Thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế - Mừng và lo

05/07/2021 - 07:27

PNO - Từ 1/1/2021 bệnh nhân có bảo hiểm y tế không cần giấy chuyển tuyến vẫn được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú.

Đây là điều được người dân mong đợi từ lâu. Tuy nhiên, trong khi bệnh nhân có tâm lý đổ dồn về bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị cho yên tâm, các chuyên gia lo ngại bệnh viện tuyến trên quá tải. 

Chờ thông tuyến mới đi bệnh viện phẫu thuật

Có mặt tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ 6 giờ sáng, chị N.T.H. (51 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM), chia sẻ chị vốn bị hội chứng ống cổ tay nhiều năm, đã đi khám và được bác sĩ khuyên phẫu thuật. Tuy nhiên, do thẻ bảo hiểm của chị H. đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh nên chị đã hoãn lại, chờ thông tuyến bảo hiểm y tế mới tới Bệnh viện Nhân dân Gia định để khám lại.

Bệnh nhân tới khám rất đông tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định sau khi thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ẢNH: HIẾU NGUYỄN
Bệnh nhân tới khám rất đông tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định sau khi thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế - Ảnh: Hiếu Nguyễn

“Lý do tôi cố chờ tới ngày thông tuyến bảo hiểm y tế là bởi mổ ở bệnh viện tuyến thành phố sẽ yên tâm hơn ở bệnh viện tuyến quận. Trước đó, tôi không xin giấy chuyển tuyến từ Bệnh viện Q.Bình Thạnh sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định vì thủ tục nhiêu khê quá", chị H. chia sẻ sự vui mừng khi chính sách y tế tạo điều kiện thuận lợi cho những người bệnh như chị được điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh. 

Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2021, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc. Dù không có giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến khi điều trị nội trú.

Quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú khi thông tuyến, đối với các nhóm đối tượng gồm: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới sáu tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, dân tộc thiểu số; người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên, có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng…

Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám bảo hiểm y tế trái tuyến sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế còn lại đi khám bảo hiểm y tế trái tuyến sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 80%. 

Theo quan sát của chúng tôi, ngay sau khi quy định này có hiệu lực, lượng bệnh nhân tới Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu TPHCM… tăng đột biến so với ngày thường. Từ 6 giờ sáng, khu vực chờ khám của các bệnh viện này đã đông kín người.

Bệnh nhân tới khám rất đông tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định sau khi thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế - ảnh: hiếu nguyễn
Bệnh nhân tới khám rất đông tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định sau khi thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Bác sĩ Hồ Văn Hân, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết từ đầu tuần tới nay, bệnh viện đã cho xuất viện hơn 1.000 bệnh nhân, trong đó có 47 người thuộc trường hợp trái tuyến đã được đảm bảo quyền lợi như đúng tuyến, theo quy định về thông tuyến của bảo hiểm y tế.

Sẽ có xu hướng chỉ định điều trị nội trú rộng rãi hơn?

Điều đáng nói, quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế chỉ có hiệu lực đối với trường hợp bệnh nhân điều trị nội trú. Do không hiểu rõ, nên thực tế tại các bệnh viện, nhiều bệnh nhân bày tỏ sự thất vọng, hụt hẫng khi biết mình không được bảo hiểm thanh toán 100% khi điều trị ngoại trú trái tuyến. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP.Hà Nội), bà K.T.H. (57 tuổi, ngụ Q.Hà Đông), cho hay bà tới khám viêm đường tiết niệu trái tuyến, tuy nhiên bà được nhân viên y tế tư vấn phải có giấy chuyển tuyến mới được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định. Trước đó, bà chỉ nghĩ rằng, khi đã thông tuyến thì khám chữa bệnh ở đâu cũng được hưởng quyền lợi như nhau.

Bên cạnh đó, việc chỉ thanh toán bảo hiểm y tế đối với các bệnh nhân điều trị nội trú, theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), cũng có thể nảy sinh xu hướng chỉ định điều trị nội trú rộng rãi hơn. Cụ thể, nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhẹ nhưng vẫn điều trị nội trú để được thanh toán bảo hiểm. Điều này không chỉ gây thất thoát, lãng phí mà còn khiến các bệnh viện tuyến tỉnh có thể rơi vào tình trạng quá tải.

Do đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, sau 1 - 2 tháng thực hiện thông tuyến các bệnh viện tỉnh, đơn vị này sẽ có những đánh giá từ thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp. Đồng thời, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng phải rà soát lại số giường, tránh tình trạng kê thêm giường sai quy định khi gia tăng bệnh nhân điều trị nội trú.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, lại khẳng định việc chỉ định nội trú khó có thể “ào ào” như nhiều người lo ngại. “Hiện nay, công tác khám chữa bệnh đều đã được cập nhật trên hệ thống điện tử. Do đó, rất dễ để phát hiện nếu như các bệnh viện lạm dụng chỉ định điều trị nội trú. Bởi đơn vị bảo hiểm y tế có thể nhận thấy các con số chênh lệch giữa các thời điểm trước và sau khi thông tuyến bảo hiểm y tế”, ông Thường nhấn mạnh. 

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), khuyến cáo người dân luôn có tâm lý muốn chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị cho yên tâm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện, cơ sở đã được đầu tư, cải thiện chất lượng; kết hợp với chương trình khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đang được Bộ Y tế triển khai ở hơn 1.000 điểm cầu, người dân không nhất thiết phải lên tuyến trên điều trị, gây ra tình trạng quá tải, đặc biệt là đối với các bệnh viện tại TP.Hà Nội và TPHCM.

Hiếu Nguyễn - Huyền Anh

 

Có thể điều chỉnh những vấn đề gây xáo trộn

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyên gia cố vấn cho ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, cho biết: “Để Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014, nhất là với quy định thông tuyến tỉnh từ ngày 1/1/2021 là cả một quá trình vất vả”. 

Theo ông Tiên, quá trình thông tuyến bắt đầu thực hiện từ thông tuyến huyện vào năm 2016, sau đó thông tuyến tỉnh vào năm 2021. Có thể thông tuyến tỉnh sẽ khiến ngành bảo hiểm không đồng tình vì bị ảnh hưởng đến cân đối thu - chi, khó quản lý quỹ bảo hiểm y tế, tăng tiền chi trả cho bệnh nhân... Tuy nhiên, đây là quy định mang tính nhân văn, để người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật cao ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Đây là cơ hội để người dân được thuận lợi hơn, dễ dàng hơn trong việc điều trị bệnh vì đây là quyền của con người nói chung.

Việc thông tuyến tỉnh cũng có thể tạo áp lực cho cả bệnh viện tuyến cơ sở và bệnh viện tuyến tỉnh. Với bệnh viện tuyến cơ sở, họ phải tìm cách nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi cách đối xử với bệnh nhân, nếu không sẽ không còn ai đến khám. Nếu không có bệnh nhân, bệnh viện tuyến cơ sở sẽ rơi vào tình trạng gay go vì không có thu nhập trả lương cho bác sĩ. Với bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, áp lực tăng lên vì có thể nhiều người dân vượt tuyến để được điều trị nội trú. Vấn đề này, ngành y tế đã có chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố phải tiếp nhận đúng bệnh. 

“Ngoài ra, theo cá nhân tôi, người dân nếu đi khám cũng sẽ phải cân nhắc vì nếu bệnh nhẹ, bệnh thông thường thì ít ai bỏ thời gian để vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh, thành phố. Chỉ những bệnh nhân có nhu cầu thật sự thì họ mới tìm cách điều trị tại bệnh viện tuyến trên. Quy định thông tuyến bảo hiểm y tế cũng có thể được điều chỉnh nếu xuất hiện những vấn đề gây xáo trộn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân. Việc điều chỉnh nếu có sẽ được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi trình Quốc hội vào khoảng tháng 5/2022”, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên cho biết thêm.


Hiếu Hiền (ghi)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI