Thượng viện Mỹ ra nghị quyết về Biển Đông: Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc

14/07/2016 - 11:24

PNO - Ngày 10/7, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông, trong đó yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014.

Nghị quyết S.RES.412 được thông qua dưới sự bảo trợ của một số thượng nghị sỹ có ảnh hưởng như Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy; Thượng nghị sỹ John McCain; Thượng nghị sỹ Robert Menendez; Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Benjamin Cardin; Thượng nghị sỹ James Risch; Thượng nghị sỹ Marco Rubio; Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein và Thượng nghị sỹ John Cronyn.

Nghị quyết khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và không phận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.

Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của tuyến hàng hải qua Biển Đông, cho rằng việc gia tăng các hoạt động tuần tra và đưa ra các quy định đối với các vùng biển và không phận có tranh chấp ở Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng cũng như nguy cơ đối đầu.

Nghị quyết S.RES.412 liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Nghị quyết cho rằng các yêu sách lãnh thổ và hành động trên đây của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS và là một hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.

Nghị quyết cũng lên án việc cưỡng chế, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực gây cản trở các hoạt động hàng hải, hối thúc chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các lực lượng ra khỏi các vị trí hiện nay, ngay lập tức trả mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1/5/2014.

Nghị quyết ủng hộ quyền tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông; tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc với ASEAN năm 2002; ủng hộ việc các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ.

Nghị quyết cũng kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình hoặc làm gia tăng khả năng xung đột, bao gồm cả việc đưa người ra những đảo, bãi đá, bãi cát ngầm hiện không có người ở; ủng hộ việc các bên liên quan thông qua các biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế với tinh thần xây dựng; khuyến khích và ủng hộ các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hòa bình; phản đối việc cưỡng bức, hù dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Nghị quyết là một sự tái khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ các nước trong khu vực đảm bảo cường thịnh và độc lập, vì hoà bình và ổn định của khu vực; mở rộng và làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh và văn hoá với ASEAN và các quốc gia thành viên; ủng hộ tự do hàng hải, việc duy trì hoà bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả những giải pháp hoà bình đối với các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Liên quan đến căng thẳng ở biển Hoa Đông, Nghị quyết S.RES.412 chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển này từ ngày 23/11/2013, coi đây là hành động vi phạm công ước về hàng không dân dụng, gây căng thẳng quan hệ với các nước trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thuong vien My ra nghi quyet ve Bien Dong: My se cung ran hon voi Trung Quoc
Với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông - Ảnh: Daily

Lo ngại cấp bách

Đây không phải là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt và cấp bách đối với an ninh trong tuyến đường biển sôi động hàng đầu thế giới này.

Trước đó, ngày 29/7/2013, Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 167 kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông ngay sau khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông, bồi lấp đảo nhân tạo trái phép.

Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bảo trợ thúc giục các nước có tuyên bố chủ quyền tại hai vùng biển này nhanh chóng hình thành và thông qua một bộ quy tắc ứng xử để tránh xung đột.

Nghị quyết 167 cũng đã dẫn ra nhiều vụ việc nguy hiểm liên quan đến các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong số này có vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam, việc Bắc Kinh phát hành bản đồ chính thức xác nhận chủ quyền theo đường lưỡi bò 9 đoạn ở Biển Đông và thành lập trái phép cái gọi là thành phố Tam Sa trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chính quyền Mỹ đã đưa ra những tuyên bố thẳng thắn, đã liệt kê rõ ràng hàng loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh trả lại nguyên trạng cho vùng biển này.

Chính quyền Obama đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, dừng các hoạt động trái phép ở Biển Đông và thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) công bố phán quyết bác bỏ cơ sở tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Trong tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ "hy vọng và mong muốn" các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên. Washington đồng thời hối thúc "tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích" sau khi PCA ra phán quyết này.

Cùng ngày, ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã hoan nghênh phán quyết của PCA đồng thời nhấn mạnh vùng biển này có ý nghĩa “then chốt” đối với nền kinh tế Mỹ.

Trong tuyên bố, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã hối thúc tất cả các bên tôn trọng phán quyết của PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông.

Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain và Thượng nghị sĩ Dan Sullivan đã ra tuyên bố chung hoan nghênh phán quyết này, đồng thời khuyến khích các bên có tranh chấp ở Biển Đông nỗ lực giải quyết khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế và đàm phán.

Những động thái trên đã phản ánh một sự lo ngại cấp bách của Mỹ đối với những hành vi coi thường luật pháp quốc tế, đe dọa tự do hàng hải và an ninh khu vực của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ đang dần thay đổi chiến lược

Trong một hội nghị gần đây tại Washington, các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ( CSIS ) đã bày tỏ tin tưởng rằng không nên ảo tưởng Bắc Kinh sẽ chế ngự tham vọng của mình ở Biển Đông trong ngắn hạn.

Trong tháng 5, các quan chức Trung Quốc đã điều một giàn khoan dầu tới vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, xua đuổi và tấn công các tàu cá của ngư dân Việt Nam ngay trong EEZ.

"Đây là một cấp độ mới của sự quyết đoán của Trung Quốc", tờ Euro News ngày 11/7 dẫn lời ông Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cho biết.

Trước lo ngại này, nhiều quan chức Mỹ, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers đã kêu gọi Mỹ thay đổi chiến lược sau khi cho rằng các chiến lược ngoại giao của Washington đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đến nay không hiệu quả, đối đầu tại biển Đông càng kéo dài, xung đột vũ trang càng dễ xảy ra.

Ông hối thúc Chính phủ Mỹ có thái độ trực tiếp hơn, mạnh mẽ hơn về ngoại giao với Trung Quốc và cần tiếp sức cho các bạn bè, đồng minh của Mỹ ở Châu Á, "để Trung Quốc hiểu rằng họ không nên nghi ngờ về quyết tâm của người Mỹ khi đề cập vấn đề tự do hàng hải, tự do giao dịch và thương mại ở biển Đông”. 

Patrick Cronin, Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ ( CNA ) cho biết, Washington và các đồng minh cần phải có phản ứng quyết đoán hơn đối với các hành vi sai trái của Trung Quốc.

"Chúng ta phải làm cho các lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng sự thay đổi đơn phương và các quy tắc của lực lượng này là không thể chấp nhận được", Cronin cho biết. Do đó, việc tăng cường hợp tác khu vực giữa các đối tác Mỹ như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia và những quốc gia khác là điều cốt yếu, ông nói thêm.

Theo ý tưởng của ông Cronin, Mỹ và các đối tác có thể dùng đòn bẩy kinh tế để chống lại những nỗ lực của Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình như là đòn bẩy để o ép các nước láng giềng nhỏ hơn và bá quyền ở Biển Đông.

Lối hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc và những lời kêu gọi thái độ cứng rắn hơn trong nội bộ Washington về vấn đề biển Đông đã có tác động đến chính sách của chính quyền Mỹ. Sự thay đổi này đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra.

Trong thời gian gần đây, Mỹ đã phát triển các chiến thuật quân sự mới ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Các chiến thuật này bao gồm tăng cường sử dụng máy bay giám sát, tăng cường hoạt động tuần tra gần khu vực tranh chấp, thậm chí có thể triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ ở biển Đông, sử dụng tàu hộ tống do Mỹ đứng đầu để hộ tống ngư dân Philippines và các nước khác trong khu vực ra vùng biển mà họ hay bị Trung Quốc đánh đuổi, thúc đẩy trao đổi thông tin tình báo với các đối tác trong khu vực…

Cuối tháng 6, ngay trước khi PCA ra phán quyết, Mỹ điều 2 cụm tàu sân bay đến tập trận ngay sát Biển Đông. Cụm tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan đã tiến sát Biển Đông và tập trận với 12 ngàn thủy thủ, 140 máy bay và 6 chiến hạm hộ tống, Hạm đội Thái Bình Dương cho biết. Địa điểm tập trận của 2 tàu sân bay Mỹ là ở Biển Philippines nằm ở phía Đông quốc gia này, không tiếp giáp trực tiếp nhưng rất gần Biển Đông.

Thuong vien My ra nghi quyet ve Bien Dong: My se cung ran hon voi Trung Quoc
Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các nước trong khu vực sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp - Ảnh: Internet

Tờ Guardian Anh tiết lộ, vài tuần gần đây ít nhất có 3 tàu khu trục Mỹ đã đến tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, nhưng đều hoạt động ở vùng biển cách đảo khoảng 14 - 20 hải lý.

Không chỉ có tàu chiến, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Quân đội Mỹ cũng thường xuyên bay đến khu vực bãi cạn Scarborough để "giám sát các động thái trong khu vực".

Gần đây, Mỹ đã tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực gồm Philippines, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Indonesia để củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực.

Các chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tin rằng chiến lược của Mỹ đối với biển Đông sẽ tiếp tục được thay đổi để đối phó với những căng thẳng gia tăng trong tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là những hành động được xem là không mang lại lợi ích gì và gây mất ổn định của Trung Quốc.

Chiến lược này bao gồm cả nhằm thuyết phục Trung Quốc rằng cách đe dọa láng giềng và nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông là thất sách.

Mỹ cũng sẽ tiếp tục ủng hộ các nước trong khu vực sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp; tăng cường khả năng phòng vệ cho các đồng minh; điều máy bay trinh sát tới biển Hoa Đông và biển Đông nhằm bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

AP cho rằng các động thái quân sự dồn dập của Mỹ và sự thẳng thắn, mạnh mẽ trong các tuyên bố về ngoại giao cho thấy Mỹ đã lựa chọn lập trường hành động không nhượng bộ, thể hiện với cộng đồng quốc tế về vai trò ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hoàng Long (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI