Thu phí rác theo cân nặng: Cần có giải pháp phù hợp!

15/05/2025 - 06:36

PNO - Từ ngày 1/6, TPHCM triển khai thu phí rác theo khối lượng, hướng đến sự công bằng với nguyên tắc “ai xả nhiều thì trả nhiều” nhằm thúc đẩy việc phân loại, giảm rác thải và tăng hiệu quả xử lý. Nhưng để quy định đi vào thực tế mà không gặp trở ngại thì cần phải có nhiều giải pháp.

Khó khăn trong cân ký, phân loại

Công nhân thu gom rác đến trạm cân ở huyện Hóc Môn
Công nhân thu gom rác đến trạm cân ở huyện Hóc Môn

UBND TPHCM vừa ban hành quy định về việc phân loại rác tại nguồn và thu phí rác thải dựa trên khối lượng, chính sách này đang thu hút nhiều ý kiến từ phía người dân. Bà Triệu Ngọc Phấn - 68 tuổi, quận Bình Thạnh - chia sẻ: “Tôi nghe nói từ tháng Sáu người dân sẽ phải tự cân rác và trả tiền nên thấy lo. Người lớn tuổi như tôi không quen theo dõi lượng rác thải mỗi ngày, lại còn phải phân loại khá phức tạp”. Bà Phấn cho biết, trước đây gia đình từng phân rác thành 2 nhóm là thực phẩm và tái chế nhưng việc phân loại không hiệu quả do rác thường bị gom chung hoặc bị xáo trộn.

Anh Nguyễn Khánh Hùng - quận Tân Bình - lại lo: “Khi áp dụng trả tiền rác theo quy định mới, nếu các hộ dùng chung thùng rác hay bỏ rác chung một nơi, sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn. Nhưng nếu mỗi nhà có riêng 1 thùng rác thì sẽ mất mỹ quan đô thị. Nếu buộc đưa rác ra ngoài đúng giờ thu gom thì lại gây khó với nhiều người do công việc”.

Chị Phạm Phương Vân - quận Tân Bình - đề xuất phương án thu tiền rác theo giá niêm yết, chuyển vào tài khoản do địa phương quản lý. Đơn vị thu gom có trách nhiệm báo cáo khối lượng rác và được thanh toán theo hợp đồng ký với chính quyền.

Trên thực tế, chất lượng dịch vụ thu gom hiện nay không đồng đều giữa các khu vực, tình trạng thu phí chưa minh bạch vẫn tồn tại. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo - quận Bình Thạnh - cho biết, một số hộ phía sau nhà chị hay “tiện tay vứt rác xuống kênh” để khỏi phải đóng tiền, trong khi mức phí 50.000 đồng/tháng (khoảng 1.600 đồng/ngày) là rất hợp lý.

Bên cạnh việc thu phí, chính quyền cũng đang khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn theo quy định mới. Tuy nhiên, nhiều người dân kiến nghị đơn giản hóa quy trình, chỉ nên phân rác thành 2 nhóm là tái chế và không tái chế, thay vì 3 nhóm như hiện nay để giúp người dân dễ làm quen trong giai đoạn đầu, từ đó tạo nền tảng tiến đến những quy định nghiêm ngặt hơn trong tương lai.

Ai xả rác nhiều thì trả tiền nhiều

Ông Võ Văn Quang - đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Môi trường toàn quốc (quận Bình Tân, TPHCM) - cho biết, trước đây quận Bình Tân từng thử nghiệm thu phí rác qua ứng dụng điện tử nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Theo ông, phí thu gom rác không phải là chi phí thiết yếu như điện, nước, lại thiếu chế tài cụ thể nên tỉ lệ người dân thanh toán qua app rất thấp. Để công tác thu phí vận hành hiệu quả theo quy định mới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và đơn vị thu gom. Ông đề xuất thành lập các nhóm mạng xã hội tại khu phố để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình thanh toán.

Về phân loại rác tại nguồn, ông Võ Văn Quang nhìn nhận, nhiều khu dân cư tại TPHCM có không gian sống chật hẹp, người dân khó bố trí chỗ để 3 loại rác riêng biệt. Mặt khác, các phương tiện thu gom hiện nay chưa thể thu gom đồng thời 3 loại rác. Phần lớn rác tái chế (phế liệu) đã được thu gom từ trước, đơn vị thu gom chủ yếu xử lý rác thực phẩm và rác sinh hoạt. Nếu 2 loại rác này lại bị đổ chung, việc phân loại sẽ không còn ý nghĩa.

Tại các điểm công cộng, tình trạng thiếu thùng rác phân loại cũng khiến người dân buộc phải bỏ rác chung. Theo ông, thành phố cần có hướng dẫn chi tiết cách xử lý từng loại rác, đồng thời đầu tư phương tiện chuyên dụng như xe thu gom rác thực phẩm riêng biệt để đảm bảo hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam - cho rằng, việc áp dụng thu phí rác theo khối lượng là bước tiến phù hợp với xu hướng quản lý chất thải bền vững. Cơ chế này sẽ tạo sự công bằng, hộ nào xả nhiều rác sẽ trả nhiều tiền, qua đó nâng cao ý thức tiết giảm rác, phân loại tại nguồn và bảo vệ môi trường.

Ông đề xuất trang bị hệ thống cân đo rõ ràng tại điểm thu gom hoặc trên xe rác, đồng thời công bố cụ thể mức phí theo từng loại rác để đảm bảo minh bạch. Cũng theo ông, cần có chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom rác, những người trực tiếp chịu áp lực công việc và biến động từ cơ chế mới thông qua việc động viên và hỗ trợ đúng lúc, đúng cách.

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, hướng dẫn người dân phân loại rác. Việc cung cấp tài liệu minh họa trực quan, dễ hiểu, phù hợp với trình độ tiếp cận của cộng đồng là hết sức cần thiết. TPHCM cũng cần đầu tư các phương tiện chuyên biệt để đảm bảo quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thực hiện một cách khoa học, hạn chế mùi hôi và ô nhiễm.

Giáo sư Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho rằng, việc thu phí qua ứng dụng là hướng đi hiện đại và tiện lợi nhưng cần được thí điểm kỹ lưỡng trước khi nhân rộng. Lực lượng thu gom cũng cần được đào tạo bài bản để quy trình không bị gián đoạn.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, Nhà nước sẽ đóng vai trò giám sát, hỗ trợ trách nhiệm chung chứ không trực tiếp can thiệp vào hoạt động thu phí. Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có năng lực. Đơn vị trúng thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thu phí, đồng thời phân bổ nguồn thu hợp lý giữa các khâu trong quá trình vận hành.

Về công tác quản lý, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh vai trò tuyên truyền, giám sát và xử lý vi phạm. Những hộ gia đình xả rác bừa bãi hoặc không thực hiện việc thu gom theo quy định sẽ bị xử phạt nghiêm. Các đơn vị thu gom cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện trang phục, phương tiện và thiết bị làm việc, đồng thời ký kết hợp đồng minh bạch, có thể áp dụng hình thức hợp đồng điện tử để tối ưu quy trình. TPHCM đặt mục tiêu đi đầu trong việc thực hiện mô hình tự thu - tự chi trong công tác quản lý rác thải, hướng đến một đô thị xanh, sạch, đẹp và bền vững.

TPHCM điều chỉnh mức thu tiền rác, khuyến khích phân loại tại nguồn

Từ 1/6, TPHCM chính thức áp dụng quy định mới về mức thu tiền rác, gồm 2 khoản: thu gom và vận chuyển rác, được tính theo khối lượng rác phát sinh từ mỗi hộ gia đình, cá nhân hoặc chủ nguồn thải. Mức thu chia làm 3 nhóm theo từng địa bàn, có sự khác biệt giữa khu vực nội thành và ngoại thành, nhưng sẽ thống nhất trong cùng một đơn vị hành chính.

Theo Quyết định 67/2025, mức giá dịch vụ có thay đổi so với trước. Cụ thể, giá thu gom tại nguồn tăng từ 364 đồng/kg (thủ công) và 166 đồng/kg (cơ giới) lên 452,91-485,97 đồng/kg tùy khu vực. Ngược lại, giá vận chuyển rác được điều chỉnh giảm còn 147,07-180,07 đồng/kg, so với 247 đồng/kg trước đây. Bên cạnh đó, lần đầu tiên TPHCM quy định mức giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt là 420,45 đồng/kg. Tuy nhiên, mức phí xử lý này chỉ áp dụng cho các chủ nguồn thải lớn, hộ gia đình, cá nhân và chủ nguồn thải nhỏ chưa phải thực hiện.

Tất cả mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được tính toán dựa trên lượng rác bình quân đầu người theo quy chuẩn hiện hành.
Quy định mới được triển khai trong giai đoạn TPHCM chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Khi triển khai phân loại đúng quy định, các mức thu sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn theo lượng rác phát sinh thực tế.

Số tiền thu được từ các dịch vụ sẽ nộp vào ngân sách cấp huyện để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Các đơn vị cung ứng dịch vụ sẽ được chi trả thông qua hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn chi phí thu hộ sẽ do các bên thỏa thuận riêng.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI