho mượn đất, mỗi năm trồng một vụ bắp, hai vụ lúa, thu nhập của gia đình chị Ri tăng dần.

Chị Ngô Thị Gái (ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng) đất đai chẳng có, vốn liếng cũng không. Chồng chị Gái làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh. Chị Ngô Thị Vệ (SN 1958), Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Vân Hàn thấy vậy liền mang một cặp heo con tới cho gia đình chị Gái. Sau thời gian chăn nuôi, năm 2014, chị Gái bán heo lấy tiền đầu tư nuôi bò. Có việc làm, tinh thần chị Gái ngày càng thoải mái, vui vẻ, chăm sóc con cái tốt hơn.

Bà Võ Thị Hờn (SN 1947, ngụ ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ) cũng bắt đầu “xông pha” làm kinh tế từ sáu con heo giống do chị Lê Thị Bế - Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Lào Táo Trung cho mượn. Trước đó, hai vợ chồng bà Hờn chỉ trồng hoa màu, làm thuê. Con đông, lại phải nuôi người chị bị bệnh tâm thần, cảnh nhà bà Hờn vốn khó càng khó thêm.

Cảm thông với hoàn cảnh đó, không chỉ cho mượn heo, chị Bế còn đứng ra bảo lãnh để bà Hờn vay tiền sửa nhà. Hay như chị Dương Thị Thu Lan (ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ) bị tật ở chân. Chị Bế đã nhiệt tình giúp mấy bao lúa giống để chị Lan gieo sạ. Hôm gặp tôi, chị Lan khoe, giờ chị không còn lo nhà sập giữa đêm nữa vì đã có căn nhà tình thương khang trang do Hội LHPN H.Củ Chi vận động xây tặng (trong đó, riêng chị Bế ủng hộ 15 triệu đồng).

Tin hieu vui tu mo hinh tuong tro

LAN TỎA

Theo báo cáo của Hội LHPN H.Củ Chi, hiện nay các hình thức tiết kiệm tại chi hội trên địa bàn huyện khá đa dạng như: nhóm liên kết xoay vòng vốn, nhóm tương trợ, nhóm tiết kiệm tự nguyện tại chi hội… Tính đến cuối năm 2014, Huyện Hội đã vận động được 38.991/74.588 hội viên tham gia tám loại hình tiết kiệm với tổng số tiền 12,9 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhiện, Chủ tịch Hội LHPN H.Củ Chi đánh giá cao nỗ lực của Hội LHPN hai xã Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ vì đã linh động xây dựng các nhóm tương trợ cho mượn heo giống, lúa giống, bắp giống phù hợp với nhu cầu hội viên. Điều đặc biệt là từ mô hình nhỏ này, nhiều phương thức tiết kiệm mới trên tinh thần “người có giúp người khó” đã ra đời.

Tại ấp Trung Hiệp Thạnh (xã Trung Lập Thượng), thay vì cho mượn heo giống, lúa giống, hội viên kinh tế tương đối khá nuôi heo đất lấy tiền cho các chị khác mượn để mua phân bón, bán tạp hóa, cất nhà. Ở ấp Lào Táo Thượng, hễ nhà chị nào có đám giỗ, chẳng ai bảo ai, những chị khác trong xóm đều tay xách nách mang nào gà, vịt, nếp, tiền, chén bát qua phụ. Cứ xoay vòng như vậy, chuyện làm đám, tiệc không còn là nỗi lo dai dẳng của hộ nghèo nữa.

Sau khi đã trở nên khấm khá từ sự trợ giúp kịp thời của Hội, nhiều chị quay lại “chia khó” với chị em khác như một sự tri ân. Cất nhà, xây chuồng heo mới xong, chị Nguyễn Thị Gái liền hỗ trợ 2-3 triệu đồng/lần để chị Bùi Thị Phượng ngụ cùng ấp nuôi bò sữa. Từ chỗ là hộ nghèo, chồng mất sớm, ba mẹ con vất vả lo cái ăn, cái mặc, nay chị Bế chính là “bà đỡ” mát tay của nhiều hình thức tiết kiệm tại chi hội. Nhà chị có gần chục con heo nái. Chị em nào trong ấp cần heo con nuôi, chị giúp ngay. Chị Bế còn mở dịch vụ nấu đám tiệc, tạo việc làm cho 10-15 hội viên khó khăn.

Tại ấp Trung Hiệp Thạnh (xã Trung Lập Thượng) chuyện chị Lý Huệ Chi tích góp tiền tiết kiệm xăng, điện, nước cho chị Trần Thị Phương mượn buôn bán hay chị Nguyễn Thị Út giúp vốn để chị Nguyễn Thị Bích Chi mua phân bón ruộng đã không còn xa lạ với người dân nữa. Chị Phùng Thị Vượng, Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Trung Hiệp Thạnh chia sẻ: “Điều đáng mừng là các hình thức tiết kiệm đang thu hút nhiều hội viên tham gia. Chị em rất chủ động. Trung Hiệp Thạnh là ấp tập trung đông các cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhỏ chứ không nuôi heo, bò nhiều như các ấp khác. Chính vì vậy, hội viên đã thỏa thuận “ngầm”, tiết kiệm bằng hình thức nuôi heo đất giúp nhau làm ăn”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI