Tìm hướng xoay trục khi xuất khẩu hụt hơi, hàng ngoại áp đảo

21/05/2025 - 13:36

PNO - Tại Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”, do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với các bên liên quan tổ chức ngày 21/5, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đã chia sẻ những thách thức chưa từng có mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Ông cho biết, 3 năm qua (từ 2022-2024) làn sóng doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường tăng dần và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025 đã gần bằng một nửa năm 2024; đa số là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Các doanh nghiệp tham dự và chia sẻ những giải pháp mở rộng thị phần trong bối cảnh gặp khó khi xuất khẩu
Các doanh nghiệp tham dự và chia sẻ những giải pháp mở rộng thị phần trong bối cảnh gặp khó khi xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt hơn 102 tỉ USD, tăng hơn 10% cùng kỳ nhưng theo ông Hòa, nếu đi sâu phân tích thì có sự phân mảnh. Bởi nhiều nhóm hàng xuất khẩu mang tính chiến lược, nhiều mặt hàng có nguy cơ không có đơn hàng sau tháng 6/2025.

“Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu. Không chỉ đơn hàng giảm, điều quan trọng hơn là khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cũng suy giảm, khiến doanh nghiệp bị bào mòn dòng tiền và đe dọa đến khả năng tồn tại.”- ông nói.

Trong khi đó, các chính sách thương mại quốc tế thay đổi rất nhanh, rất khó lường. Năm 2022-2023, Mỹ tăng điều tra chống bán phá giá, trốn thuế; EU thì dựng hàng rào Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); đặc biệt việc Trung Quốc giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng lại “đổ” hàng giá rẻ sang Việt Nam... làm “ngập lụt” thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA

Dự báo từ năm 2026 trở đi, CBAM chính thức áp thuế, đẩy chi phí tăng cao. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan rộng hơn, đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh bất lợi nếu không cải cách kịp thời. Bối cảnh trên khiến DN tăng mạnh chi phí do đầu tư tuân thủ các điều kiện như chứng minh truy xuất nguồn, có hệ thống đo lường rác thải và DN nhỏ, siêu nhỏ không đủ tiềm lực chuyển mình sẽ mất dần khả năng cạnh tranh về giá, tốc độ giao hàng.

Để nâng sức cạnh tranh cho DN, ông Hòa cho rằng, cần chính sách hỗ trợ tài chính cho nhóm DN nhỏ và vừa. Cụ thể là phải tác động kép để bên cho vay mạnh dạn nới lỏng điều kiện, chính sách cho vay. Ngoài ra, nên tạo không gian phục hồi và sáng tạo như tổ chức diễn đàn công - tư định kỳ để cùng tháo gỡ vướng mắc theo ngành; kết nối chuỗi cung ứng nội địa từ doanh nghiệp nhỏ đến DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); xếp hạng tín dụng mở để tăng khả năng vay vốn không cần tài sản thế chấp…

bà Võ Thị Liên Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin
Bà Võ Thị Liên Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin

Chia sẻ giải pháp thực tế đã triển khai để mở rộng thị phần sau khi Mỹ thông báo áp thuế đối ứng, bà Võ Thị Liên Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin (DN trong lĩnh vực vật liệu xây dựng) - cho biết, DN đang xuất khẩu 50% vào thị trường Mỹ. Do vậy ngay khi quốc gia này công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% Secoin đã đưa ra 5 giải pháp ứng phó.

Theo đó, Secoin đã lập chuỗi liên kết trong chuỗi cung ứng tại châu Âu, Mỹ… và đưa ra nhận định rằng phải đi vào khác biệt để cạnh tranh, thay vì cạnh tranh bằng giá. Tiếp đến tìm kiếm thêm thị trường mới để không bỏ trứng vào một giỏ. Để làm được, Secoin cùng các DN xây dựng của TPHCM đã cùng tham dự hội chợ ở Úc vào đầu tháng 5/2025. Kết quả sau chuyến này khả quan khi có gần 200 khách hàng quan tâm đến sản phẩm của DN.

Ngoài ra, xác định mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn khác nhau, yêu cầu khác nhau nhưng có điểm chung là cùng bắt buộc phải xanh hóa. Do đó, DN đưa ra hướng chuẩn hóa về xanh để thích ứng tất cả các thị trường. Đồng thời, củng cố lại nội bộ thông qua sử dụng hệ thống quản trị tinh gọn của Nhật Bản. Cuối cùng, sử dụng hiệu quả kênh thương mại điện tử để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, bỏ qua khâu trung gian.

Nâng cao năng lực nội sinh

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, dù thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM nhưng thành phố luôn xác định đây là thị trường quan trọng do tính dẫn dắt hành vi tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó rất cần những điều chỉnh mang tính chiến lược, lâu dài.

Theo đó, DN cần tìm cách phát huy các FTA (Hiệp định thương mại tự do) bởi nhiều DN chưa tận dụng hết các lợi thế này. Từ góc độ quản lý nhà nước, ông mong các doanh nghiệp tiếp tục phát huy các lợi thế từ các hiệp định này và tham mưu trở lại để có chính sách hỗ trợ tốt hơn. Cùng đó, cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước vì sức mua tại nội địa ngày càng tăng.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI