Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học: lãng phí, đối phó và hình thức

04/02/2015 - 10:50

PNO - PN - Thế là học kỳ I đã kết thúc, thông tư 30 đã được áp dụng trên toàn quốc, học sinh có phần nào giảm áp lực về điểm số hàng tháng nhưng hiệu quả về mặt giáo dục nhân cách, về tính khuyến khích… không đạt bao nhiêu vì...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thong tu 30 ve danh gia HS tieu hoc: lang phi, doi pho va hinh thuc

Ảnh: Nhân Tiến

Thứ nhất, tại sao đã phê hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng vào bài làm cho học sinh, lại còn kiểm tra đánh giá bằng điểm số cuối kỳ? Đúng ra, cuối kỳ cho các em làm bài xong, cũng phải đánh giá bằng nhận xét luôn thì mới đồng bộ chứ? Điều này chứng tỏ lập luận Bộ đưa ra là “giảm áp lực cho học sinh tiểu học” chỉ là khẩu hiệu.

Thứ hai, trên lý thuyết, hàng ngày học sinh không bị áp lực điểm số nhưng phần lớn tại các trung tâm thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…vẫn đến nhà cô học thêm và cô giáo vẫn cho điểm các cháu khi đi học thêm. Thật tội cho đứa bé, sáng trên lớp cô phê vào vở: “Con rất ngoan, nhưng cần làm cẩn thận nhé”, tối đi học thêm thì cô cho 5 điểm.

Rõ ràng, học thêm ở tiểu học không thể cấm được, không thể dứt được sau khi thông tư 30 ra đời, chứng tỏ về mặt loại bỏ học thêm từ thông tư 30 là không hiệu quả. Dù Bộ ra lệnh cấm, Sở ra lệnh cấm giáo viên tiểu học dạy thêm nhưng lệnh cấm này không triệt để, có chỗ thì canh bắt giáo viên dạy thêm như tội phạm, có nơi vẫn thả lỏng. Vậy rõ ràng, một lần nữa, thông tư 30 cũng không giải quyết được tình trạng học thêm ở tiểu học.

Có giáo viên còn nói vui, “nhờ có thông tư 30, tôi còn dạy thêm được nhiều hơn vì phụ huynh không biết con họ học thế nào, thi cuối kỳ lại cho điểm, nên học sinh học thêm tăng vùn vụt”.

Thứ ba, giáo viên mất quá nhiều thời gian, công sức, bút bi để hoàn thành sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ điểm và học bạ. Lúc trước, chỉ cần hai buổi làm việc khoảng 8 tiếng đồng hồ là xong hồ sơ sổ sách, nay mỗi giáo viên phải làm bình quân từ hơn nửa tháng với điều kiện phải viết để phê liên tục đến 2 - 3 giờ sáng mới kịp tiến độ. Và phần lớn lời phê dành cho học sinh đều được tải trên mạng xuống, do một ai đó thương nỗi khổ giáo viên tiểu học soạn sẵn.

Phê theo kiểu soạn sẵn đó thì chỉ hoàn toàn đối phó chứ không mang tính động viên, khuyến khích gì. Mà giáo viên cũng không có tài nào nghĩ ra gần 400 câu để phê cho cả lớp (tính bình quân mỗi lớp 40 học sinh, một học sinh cần phê một câu cho một môn)….

Khi phát sổ liên lạc cho học sinh, phần lớn giáo viên cũng nhấn mạnh vào điểm thi, phụ huynh cũng nhìn vào điểm số vì ai cũng biết những dòng phê kia chỉ để người lớn làm vui lòng nhau.Vậy thử hỏi phê để làm chi?

Chưa kể, một số trường tiểu học còn bắt giáo viên nhập tất cả lời phê vào trang smas.edu.vn, khiến họ nhập ngày nhập đêm để hoàn thành hồ sơ sổ sách nhằm không bị trừ điểm thi đua.

Thong tu 30 ve danh gia HS tieu hoc: lang phi, doi pho va hinh thuc

Ảnh: Nhân Tiến

Nếu thật sự nghiên cứu kỹ, có cái nhìn rộng và nghĩ đến sự vất vả cực nhọc của giáo viên tiểu học thì tôi nghĩ Bộ chỉ cần yêu cầu giáo viên làm một việc duy nhất, nhập lời phê, nhập điểm trên smas.edu.vn rồi in ra, dán vào sổ điểm, sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm….Thậm chí không cần lỉnh kỉnh sổ sách như hiện nay để quản lý khi công nghệ thông tin đã bước qua thời kỳ “công nghệ đám mây” có thể lưu trữ gần như vô tận.

Phải chăng, Bộ đưa ra nhiều sổ sách như thế nhằm tăng nguồn thu cho một nhóm lợi ích như nhà thiết kế, nhà in, nhà xuất bản, bộ phận biên soạn…?

Nếu cứ tính bình quân một học sinh tiểu học, một giáo viên tốn 40.000 đồng để trang bị sổ liên lạc, học bạ thì cả nước đã đi toi hàng ngàn tỉ đồng cho những lời nhận xét vô hồn, vô bổ, chỉ mang tính đối phó.

Điều cơ bản là tăng lương, trang bị cho giáo viên tiểu học những kỹ năng mà họ còn thiếu, tập những thói quen tốt cho học sinh tiểu học như xếp hàng, biết cảm ơn, biết tự phục vụ, biết yêu lao động, biết trải nghiệm thực tế, biết tôn trọng những người lao động chân chính… thì Bộ làm qua loa, hoặc không bao giờ làm.

Còn áp dụng theo nước ngoài thì Bộ có bao giờ tự hỏi nó có phù hợp với tình hình, có cần cải cách gì không? Hay khi có một quyết định nào mới thì cứ đổ bừa là “học tập nền giáo dục tiên tiến nước bạn” cho xong chuyện?

LA TỬ LAN (quận 8, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI