Cách tính thuế thu nhập cá nhân mới theo đề xuất của Bộ Tài chính

21/07/2025 - 13:20

PNO - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị quyết), dự kiến áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.

Theo dự thảo, có hai phương án đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) so với quy định hiện hành tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14.

Phương án 1:

Mức giảm trừ đối với người nộp thuế: 13,3 triệu đồng/tháng (tương đương 159,6 triệu đồng/năm).

Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc: 5,3 triệu đồng/tháng.

Phương án 2:

Mức giảm trừ đối với người nộp thuế: 15,5 triệu đồng/tháng (tương đương 186 triệu đồng/năm).

Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc: 6,2 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức GTGC đang áp dụng là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc. Điều này cho thấy, cả hai phương án đề xuất đều đưa ra mức tăng đáng kể, kỳ vọng giảm bớt áp lực tài chính cho người dân.

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế nếu được thông qua sẽ tăng 11 triệu đồng/tháng lên từ 13,3 - 15,5 triệu đồng/tháng - Ảnh: Thanh Hoa
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế nếu được thông qua sẽ tăng 11 triệu đồng/tháng lên từ 13,3 - 15,5 triệu đồng/tháng - Ảnh: Thanh Hoa

Dự thảo Nghị quyết này, nếu được thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế bắt đầu từ năm 2026.

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc điều chỉnh mức GTGC được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng và các chuyên gia.

Một số ý kiến cho rằng mức GTGC hiện hành vẫn còn thấp, chưa phản ánh đúng mức sống và chi phí sinh hoạt thực tế, đặc biệt tại các đô thị lớn. Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng mức hiện tại là hợp lý khi so sánh với mặt bằng thu nhập chung, và nhiều người lao động vẫn chưa đạt đến ngưỡng phải nộp thuế.

Cũng có ý kiến đề xuất rằng mức GTGC nên được quy định theo mức lương tối thiểu vùng hoặc phân biệt theo địa bàn sống (đô thị/nông thôn) do sự khác biệt về chi phí. Tuy nhiên, Tờ trình dự thảo nhấn mạnh rằng pháp luật về thuế TNCN ở Việt Nam, tương tự như hầu hết các quốc gia khác, quy định một mức GTGC chung, áp dụng thống nhất cho mọi đối tượng, không phân biệt địa bàn hay thu nhập.

Đối với các cá nhân làm việc tại địa bàn khó khăn, Luật Thuế TNCN đã có các quy định hỗ trợ như không tính vào thu nhập chịu thuế các khoản trợ cấp khu vực, trợ cấp thu hút, trợ cấp chuyển vùng. Ngoài ra, pháp luật cũng có chính sách giảm thuế cho các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hay bệnh hiểm nghèo.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước đều có quy định về mức giảm trừ TNCN với các hình thức khác nhau, chủ yếu tập trung vào ba nhóm: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế, giảm trừ cho người phụ thuộc (con cái, vợ/chồng, cha mẹ), và các khoản giảm trừ đặc thù như chi phí y tế, giáo dục. Điều này cho thấy đề xuất điều chỉnh mức GTGC của Việt Nam phù hợp với thông lệ chung toàn cầu.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI