Nhân tính được dạy ở nhà hay tại trường?

11/12/2019 - 07:33

PNO - “Dạy người”, nói khác đi là giáo dục về nhân tính, để tạo ra thế hệ học sinh có cảm xúc trước thời cuộc, giàu lòng trắc ẩn và chủ động tránh xa tệ nạn. Nhưng làm sao để thực hiện điều này?

“Dạy chữ” đi đôi với “dạy người” là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ thông qua Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. “Dạy người”, nói khác đi là giáo dục về nhân tính, để tạo ra thế hệ học sinh có cảm xúc trước thời cuộc, giàu lòng trắc ẩn và chủ động tránh xa tệ nạn. Nhưng làm sao để thực hiện điều này? 

Giáo dục nhân tính là cấp thiết

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, gọi thời đại hôm nay là thời loạn chuẩn, rất dễ khiến người trẻ hoang mang và lạc lối. Lướt qua mạng xã hội, chúng ta dễ dàng thấy được điều này. Sự nổi tiếng và được nhiều người quan tâm thường là những người giàu mua sắm hàng hiệu hay những hình ảnh nhạy cảm hơn là người làm điều tốt đẹp.

Thậm chí, một clip quay cảnh bạo lực học đường thì được yêu thích, chia sẻ nhiều và nhanh hơn rất nhiều so với một nghĩa cử đẹp ở trường học. Bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ cảm thấy hoang mang trước những chuẩn mực xã hội bị đảo lộn và nhiều niềm tin bị đổ vỡ trong thời đại này. 

Nhan tinh duoc day o nha hay tai truong?
Trường học giáo dục đạo đức học sinh qua những hoạt động thực tiễn. Ảnh minh họa

Vì vậy, “giáo dục nhân tính cho trẻ em lúc này là vô cùng cần thiết, để con trẻ có được cái đầu sáng và trái tim ấm áp”, ông Giản Tư Trung nói. Giáo dục nhân tính là cách để các em tự nhận thức đâu là đúng - sai, đâu là tốt - xấu, đâu là thiện - ác…

Một đứa trẻ có nhân tính sẽ tự nhận ra việc đánh hay làm nhục người khác là không đúng, dù hành động này được bạn bè tung hô hay được nổi tiếng trên mạng xã hội đi nữa. Trẻ có nhân tính sẽ không ngộ nhận về sự hiểu biết của mình, ngộ nhận về tài năng, văn hóa của mình, hay ngộ nhận về phẩm giá của mình. Từ đó, đứa trẻ sống đúng mực hơn, chia sẻ nhiều hơn và góp phần làm cho xã hội tốt hơn. 

Giáo dục nhân tính cũng là cách giúp đứa trẻ có trái tim ấm ấp và tâm hồn nhạy cảm, đầy tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn, biết rung cảm trước cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau của kẻ khác; biết phẫn nộ trước cái ác…

Giáo sư Robert Sapolsky, Trường đại học Stanford (Mỹ), cho rằng điều khiến con người độc đáo hơn những loài khác không phải vì biết “có qua có lại” mà vì chúng ta có lòng vị tha, có thể tha thứ cho những kẻ đã làm điều không tốt với mình. Các loài động vật khác cũng biết đồng cảm với đồng loại nhưng chỉ có con người biết yêu thương và đồng cảm với các giống loài khác, biết rung cảm trước những giá trị vô hình, như rơi nước mắt khi xem một bức tranh…

Như vậy, một đứa trẻ thiếu vắng lòng trắc ẩn, vô cảm và mất niềm tin trước những điều tốt đẹp, chỉ chú tâm vào công nghệ bày ra trước mắt, thì khó mà “thành người” 
đúng nghĩa. 

Người lớn tự dạy mình trước

Một môi trường giáo dục hoàn chỉnh của trẻ phải có sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, giáo dục nhân tính cũng cần cả ba “chân kiềng” này. Tuy nhiên, xã hội hiện nay khó là môi trường hữu ích để giáo dục nhân tính, vậy nên chỉ có thể hy vọng ở gia đình và nhà trường. Vấn đề là cha mẹ, thầy cô sẽ dạy nhân tính cho trẻ bằng cách nào.

Rõ ràng, nhân tính không phải là phép cộng hay công thức toán học chỉ cần ghi nhớ. Nhân tính cũng không phải là bài học về tự nhiên - xã hội chỉ cần học thuộc lòng. Nhân tính mà chỉ rao giảng một cách khô khan thậm chí còn tạo ra tác dụng ngược. 

“Không có bài học nào hiệu quả bằng thực tế. Cả cha mẹ và thầy tự dạy chính mình, đó là cách để gợi cho học trò cách tự dạy bản thân mình”, ông Giản Tư trung nói. Bởi vì, trong thời đại khuyến khích sự tự do, cha mẹ không thể áp đặt các chuẩn giá trị lên con cái, mà phải để các bạn trẻ tự quyết định chuẩn cho mình.

Để con cái không bị lệch chuẩn, không cách nào khác hơn là cha mẹ sống đúng với những giá trị chuẩn mực, với cái đầu sáng và trái tim ấm. Lớn lên trong một gia đình có gia đạo như thế, đứa trẻ sẽ cảm thấy đủ đầy yêu thương và niềm tự hào, khó ai có thể phản bội niềm tin, giá trị đó. Nhà trường cũng không cần dành quá nhiều thời gian cho trẻ học thuộc lòng các bài giảng về nhân tính.

Quan trọng hơn cả là thầy cô luôn là tấm gương sáng về đạo đức, chính trực, công bằng, yêu thương cũng như lòng trắc ẩn. Đứa trẻ được giáo dục trong môi trường như thế khó mà thiếu nhân tính được.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI