Thức cùng Hà Nội: Nhắc nhau “đừng hoảng sợ, mọi thứ sẽ ổn thôi”

07/03/2020 - 19:26

PNO - Mạng xã hội hiếm khi là nơi bày tỏ sự đồng tình một cách đồng bộ. Đó là không gian của cá nhân, của sự bày tỏ phần nào tự do, “mỗi người một phách”. Nhưng riêng sáng nay, sau một đêm bàng hoàng vì “tưởng sắp yên bình lại xuất hiện ca 17”, mọi sự hồi tỉnh của cộng đồng đều dịch chuyển về hướng tràn đầy tin tưởng.

“Thức cùng Hà Nội” có lẽ là từ được dùng nhiều nhất trên mạng xã hội từ đêm qua (6/3), khi ca bệnh thứ 17 nhiễm COVID-19 của Việt Nam được phát hiện tại Hà Nội. Nhưng, như cũng “ngủ thiếp đi” vào gần sáng, đến khi thức giấc, mạng xã hội sáng nay (7/3) lại như được phủ lên bởi những lời kêu gọi bình tĩnh, những phân tích tỉnh táo mà đầy lạc quan, và những niềm tin cá nhân nhưng lại “đồng bộ” một cách thú vị.

Lo lắng, tích trữ hàng hóa không phải là cách chống dịch

Mới đầu ngày, hình ảnh người dân đi siêu thị mua trữ thức ăn được lan truyền chóng mặt trên mạng, nhưng với nội dung… phê phán. Từ bài viết cho đến bình luận, cộng đồng đều đồng thanh kêu gọi nhau “ngưng trữ thức ăn”. Nhiều bạn đọc cùng đưa ra viễn cảnh mà chính sự tích trữ không cần thiết sẽ gây “khan hiếm hàng hóa cục bộ”. 

Facebooker Hong Hanh chia sẻ: “Nhà mình sát bên chợ, mọi người vẫn mua bán bình thường. Mình nghĩ cứ bình tĩnh, và giữ vệ sinh kỹ lưỡng. Mọi việc sẽ ổn thôi”.  Trước thông tin kêu gọi ngưng trữ thức ăn, Facebooker Liên Trần lạc quan: “Có lẽ mới nghe tin thì mọi người hơi hoảng loạn xíu thôi. Mình tin là các bạn ngoài Hà Nội sẽ tự cách ly bằng chiến lược riêng để khoanh vùng dịch sớm. Không ai giỏi bằng chị em nội trợ xứ mình cả. Nhanh thôi, Hà Nội sẽ sớm bình an”.

Được các mẹ bỉm sữa gọi là “bác sĩ quốc dân”, TS.BS. Lê Văn Hiền (Phòng khám sản - phụ khoa Hiền Đức) cũng nhanh chóng chỉ ra những khía cạnh lạc quan của vấn đề. Ông gửi đến cộng đồng theo dõi mình lời khuyên: “đừng quá hoang mang và thức trắng đêm vì điều đó không giúp được gì mà còn làm sức đề kháng của các bạn yếu đi dễ mắc bệnh hơn. Hãy tiếp tục phát huy các biện pháp phòng bệnh như thời gian qua chúng ta đã làm. Hạn chế tối đa tụ tập chỗ đông người. Bình tĩnh tự tin phòng chống dịch.”

Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng đưa ra những phân tích tỉnh táo, kêu gọi sự bình tĩnh, lạc quan...
Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng đưa ra những phân tích tỉnh táo, kêu gọi sự bình tĩnh, lạc quan...

Là một Facebooker có hàng chục ngàn lượt theo dõi, Nguyen Pham Khanh Van chia sẻ: “Mọi người cứ bình tĩnh làm theo chỉ đạo nhé! Đừng hoang mang quá, chúng ta sẽ vượt qua!”. Trong một chia sẻ chi tiết hơn, chị viết: “Mọi người cứ tuân theo các chỉ đạo chờ bước tiếp theo. Giữa đám cháy, càng hoảng loạn càng chết, cứ từ từ trật tự sẽ xử lý được thôi! Đừng di tản mang dịch đi muôn nơi. Đừng hoảng loạn giành đồ tích trữ, lao ra siêu thị đông người chen nhau bẹp ruột, cần gì nhắn chị em bán hàng online mang tới nhà cho khoẻ. Nước ta là nước nông nghiệp, Việt Nam xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới, chỉ cần có gạo mắm là ta sống được, hết gạo ta ăn bún mì phở. Rau củ quả đầy chợ kia kìa, không lo đâu!”

Tin vào “trụ cột” và hệ thống y tế công cộng nước nhà

Từ 23g đêm qua, từng nhịp thông tin từ cuộc họp khẩn tại Hà Nội đều lần lượt được công bố. Đây có lẽ là một trong những lần ít ỏi mà báo mạng lại tiếp nhận một lượng người xem bất thường vào ban đêm. Cả bạn đọc lẫn nhà báo đều thức. Từ dòng tin “Hà Nội họp khẩn”, cho đến việc xác nhận có ca dương tính COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội, rồi khi kim đồng hồ dịch dần sang ngày mới, các trang báo chính thống lại đồng loạt cung cấp lịch sử dịch tễ cùng danh sách ban đầu những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. 

Cái nín thở ban đầu dần chuyển thành một cái thở phào vì mọi thông tin cần biết đều đã tường minh. Lúc này, Facebooker Hien To viết trên trang cá nhân: “Sự việc về ca 17 lần này cho thấy Việt Nam không hề giấu dịch!”.  Facebooker Huong Tran viết: “Về bệnh dịch, em chưa thấy ở đâu mà thông tin lan nhanh và rõ như ở Việt Nam. Khắp nơi mọi người đều quan tâm. Với hệ thống quản lý hộ khẩu như hiện nay thì không ai có thể giấu được nếu có triệu chứng bệnh”“Việt Nam mình đã làm rất tốt đó, tốt hơn nhiều lần so những nước phát triển. Tôi tin mọi việc sẽ tốt đẹp với Việt Nam”, Facebooker Binh Dang bày tỏ.

Facebooker Dang To Nga cho rằng hệ thống quản lý ở Việt Nam rất có ích cho việc kiểm soát dịch. Cô phân tích: “Quận chia làm nhiều phường, trong một phường lại chia ra tổ dân phố, trong tổ nắm rõ từng người, rất dễ phát hiện có ai đó bị cúm”. Facebooker Bich Van Phan cũng viết: “Mình nghĩ nên để mọi người tập trung vào các trang chia sẻ thông tin chính thống. Khi cá nhân đang hoảng thì đừng share thêm thông tin gây hoảng loạn cho người khác nữa. Ngoài ra chia sẻ những cách tích cực để vượt qua lúc này. Động viên nhau thêm nghị lực chứ đã hoảng càng thêm hoảng là như hại nhau. Phải dựa vào trụ cột!”

“Trụ cột” trong lời chia sẻ của Bich Van Phan chính là hệ thống chống dịch của nhà nước. Dù bất ngờ, lo lắng, nhưng câu nói được bật ra vẫn là câu nói động viên, khích lệ, tri ân, và đầy niềm tin tưởng. Trả lời một bình luận của người theo dõi, Facebooker Nguyen Pham Khanh Van viết: “Thật ra cứ sống theo chỉ đạo là an tâm thôi vì tớ biết chính quyền đã lường việc này rồi”.

Trên mạng xã hội, chúng tôi - những “cư dân mạng” dù ở đất nước nào cũng là một cái tên mang cả một phức hợp phẩm chất, trong đó có cả “bầy đàn”, “xốc nổi”, “drama” và… ưa kịch tính. Nhưng lần này, giữa một pha “bật ngửa” giữa mùa dịch, những tiếng nói riêng lẻ của cư dân mạng lại bất ngờ.... đồng bộ. Họ cùng kêu gọi “hãy bình tĩnh”, “hãy vì cộng đồng”, “hãy tin vào cơ quan chức năng”, “tin vào Việt Nam”. Họ cùng khẳng định “Việt Nam đang làm rất tốt” - dù sự thật ấy không giúp ích cho việc câu view, câu like như những đồn đoán giật gân mà người ta hay thấy trên cõi mạng.

Vậy mới thấy, cả trên thế giới của sự giải khuây, của “cà khịa”, “sống ảo” vẫn có những lúc đầy nghiêm túc, trách nhiệm và thật lòng. Vậy mới thấy, giữa sự tận lực, minh bạch của “trụ cột” và niềm trông đợi của người dân luôn có một phép kết nối vô hình - mà không cần một lời kêu gọi, tuyên truyền nào. Giá trị của sự nhiệt thành và minh bạch, chính là niềm tin vô giá. Sự nỗ lực căng mình của chính quyền cả trong chống dịch lẫn cung cấp thông tin, đã làm vọng lại những hồi âm tích cực của người dân, mà nơi thể hiện rõ rệt trước nhất không đâu khác là mạng xã hội. 

Trưa nay, một bạn đọc viết bình luận đùa giỡn rất thường tình dưới đoạn clip quay cảnh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu về dịch bệnh, lập tức nhận những “bày tỏ cảm xúc giận dữ” kèm câu trả lời “Đây không phải lúc để đùa” của những người cũng là cư dân mạng.

Trong một diễn đàn chia sẻ chuyện bếp núc đời thường, giữa khi các chị nội trợ đang bàn về COVID-19 với lăng kính đời thường, Facebooker Thuy Nguyen đăng một tấm hình chụp món ăn mình vừa nấu rồi viết: “Mời các chị em cùng ăn nào. Dù có như thế nào chúng ta hãy lạc quan sống và tin tưởng vào các bác sĩ và các quan chức mình nhé!”

Họ vẫn đang nuôi nhịp sống đời thường, nói những điều có ích và chưa bao giờ tắt niềm tin vào cuộc chiến chống dịch của “Việt Nam mình”.

Thanh Tân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI