80.000 cửa hàng rút khỏi sàn thương mại điện tử trong 6 tháng

25/07/2025 - 06:49

PNO - Nửa đầu năm 2025, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến một xu hướng đáng chú ý: số lượng cửa hàng (shop) phát sinh đơn hàng sụt giảm mạnh.

Theo số liệu từ Metric.vn (nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử tại Việt Nam), lượng cửa hàng bán được hàng trên các sàn thương mại điện tử đã giảm hơn 80.000 shop so với cùng kỳ năm 2024, và giảm hơn 55.000 shop so với nửa cuối năm 2024.

Dù số lượng shop giảm, báo cáo của Metric.vn cũng chỉ ra một điểm sáng: nhà bán hàng chính hãng (shop mall) đang dần chiếm ưu thế và đóng góp doanh thu vượt trội. Đơn cử, trên Shopee và TikTok Shop, tỉ trọng shop mall chỉ chiếm 3,4% trong tổng số shop, nhưng lại đóng góp gần 29% tổng doanh số của hai nền tảng này.

Hàng chục ngàn cửa hàng không bán được sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh: Thanh Hoa
Hàng chục ngàn cửa hàng không bán được sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh: Thanh Hoa

Đại diện Metric.vn nhận định: "Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh về các thương hiệu uy tín. Điều này phản ánh tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe và đề cao sự an tâm khi mua sắm trong bối cảnh hàng hóa kém chất lượng tràn lan”.

Trong tổng doanh thu các ngành hàng, làm đẹp dẫn đầu với gần 36 tỉ đồng, theo sau là nhà cửa đời sống (xấp xỉ 26,9 tỉ đồng) và thời trang nữ (26,7 tỉ đồng). Các vị trí tiếp theo thuộc về bách hóa – thực phẩm, thời trang nam, điện gia dụng, mẹ - bé…

Tuy nhiên, nếu xét về sản lượng hàng bán ra, ngành nhà cửa - đời sống lại dẫn đầu với 365 triệu sản phẩm được tiêu thụ. Tiếp đến là làm đẹp (gần 286 triệu sản phẩm), bách hóa - thực phẩm (135 triệu sản phẩm) và phụ kiện thời trang (118 triệu sản phẩm).

So với cùng kỳ năm trước, các thương hiệu Việt đang dần khẳng định lợi thế sân nhà khi liên tục lọt vào nhóm 5 thương hiệu/nhà bán hàng có doanh số cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như thời trang nam và nữ có các thương hiệu như Coolmate, Julido, Ecochic, Sixdo... Thực phẩm bách hóa có các thương hiệu như Ăn cùng Bà Tuyết, TH true milk, Vinamilk. Nhà cửa - đời sống thì có thương hiệu Topgia.

Về khả năng chi tiêu của người dân trong nửa đầu năm 2025, Metric.vn cho biết giá bình dân chiếm ưu thế. Cụ thể, các sản phẩm có giá từ 100.000 - 200.000 đồng dẫn đầu về cả doanh số và sản lượng, chiếm hơn 26% thị phần phân khúc giá trên 4 sàn thương mại điện tử. Phân khúc 200.000 – 500.000 đồng đứng thứ hai với 16,5%. Ngược lại, phân khúc trên 1 triệu đồng giảm thị phần so với cùng kỳ, từ 16,3% xuống còn hơn 15%.

Sự dịch chuyển này là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang thận trọng hơn trong chi tiêu, ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng và hợp lý. Xu hướng này thể hiện rõ nét nhất ở các ngành hàng phổ biến như thời trang, gia dụng, và mẹ và bé.

Tổng quan chung, chỉ với 4 sàn Shopee, Tiki, Lazada và TikTok Shop đã thu về hơn 202.000 tỉ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng hàng hóa bán ra đạt gần 1924 triệu sản phẩm, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI