Thực phẩm “nhà làm” lại chiếm sóng mạng xã hội

24/07/2025 - 06:39

PNO - Từ ngày 1/7, các sàn thương mại điện tử kiểm soát kỹ tính pháp lý của hàng hóa, loại bỏ các mặt hàng không rõ nguồn gốc. Không còn đất sống trên sàn, các sản phẩm trôi nổi này ùn ùn trở lại các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook.

2 năm trước, chị Mai Như (tỉnh Đồng Nai) bắt đầu làm bánh bao và bánh gạo lứt để bán trực tuyến (online) qua mạng. Chị không đăng ký kinh doanh mà tự mua nồi hấp, máy ép, chày cán bột để làm bánh tại nhà rồi lên mạng xã hội rao bán. Sau ngày 1/7/2025, số người bán thực phẩm trên mạng Zalo, Facebook như chị Mai Như càng lúc càng đông do tràn sang từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Sau khi bị siết chặt quản lý (từ ngày 1/7) trên các sàn thương mại điện tử, thực phẩm nhà làm xuất hiện nhiều hơn trên các hội, nhóm Facebook, Zalo...
Sau khi bị siết chặt quản lý (từ ngày 1/7) trên các sàn thương mại điện tử, thực phẩm nhà làm xuất hiện nhiều hơn trên các hội, nhóm Facebook, Zalo...

Đại diện sàn TMĐT Lazada Việt Nam thông tin, sàn chỉ chấp nhận các chủ gian hàng (shop) cung cấp giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế. Sàn này đã tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm” do Sở Công Thương TPHCM triển khai, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa lưu thông trên nền tảng số. Khi tham gia chương trình, Lazada phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát gian hàng, xử lý phản ánh của người tiêu dùng, công khai các tiêu chí truy xuất nguồn gốc và điều kiện kinh doanh. Sàn cũng áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để sàng lọc sản phẩm vi phạm và triển khai chính sách đồng kiểm, hoàn trả minh bạch để bảo vệ quyền lợi người mua.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Công ty cổ phần Công nghệ Haravan (chuyên cung cấp giải pháp phát triển TMĐT) - cho biết, khoảng 10% gian hàng rút khỏi các sàn TMĐT, chủ yếu là các shop kinh doanh thực phẩm. Từ đó, một lượng lớn hàng “nhà làm” chuyển sang mạng xã hội - nơi không kiểm duyệt gắt gao tính pháp lý của hàng hóa.

Trong nhóm “Chợ dân cư Thanh Đa, phường Bình Quới, TPHCM” có hơn 63.000 thành viên trên Facebook, mỗi ngày, có hàng chục bài rao bán thực phẩm “nhà làm” như chả lụa, chân gà ngâm, mắm cà, giò thủ, bánh lọt, sữa hạt… mà hầu hết không có nhãn mác ghi hạn sử dụng hay thông tin kiểm định. Trong nhóm này, tài khoản H.N.H. thường xuyên rao bán giò bò, chả giò, bánh ít… với số lượng lớn, hình ảnh bắt mắt nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy độ an toàn hay nguồn gốc hàng hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - thực phẩm “nhà làm” có ưu điểm là tươi, ít sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi nhưng không hẳn an toàn cho sức khỏe người dùng. Lý do là các sản phẩm này được làm tại nhà - nơi không đảm bảo điều kiện vệ sinh: mặt bằng chật hẹp, gần nhà vệ sinh; người trực tiếp chế biến không qua đào tạo, không có đủ trang thiết bị, dụng cụ cần thiết như mũ che tóc, bao tay, dao, thớt, thau, rổ dùng riêng cho thực phẩm sống và chín. Một số chủ hộ vẫn dùng hàn the (chất bị cấm dùng trong chế biến thực phẩm) khi làm chả lụa, có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc gây hại cho sức khỏe về lâu dài. “Đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng bị ngộ độc vì ăn bánh mì từ các bếp nhà. Không ai kiểm định, nên cũng không ai biết thực phẩm đó sạch hay không” - bà dẫn chứng.

Ở các xưởng sản xuất thực phẩm của các công ty, mọi quy trình đều phải được kiểm soát nghiêm ngặt: khu nguyên liệu không được lẫn với khu chế biến; công nhân phải thay đồ bảo hộ, đội mũ, đeo găng tay, sát khuẩn tay, đi ủng và lội qua hồ nước khử trùng trước khi vào khu chế biến; dụng cụ phải được vệ sinh, sát trùng trước và sau mỗi ca làm việc; hệ thống thiết bị như tủ lạnh, nồi hơi đều đảm bảo nhiệt độ, điều kiện vận hành chuẩn. Thực phẩm “nhà làm” cũng cần được sản xuất trong điều kiện tương tự.

Ngọc Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI