Tiếng Trung trở thành ngoại ngữ thứ nhất: Những rủi ro có thể gặp phải!

24/09/2016 - 07:21

PNO - Đề án đưa tiếng Trung trở thành ngoại ngữ thứ nhất của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh, các chuyên gia giáo dục.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12, thí điểm năm học 2017, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được coi như ngoại ngữ thứ nhất cùng với tiếng Anh. Trong khi, trước đây những ngoại ngữ này vốn chỉ được coi là ngoại ngữ thứ hai và được quyền lựa chọn.

Thông tin này lập tức "vấp" phải phản ứng dữ dội đến từ phía các phụ huynh học sinh, tranh luận trái chiều từ các chuyên gia giáo dục.

Cần phải xem xét những rủi ro

Bình luận về điều này, Th.S Nguyễn Xuân Quang khẳng định giáo dục là rường cột của quốc gia. Một quyết định quan trọng như đưa tiếng Trung lên làm ngoại ngữ thứ nhất cần có sự bàn bạc, thảo luận, đóng góp từ phía các bên liên quan, ở đây bao gồm: Bộ GD, đại diện các trường, phụ huynh, học sinh và xã hội.

"Cụ thể, cần làm rõ các yếu tố liên quan như: Mục tiêu đào tạo là gì? Tầm quan trọng của nó trong tương lai là như thế nào? (tầm nhìn của đề án); Có xung đột với các mục tiêu đào tạo khác không?; Nếu thực hiện, quy trình như thế nào?; Nội dung giảng dạy là gì? Giáo trình? Giáo viên ở đâu ra...

Tieng Trung tro thanh ngoai ngu thu nhat: Nhung rui ro co the gap phai!
Đề án đưa tiếng Trung trở thành ngoại ngữ thứ nhất của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh, các chuyên gia giáo dục.

Giống như một cuộc trưng cầu dân ý, nếu đa số các bên liên quan, bao gồm cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh và xã hội đồng tình, thì có thể lập 1 nhóm chuyên gia để tiến hành. Trường hợp đó, cần có mục tiêu, lộ trình rõ ràng và cụ thể", ông Quang nói.

Nhìn từ góc độ cá nhân về việc Bộ Thí điểm tiếng Trung trong nhà trường phổ thông, ông Quang cho rằng không nên, bởi lẽ: "Phổ biến tiếng Trung có một số điểm rủi ro và hạn chế mà xã hội cần phải xem xét.

Thứ nhất, phạm vi sử dụng tiếng Trung tương đối hẹp, chủ yếu ở Châu Á; Thứ hai, tiếng Trung có hệ chữ tượng hình, khó học và không theo xu thế quốc tế (chữ la-tinh); Thứ ba, ngôn ngữ luôn đi kèm với văn hóa, mà văn hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng quá mạnh với văn hóa Việt Nam. Cần nhớ, người Nhật để phát triển như ngày nay đã phải có "Thoát Á Luận", học theo phương Tây; Thứ tư, việc phổ cập tiếng Trung có thể kéo thêm người Trung Quốc vào Việt Nam dưới nhiều hình thức, có thể tạo ra nhiều rủi ro;

Thứ năm, việc phổ cập tiếng Trung có thể gây ra hiệu ứng "đồng hóa văn hóa", khiến Việt Nam lệ thuộc hơn vào Trung Quốc.

Ngoài ra, cần xem xét các tác động kinh tế, chính trị của việc phổ cập tiếng Trung vào hệ thống giáo dục Việt Nam. Tôi thấy phần lớn phụ huynh, học sinh và xã hội đang phản đối tương đối gay gắt về vấn đề này. Tại sao phải đưa vào nhanh như vậy, gấp gáp như vậy?", ông Quang nhận định

"Trong tương lai có thể được"

Cùng bàn về kế hoạch này của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: "Việc làm này trong tương lai có thể được, không chỉ ngoại ngữ trên, nhưng hiện tại tôi thấy chưa hợp lí. Cần có một khảo sát thực tế xem nguyện vọng của người học với ngoại ngữ này, tiếng Trung - đúng ra phải là tiếng Hán, tức là tiếng của dân tộc Hán được người Trung Quốc sử dụng là ngôn ngữ quốc gia.

Bây giờ cả thế giới dùng tiếng Anh và Việt Nam không phải ngoại lệ. Học tiếng nào rồi cũng phải quay về tiếng Anh.Tất nhiên, với nhiều lĩnh vực, nhiều người, có thể chọn một ngoại ngữ chuyên sâu (Anh, Nga, Pháp, Trung, Tây Ban Nha...). Nhưng cho triển khai đại trà thì e rằng chưa phù hợp'', ông Tình nói.

Đồng tình quan điểm, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi đưa ra đề án nào cũng đều phải lắng nghe, chứ không nên cái gì cũng vội vàng thiếu có căn cứ, phải có ý kiến của xã hội, của các chuyên gia.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI