Thông điệp của một học trò 'đần độn' nhân ngày khai giảng

04/09/2019 - 17:19

PNO - Ngày mai, tiếng trống trường sẽ điểm báo hiệu năm học mới. Trong những âm thanh nô nức của ngày khai trường, ở một góc sân nào đó sẽ có vài đứa trẻ ngồi như muốn làm người vô hình, giống như tôi mười mấy năm về trước.

Hồi nhỏ, tôi có một giọng nói không ra tiếng, khàn đặc, hơi thều thào nên rất khó nghe. Giọng nói đó đeo đuổi tôi tận đến năm 16 tuổi. Tức là hơn chục năm trời, tôi bị kỳ thị bởi giọng nói... khác người.

Lúc đó, cứ mỗi lần đến tiết học âm nhạc là ruột gan tôi lại cồn cào, tay chân lạnh ngắt vì sợ bị mời hát một bài nào đó. Nếu vậy, tôi sẽ trở thành trò cười cho cả lớp. Trong những năm tháng làm học sinh, tôi đã nhiều lần trở thành trò cười cho cả lớp vì điều ngớ ngẩn như vậy.

Thong diep cua mot hoc tro 'dan don' nhan ngay khai giang
Trẻ có dấu hiệu khiếm khuyết trí tuệ được hướng dẫn, trị liệu tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM.

Cho đến bây giờ, nhiều đêm năm ngủ mơ tôi vẫn thấy lại cảnh mình bị cô giáo mời lên trước lớp hát bài Cachiusa mà giọng tôi lại khàn đặc, thều thào, bên dưới cả lớp cười ồ lên. Tỉnh giấc, thấy mình nằm trên nệm và tôi lại lẩm bẩm: Dòng sông xưa rừng táo trắng hoa nở đôi bờ/ Lặng lờ trôi mặt nước đã loang sương mờ/ Kìa bóng ai thấp thoáng đó chính Cachiusa/ Giữa trời mây dòng sông nắng tươi chan hòa... 

Nhiều khi lẩm bẩm chưa hết mấy câu đó tôi đã nước mắt giàn giụa rồi. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ để thấy khiếm khuyết về giọng nói ám ảnh tôi như thế nào. Tôi không biết phải mất bao nhiêu năm nữa mình mới thôi ám ảnh về điều đó.

Đã rất nhiều lần tôi bị mắng là đần độn hay dở hơi vì tôi là một đứa trẻ suy nghĩ và thể hiện rất khác người. Ví dụ, thầy cô hỏi: "Em thích bài hát nào nhất?".

Một học trò bình thường sẽ trả lời là bài: Em yêu trường em hay Bụi phấn... là xong. Thầy cô sẽ gật gù khen học trò đó ngoan. Nhưng với tôi, bài hát yêu thích sẽ là: Cái bè và con vịt Xiêm đực.

Thầy cô hỏi bài đó ai sáng tác thì tôi sẽ lắc đầu. Tôi chỉ biết bài này do cậu Chaien hát trong một phiên bản nào đó của phim hoạt hình Doremon mà tôi từng nghe lõm được. Bài hát nghe lõm một lần, thấy hay, mới thích chứ kiểu bài mà ngày nào cũng bị ép hát ê a hoài làm sao mà yêu thích được.

Xem ra, ngay từ nhỏ người ta đã dạy một đứa trẻ nói dối sao cho xuôi tai hơn là một đứa trẻ dám nói lên suy nghĩ thật của mình.

Tôi nhớ có lầm má tôi đi họp phụ huynh về, bà ngồi bần thần cầm con dao cứa mạnh vào thân cây chuối để cho ra từng lát mỏng mang đi cho bò ăn. Cắt đứt gần hết cây chuối rồi má mới nói với tôi: “Cô chủ nhiệm hỏi má, con có bị vấn đề về thần kinh không?”.

Câu hỏi đó của cô chủ nhiệm diễn ra ngay giữa buổi họp, có hàng chục phụ huynh khác. Ngay hôm sau vào lớp, thằng T. nói với tôi: “Bà nội tao đi họp về dặn ngồi gần thằng thần kinh đừng có nói chuyện, quậy phá theo nó nha?”.

Năm đó, bà nội thằng T. đã tầm 70, nghe tiếng được, tiếng mất nên tôi chưa bao giờ trách bà. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao cô giáo lại hỏi mẹ tôi câu đó và ngay giữa đông đảo phụ huynh.

Thong diep cua mot hoc tro 'dan don' nhan ngay khai giang
Những đứa trẻ mang tên đần độn dễ rơi vào bi kịch nếu bị kỳ thị (ảnh minh họa).

Hôm nay, đọc bài Bi kịch của hàng ngàn học sinh bị mang tên... đần độn trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, tôi nhớ lại mình của mười mấy năm về trước. Có lẽ, có một bàn tay số phận nào đó đã dìu tôi qua những tháng ngày nghiệt ngã để bây giờ tôi không phải là một đứa đần độn. Nhưng rồi, đã từng có bao nhiêu đứa trẻ giống như tôi, bị chính những người đang giáo dục mình kỳ thị, để rồi dở dang cả một đời người.

Tôi chạnh lòng khi nghĩ về những đứa trẻ bị mang tên đần độn ở vùng nông thôn. Ở đó, sự phân biệt, kỳ thị rất dễ bị đẩy đến đỉnh điểm. Ở đó, sẽ có những giáo viên chưa thật sự được trang bị kỹ năng giáo dục những học sinh bị mang tên đần độn và họ thường chọn cách tách biệt những đứa trẻ tội nghiệp ấy ra khỏi một hệ sinh thái chung để dễ bề quản lý. Bi kịch rất dễ xảy ra với những đứa trẻ tội nghiệp.

Thong diep cua mot hoc tro 'dan don' nhan ngay khai giang
Ngày khai giảng, đừng quên những đứa trẻ bị mang tên đần độn (ảnh minh họa).

Ngày mai, tiếng trống trường sẽ điểm để báo hiệu một năm học mới. Trong những âm thanh nô nức của ngày khai trường, ở một góc sân trường nào đó sẽ có vài đứa trẻ ngồi như muốn làm người vô hình để không ai có thể nhìn thấy, giống như tôi của mười mấy năm về trước.

Tôi mong rằng ngày khai trường đừng ai quên đứa trẻ ấy, hãy “đánh thức” chúng!

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI