Tiếng Việt được 2 trường đại học hàng đầu nước Mỹ giảng dạy

06/11/2021 - 08:12

PNO - Các khóa học tiếng Việt thuộc cấp độ Cơ bản và Trung cấp đã được 2 trường đại học hàng đầu nước Mỹ cho phép đưa vào giảng dạy cho sinh viên.

Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, 2 trường đại học hàng đầu của Mỹ thuộc nhóm Ivy League (nhóm 8 trường đại học tốt nhất nước Mỹ) đã đưa các môn tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của mình để dạy cho sinh viên.

Sinh viên từ Đại học Brown (trong lớp học) và Đại học Princeton (trên màn hình TV) đang theo học khóa học tiếng Việt do Đại học Brown tổ chức - Ảnh: Trang Tran/Brown Daily Herald
Sinh viên từ Đại học Brown (trong lớp học) và Đại học Princeton (trên màn hình TV) đang theo học khóa học tiếng Việt do Đại học Brown tổ chức - Ảnh: Trang Tran/Brown Daily Herald

Sinh viên và nhà trường hưởng ứng

Theo đó, Đại học Brown và Đại học Princeton đã thiết kế các khóa tiếng Việt thuộc cấp độ Cơ bản và Trung cấp để đưa vào giảng dạy vào kỳ học mùa thu này. Đến nay đã có 16 sinh viên đăng ký tham gia môn học.

Điều đặc biệt là giảng viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy các khóa học này chính là Trang Tran, một giảng viên thỉnh giảng người Việt vừa đến làm việc tại Đại học Brown trong thời gian gần đây.

Bà Jane Sokolosky, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ (CLS) thuộc Đại học Brown cho biết, từ tháng 4/2019, một số sinh viên và giảng viên trong trường đã viết thư đề nghị CLS xem xét mở các khóa dạy tiếng Việt bởi “kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam là những yếu tố quan trọng giúp sinh viên hiểu sâu hơn về ngôn ngữ này”.

Nhóm sinh viên này đã phản ánh những mong muốn và nhu cầu có thật đối với việc học tiếng Việt thuyết phục đến nỗi bà Sokolosky nhận được phê duyệt cho phép mở lớp của Ban lãnh đạo Đại học Brown ngay trong học kỳ mùa thu của năm học 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến kế hoạch mở chương trình bị hoãn đến tận học kỳ mùa xuân 2021, trong đó khó khăn lớn nhất là việc tuyển giảng viên.

“Những sinh viên đăng ký lớp học do tôi phụ trách đã thể hiện mong muốn thật sự của mình với việc học tiếng Việt”, cô Trang Tran cho biết. “Mặc dù họ có thể lựa chọn học các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Trung Quốc, nhưng cuối cùng tất cả đã chọn tiếng Việt”.

Poster thông báo khóa học tiếng Việt được thực hiện bởi Đại học Brown vào học kỳ mùa thu năm 2021 - Ảnh: Brown University
Poster thông báo khóa học tiếng Việt do Đại học Brown tổ chức vào học kỳ mùa thu năm 2021 - Ảnh: Brown University

Hầu hết các sinh viên này đều là người Mỹ gốc Việt, có sử dụng tiếng Việt ở nhà, hoặc có ông bà cha mẹ là người Việt. Chính vì vậy, động cơ học tiếng Việt của họ là “rất tích cực” chứ không phải là học để đối phó với các yêu cầu ngôn ngữ của nhà trường.

“Ban đầu tôi cứ lo lắng rằng, học viên của mình sẽ cảm thấy khó khăn và chán nản khi phải làm nhiều bài tập và xem nhiều video về văn hóa cũng như cách phát âm tiếng Việt. Thế nhưng ngược lại, các em rất hào hứng”.

Kaitlan Bui, một nữ sinh 22 tuổi cho biết, ban đầu em chỉ ghé đến lớp học chỉ vì tò mò, nhưng sau đó đã quyết định đăng ký theo học bởi vì “đây chính là một cộng đồng mà em chưa từng có cơ hội tham gia trước đó ngay ở trong Đại học Brown”.

Nữ sinh viên trẻ gốc Việt này còn cho rằng, các lớp tiếng Việt này phản ánh sự ghi nhận lịch sử của một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á cũng như vị trí của quốc gia đó trong môi trường học thuật nước Mỹ.

“Mặc dù lớn lên ở Mỹ nhưng giờ đây, em thật sự tự hào với gốc gác Việt Nam của mình. Và tiếng Việt là một tài sản quý giá giúp em có được sự tự hào đó”, cô Kaitlan Bui chia sẻ, và cho biết thêm rằng, cô có được “một cảm giác vừa lạ vừa quen” khi tên tiếng Việt của mình được gọi một cách thoải mái ở trong lớp, và các trao đổi, trò chuyện hoàn toàn bằng tiếng Việt được thực hiện ngay trong khuôn viên của trường đại học.

“Em cảm thấy thật thân thuộc và ấm áp, không khác gì so với lúc đang ở nhà cùng với ba mẹ  của mình vậy”.

Còn đó những khó khăn thách thức

Thế nhưng, ở vị trí của một giảng viên thì cô Trang Tran đã phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức khi dạy các lớp học tiếng Việt ở Mỹ. Cô Trang Tran từng là giảng viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam trước khi nhận được một suất học bổng Fulbright để đến Mỹ và trở thành giảng viên dạy tiếng Việt ở xứ sở cờ hoa.

“Có những sự khác biệt vô cùng lớn giữa việc sử dụng tiếng Việt để dạy tiếng Anh và ngược lại", cô Trang Tran nói. “Trong khi dạy tiếng Anh thì chúng ta có hằng hà sa số tài liệu hỗ trợ và nguồn học liệu phong phú; thế nhưng để dạy tiếng Việt thì ngay cả chọn được giáo trình phù hợp cũng đã là một vấn đề không hề dễ dàng”.

Mục tiêu của cô Trang Tran là không chỉ dạy ngữ pháp, từ vựng, các kỹ năng đọc và viết cho những người học tiếng Việt mà còn “giúp họ giao tiếp một cách hiệu quả với các tình huống thực tế trong cuộc sống”.

Để làm được điều này, cô đã thiết kế các hoạt động và mời những người Việt Nam đến để cùng thực hành nói tiếng Việt với sinh viên của mình. Cô còn tổ chức các chuyến đi du lịch dã ngoại cho sinh viên, và hướng dẫn viên tất nhiên là người Việt.

Đại học Brown nơi đang triển khai các khóa tiếng Việt cho sinh viên - Ảnh: Brown University
Đại học Brown nơi đang triển khai các khóa tiếng Việt cho sinh viên - Ảnh: Brown University

Trên cơ sở chương trình giảng dạy tiếng Việt được phát triển bởi Đại học Brown, Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ thuộc Đại học Princeton cũng đã tìm đến đặt vấn đề được chia sẻ chương trình này cho sinh viên của mình.

“Tất nhiên là chúng tôi rất vui được hỗ trợ Đại học Princeton để cùng thực hiện các khóa học tiếng Việt này. Và công nghệ hiện có với các lớp học trực tuyến sẽ giúp 2 trường dễ dàng bắt tay hợp tác”, bà Jane Sokolosky, Giám đốc Trung tâm CLS thuộc Đại học Brown cho biết.

“Giờ đây tôi được nói tiếng Việt thỏa thích mỗi ngày. Điều mà chưa từng xảy ra trước đây”, Ngan Chiem, sinh viên năm Nhất thuộc ngành Chính trị học của Đại học Princeton nói. Với khóa học tiếng Việt được tổ chức bởi Đại học Brown, Ngan Chiem có cơ hội tương tác với sinh viên từ trường bạn thông qua các bài tập trong lớp, các dự án theo nhóm “mà ở đó chúng em dùng cả tiếng Anh và tiếng Việt để giao tiếp, trao đổi. Một sự kết nối thật đặc biệt”.

Tuy nhiên, một số học viên cũng nhận ra rằng, các khóa học tiếng Việt ở Đại học Brown có vẻ như thiếu giảng viên so với khóa học các ngôn ngữ khác.

“Chẳng hạn như một lớp học tiếng Trung Quốc thì có tới 3 giáo sư, trong khi với khóa học tiếng Việt hiện nay thì chỉ có 1 giáo sư mà phải phụ trách tới 2 lớp học”, cô Kaitlan Bui nhận xét.

Giáo sư Anna Shields, chủ nhiệm khoa Đông Á học, Đại học Princeton trong một tiết dạy về văn hóa châu Á - Ảnh: Wanming Wang/McGill
Giáo sư Anna Shields trong một tiết dạy về văn hóa châu Á - Ảnh: Wanming Wang/McGill

Theo Giáo sư Anna Shields, chủ nhiệm khoa Đông Á học thuộc Đại học Princeton, thì tương lai của các khóa học tiếng Việt như thế này vẫn chưa được quyết định cụ thể do còn vướng mắc một số yếu tố, chẳng hạn như: các vấn đề về hậu cần, việc chuyển đổi tín chỉ của các khóa học này vào hệ thống tính điểm chung của nhà trường.

“Dạy tiếng Việt trong trường đại học là một ý tưởng hoàn toàn mới. Chúng tôi cần xem hiệu quả đến đâu rồi sẽ có những bước đi tiếp theo trong thời gian tới”, Giáo sư Anna Shields cho biết.

Nguyễn Thuận (Theo Brown Daily Herald, Daily Princetonian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI