Đề xuất mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa hợp lý

23/07/2025 - 06:00

PNO - Bộ Tài chính vừa soạn xong dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân, dự kiến áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026. Bộ đang gửi dự thảo này cho các bộ, ngành liên quan góp ý.

Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 13,3 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc lên 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án 2 là nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng.

Giá cả hàng thiết yếu tăng liên tục nhiều năm qua. Vì vậy mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế nên từ 18-20 triệu đồng/tháng, nên có chính sách linh hoạt hơn cho người phụ thuộc - ẢNH: THANH HOA (chụp tại Aeon Mall Bình Tân)
Giá cả hàng thiết yếu tăng liên tục nhiều năm qua. Vì vậy mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế nên từ 18-20 triệu đồng/tháng, nên có chính sách linh hoạt hơn cho người phụ thuộc - ẢNH: THANH HOA (chụp tại Aeon Mall Bình Tân)

Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - phân tích những bất cập trong việc xác định mức giảm trừ gia cảnh. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 752 mặt hàng như phương án 1 là không phù hợp. Theo ông, trên thực tế, người lao động chỉ tiêu dùng trung bình dưới 30 mặt hàng thiết yếu, trong khi CPI lại được tính dựa trên nhiều mặt hàng có giá bình ổn, chủ yếu để phục vụ cho việc thống kê ở tầm vĩ mô, không phản ánh đúng thực tế chi tiêu của người dân. Do đó, việc điều chỉnh dựa trên CPI là không hợp lý. Phương án 2 dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hợp lý hơn bởi GDP phản ánh sự phát triển kinh tế chung.

Tuy nhiên, ông cho rằng, cả 2 phương án trên đều chưa thực sự phù hợp. Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại chưa đáp ứng được mức sống thực tế của người lao động do chi phí sinh hoạt hằng ngày liên tục tăng cao. Ông đề xuất, để phù hợp với bối cảnh hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh phải 18 hoặc 20 triệu đồng/người/tháng. Mức 15 triệu đồng/tháng vẫn chưa đủ để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt khi mức này được tính toán dựa trên số liệu của năm 2025 nhưng lại dự kiến áp dụng cho năm 2026.

Luật sư Trần Xoa cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị quyết. Ông cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên họp và quyết định vấn đề này ngay trong tháng 8/2025 thay vì chờ đến kỳ họp vào tháng 10/2025. Mức giảm trừ gia cảnh mới nên được áp dụng cho cả năm 2025 chứ không chỉ từ năm 2026. Việc áp dụng sớm sẽ giúp người lao động giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. “Nhà nước đã ban hành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp. Trong khi đó, người lao động lại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng, không được giảm thuế hay gia hạn nộp thuế giữa lúc giá cả sinh hoạt vẫn tăng cao” - ông nói.

Tiến sĩ Phan Phương Nam - Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM - cho rằng, trước đây, khi mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm (khoảng 8,3 triệu đồng/tháng) được miễn thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, theo Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024, ngưỡng doanh thu miễn thuế cho hộ kinh doanh được nâng lên 200 triệu đồng/năm. Nếu ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng cho hộ kinh doanh đã tăng gấp đôi thì mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân cũng cần tăng theo tỉ lệ tương ứng.

Tức là, mức giảm trừ gia cảnh lẽ ra phải tăng từ 9 triệu đồng lên khoảng 18-20 triệu đồng mới hợp lý và tương xứng hơn với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như chi phí sinh hoạt. Mức đề xuất hiện tại là 13,3 triệu đồng hoặc 15,5 triệu đồng/tháng vẫn còn khá thấp.

Để tránh bàn bạc, tính toán lại thường xuyên, tiến sĩ Phan Phương Nam đề xuất sử dụng công thức tính mức giảm trừ gia cảnh cố định dựa trên mức lương cơ sở. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh nên nhiều gấp một số lần nhất định của mức lương cơ sở (ví dụ 6 hoặc 7 lần). Khi mức lương cơ sở thay đổi, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được tự động điều chỉnh theo, giúp quy trình trở nên nhất quán và hiệu quả hơn, tránh tranh cãi và ban hành nghị quyết riêng biệt cho từng lần điều chỉnh. Hiện tại, với mức lương cơ sở chung 2,34 triệu đồng, nếu nhân với 7 lần sẽ cho ra mức giảm trừ gia cảnh khoảng 16,38-16,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng 18-20 triệu đồng là con số phù hợp hơn với thực tế.

Ông cũng đề xuất có quy định linh hoạt hơn về người phụ thuộc: “Nhà nước nên xem xét hỗ trợ một phần chi phí y tế cho người phụ thuộc mắc bệnh hiểm nghèo. Những chi phí này thường rất lớn, tạo gánh nặng tài chính đáng kể cho người lao động. Việc hỗ trợ sẽ giúp đảm bảo công bằng, giảm bớt khó khăn cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI