Tiến sĩ tâm lý bày cách kiềm nóng giận khi dạy con

10/02/2020 - 08:09

PNO - Học sinh toàn quốc hiện đang phải nghỉ học nhằm phòng bệnh do chủng mới của vi-rút Corona gây ra. Nhiều trường triển khai học trực tuyến, giao bài tập về nhà khiến nhiều cha mẹ bối rối.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, Trưởng khoa Khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày cách để cha mẹ kiềm chế cơn nóng giận khi dạy con ở nhà. 

* Phóng viên: Những cơn nóng giận khi dạy con học bắt nguồn từ đâu và làm thế nào để người lớn hóa giải cơn nóng giận của mình, thưa thầy?

- Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam: Những cơn nóng giận khi kèm con học thường bắt nguồn từ những nguyên nhân thuộc về cha mẹ chứ không phải thuộc về trẻ. Cha mẹ nổi nóng vì bản thân cũng bị áp lực, chỉ muốn kèm con học nhanh để làm việc khác. 

Học sinh tự học ở nhà kéo dài gây bối rối cho phụ huynh. Ảnh minh họa
Học sinh tự học ở nhà kéo dài gây bối rối cho phụ huynh. Ảnh minh họa

Cha mẹ nổi nóng vì vô thức đồng nhất hóa việc con chậm hiểu bài là con không có năng lực, thiếu ý chí hoặc cố tình chống đối chứ ít khi nghĩ đến việc phương pháp kèm học của mình không phù hợp. Với giáo viên, bên cạnh các nguyên nhân gây nóng giận giống như cha mẹ, họ còn chịu nhiều áp lực từ thi đua, thành tích, không đủ thời gian vật chất để nghỉ ngơi và cân bằng cảm xúc.

* Chúng ta không chấp nhận việc giáo viên sử dụng đòn roi, bạo lực khi dạy học sinh. Tuy nhiên, thực tế, không ít phụ huynh đã không kiềm chế được cơn nóng giận khi hướng dẫn con mình học tập tại nhà. Vậy để tránh những tổn thương tâm lý lâu dài cho trẻ, có cách nào giúp người lớn hóa giải sự tức giận của mình khi dạy con?

- Việc dạy con bằng đòn roi là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền của trẻ, đã được pháp luật chỉ rõ. Cha mẹ dù muốn hay không vẫn phải tìm ra cách thức phù hợp giúp mình hóa giải các cơn tức giận khi dạy con.

Với những cha mẹ khó kiểm soát được sự tức giận, những chiến lược tự nhắc nhở về nguyên tắc giáo dục không bạo lực phải đủ mạnh. Như gần đây, nhiều người quan tâm đến hình ảnh được chia sẻ trên mạng, ông bố trói tay khi dạy con học để tự nhắc bản thân không được nổi nóng. Hoặc luôn giữ khoảng cách vừa đủ với con để không dễ động chân tay. Hình thành thói quen cắn chặt môi khi tức giận để không nói ra những lời xúc phạm, đồng thời gây đau để sao nhãng khỏi điểm trôi cảm xúc.

* Thầy có thể nói rõ hơn về những cách để phụ huynh kiểm soát cảm xúc?

- Đối với giáo viên, khi đã chọn nghề tức là chúng ta đã được rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc để có thể ứng xử với học sinh một cách nhân văn nhất và phụ huynh cũng cần phải rèn luyện nó. 

Có những thủ thuật cơ bản giúp cho mọi người kiểm soát cảm xúc như: nhận diện được cảm xúc, xác định được đến mức nào thì sẽ đến điểm trôi cảm xúc và đến đó thì mình không thể cân nhắc về mặt lý trí được, làm ngắt mạch được điểm trôi cảm xúc. 

Trước khi đến điểm trôi cảm xúc, chúng ta phải ngắt mạch nó lại, sao nhãng khỏi cơn tức giận: có thể cúi mặt xuống để không nhìn thấy đứa trẻ vì đứa trẻ là nguyên nhân gây nên nỗi tức giận. Chúng ta có thể nói “vì con đang hành động như thế này làm mẹ rất tức giận nên mời con vào một góc để suy nghĩ về hành vi của mình”. Đứa trẻ sẽ tự hiểu hành động của mình là sai và cũng là cơ hội để cha mẹ kiểm soát lại cảm xúc của mình. 

Có những người nắm chặt tay, cắn môi tạo cảm giác đau để không nói ra những lời làm tổn thương đứa trẻ. Giáo viên cũng như phụ huynh phải rèn luyện cho mình kỹ năng cân bằng cảm xúc, biết tự chăm sóc sức khỏe tinh thần để tránh việc mình bị tổn thương không kiểm soát được hành vi của bản thân. Cha mẹ bằng sự cáu giận của mình sẽ là hình mẫu để đứa trẻ học cách không kiềm chế được cảm xúc. 

Cha mẹ luôn “nổi điên” lên khi biết con phạm lỗi ở trường mà không chú ý đến việc làm cho trẻ nhận ra lỗi của mình và cố gắng không vi phạm lần sau. Ví như khi con bị điểm kém hay gây ra lỗi gì đó và về nhà bị cha mẹ quát vô tình làm cho đứa trẻ biết rằng cha mẹ đang tức giận chứ con không hiểu cha mẹ đang muốn gì, không giải quyết được bản chất vấn đề.

Thay vào đó, cha mẹ nên nói “mẹ đang rất buồn vì con bị điểm kém và mẹ muốn con nói cho mẹ biết bài học con rút ra là gì”. Khi đó, đứa trẻ sẽ biết vì sao mình làm mẹ nổi nóng và mình phải làm gì để không lặp lại chuyện đó.

Như tôi nói, quan trọng là chúng ta phải giải quyết được bản chất vấn đề chứ không phải cái gì cũng nổi giận. 

* Xin cảm ơn ông

Đại Minh (thực hiện)

 

Trẻ học ở nhà phụ huynh "đuối"

Ngay tuần đầu kể từ mồng Mười tết Canh Tý, gia đình nào cũng phải cuống cuồng “huy động” hết “lực lượng” nội, ngoại để giải quyết tình hình: các con nghỉ học ở nhà tránh dịch. Bước sang tuần thứ hai, phụ huynh có thêm việc “ná thở” khi một số trường bắt đầu chủ trương gửi bài tập qua mạng “nhờ” cha mẹ giúp học sinh làm bài để đỡ quên kiến thức. 

Mỗi ngày, thầy cô lần lượt giao bài tập qua Viber, Zalo, Messenger… cho phụ huynh. Cứ thế, từ nay đến khi đi học lại, bên cạnh những lo toan, phụ huynh ngày ngày lại có thêm nhiều việc để “xoay vần”. Thầy cô còn dặn dò kỹ sau khi các con làm xong, cha mẹ chụp hình bài, gửi lại cho giáo viên để được sửa và chấm. Đồng nghĩa là tiếp theo đó, cha mẹ học sinh phải truyền đạt lại phần sửa chấm cho con.

Chúng tôi rất trân trọng các việc làm trên và nhận thức được trách nhiệm của mỗi gia đình đối với con em mình trong việc phòng chống dịch. Tuy nhiên, với những gia đình thiếu điều kiện, neo đơn, con cái đông, cha mẹ làm những công việc đặc thù, thì những “phát sinh” trong kỳ nghỉ tết kéo dài nhất lịch sử vì dịch Corona đã làm không ít phụ huynh… “đuối”.

Chúng tôi nghĩ nhập học muộn thì thi muộn, nghỉ hè ngắn lại, chứ không nên nhồi nhét cho kịp tiến độ học trình khô cứng, nặng nề của năm học. 

Thiết nghĩ, cách ôn tập tốt nhất là để kiến thức tuần tự vào đầu trẻ một cách logic và vui tươi. Đó là chưa kể, liệu những bài tập, kiến thức được giao trong giai đoạn nghỉ này có được tính luôn vào chương trình chính khóa? Liệu học sinh nhập học lại thì thầy cô có xem như đã được trải qua thời gian học, làm bài tập ở nhà vì Corona hay không?

Đoàn Vệ Quốc (Q.10, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI