Sẽ có “trọng tài” giải quyết tranh chấp giữa cơ quan bảo hiểm y tế và bệnh viện?

30/12/2020 - 14:29

PNO - Hội đồng quốc gia về bảo hiểm y tế nếu ra đời sẽ giải quyết được tranh chấp giữa cơ quan bảo hiểm y tế và bệnh viện như trong vấn đề xuất toán, giám định...

 

Hội đồng quốc gia về bảo hiểm y tế sẽ giải quyết được những tranh chấp kéo dài giữa bệnh viện và bảo hiểm y tế
Hội đồng quốc gia về bảo hiểm y tế sẽ giải quyết được những tranh chấp kéo dài giữa bệnh viện và bảo hiểm y tế

Ngày 30/12, tại TPHCM, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Dự thảo đã đưa ra một mô hình mới để giải quyết vấn đề tranh chấp vốn tồn tại từ nhiều năm nay giữa cơ quan bảo hiểm y tế và cơ sở khám chữa bệnh.

Đó là mô hình về Hội đồng quốc gia về bảo hiểm y tế - cơ quan tư vấn chính sách bảo hiểm y tế do chính phủ thành lập.

Hội đồng có chức năng tư vấn cho Chính phủ và cơ quan liên quan trong hoạch định chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, đề xuất mức đóng, phạm vi quyền lợi và mức bảo hiểm y tế; tư vấn chính sách giá dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán; tư vấn giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế.

Tiến sĩ y khoa Nguyễn Văn Tiên – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyên gia ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi - cho biết: Hội đồng là cơ quan tư vấn không phải là cơ quan hành chính. Tuy chỉ có vai trò tư vấn nhưng tiếng nói của Hội đồng là đại diện các bên liên quan đến bảo hiểm y tế... Như vậy, các vấn đề liên quan sẽ minh bạch, độc lập,  khách quan và dựa trên kiến thức về chuyên môn...

Trong đó, chủ tịch hội đồng do Thủ tướng bổ nhiệm; phó chủ tịch thường trực là Bộ trưởng Bộ Y tế, các phó chủ tịch là Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội.

Thành viên của Hội đồng cũng có đại diện chuyên gia ngành y, dược, bệnh viện, bảo hiểm y tế kể cả các chuyên gia độc lập...

Sẽ có “trọng tài” giải quyết tranh chấp giữa bảo hiểm và bệnh viện?
Sẽ có “trọng tài” giải quyết tranh chấp giữa bảo hiểm và bệnh viện?

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên nhận định: nếu Hội đồng được thành lập, sẽ giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa bệnh viện và bảo hiểm y tế như hiện nay.

Những tranh chấp này, về lý phải đưa ra tòa nhưng tòa án cũng không thể giải quyết được vì tòa cũng trưng cầu ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Nếu có Hội đồng quốc gia về bảo hiểm y tế, những phán quyết, nhận định của Hội đồng sẽ có tiếng nói không thể bị lấn át.

Hội đồng quốc gia về bảo hiểm y tế sẽ hoạt động theo nguyên tắc đa số.

Tại hội nghị, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên phát biểu ủng hộ sự ra đời của Hội đồng quốc gia về bảo hiểm y tế và đề nghị nên có một hội đồng tương tự ở cấp tỉnh để giải quyết tranh chấp giữa cơ sở khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội. Bởi sở y tế địa phương không giải quyết nổi vấn đề này, phải chờ ý kiến của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, gây khúc mắc kéo dài.

Đại diện Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre  phát biểu tại Hội nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi ngày 30/12/2020 tại TPHCM
Đại diện Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre phát biểu tại Hội nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi ngày 30/12/2020 tại TPHCM

Mới đây vào ngày 4/12/2020, Thanh tra TPHCM kết luận về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh cho thấy: tính đến tháng 9/2019, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt quỹ, vượt trần năm 2017 của 151 cơ sở khám chữa bệnh tại thành phố là 258,860 tỷ đồng; chi phí khám chữa bệnh vượt dự toán và vượt trần năm 2018 là 186,352 tỷ đồng.

Hai khoản tiền hàng trăm tỷ đồng này vẫn chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét và chấp nhận thanh toán.

Thanh tra TPHCM nhận định nguyên nhân dẫn đến vượt quỹ, vượt trần, vượt dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngoài nguyên nhân chủ quan, còn do nguyên nhân khách quan như: tăng thẻ bảo hiểm y tế theo tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố, thay đổi chính sách thông tuyến khám chữa bệnh các bệnh viện quận, huyện.

Đa số các bệnh viện của TPHCM là tuyến cuối nên số lượt khám tại các cơ sở khám chữa bệnh cứ tăng dần mỗi năm. Trong đó, số bệnh nhân các tỉnh đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tại TPHCM chiếm bình quân 50% lượt khám và đa số là bệnh nặng, cần can thiệp điều trị đặc hiệu, chi phí cao.

Số lượt bệnh nhân đến TPHCM tăng hàng năm nhưng dự toán chi bảo hiểm y tế không tăng dẫn đến vượt dự toán chi bảo hiểm y tế.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI