Thời trang Việt Nam: Vừa làm vừa khóc!

30/07/2014 - 13:11

PNO - PN - 15 năm kể từ khi cuộc thi thiết kế thời trang đầu tiên của Việt Nam - Vietnam Collection Grand Prix được tổ chức vào năm 1999, hơn 5 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội Thời trang châu Á, cộng với sự bùng nổ của nhiều cuộc thi thiết...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thoi trang Viet Nam: Vua lam vua khoc!

Thoi trang Viet Nam: Vua lam vua khoc!

Thời trang Việt hiện mới chỉ dừng lại ở mô hình boutique với thị phần nhỏ

Về đâu những tài năng thiết kế Việt?

Mới đây, cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway Vietnam) mùa thứ hai - năm 2014 đã tìm ra tài năng trẻ Lý Giám Tiền - người chưa hề qua bất kỳ trường lớp thời trang nào nhưng lại được đánh giá là thí sinh có sự sáng tạo và kỹ thuật cắt may tốt nhất. Đây là chuyện bình thường từ một số cuộc thi “một phút thành sao”. Lý Giám Tiền đang được Công ty quản lý BeU Model vạch chiến lược riêng cho tương lai. Sắp tới anh sẽ có cơ hội tham gia hai cuộc trình diễn New York Couture Fashion WeekVietnam International Fashion Week. Vẫn còn quá sớm để biết tài năng này sẽ tỏa sáng đến đâu nhưng trước đó, không ít “đàn anh” của Lý Giám Tiền đã rời sân chơi bởi sự khắc nghiệt của nghề, và cả sự thờ ơ của những người có trách nhiệm với ngành thời trang VN.

Trước đó, quán quân Projects Runway 2013 Hoàng Mạnh Hà từng thất bại khi mở nhãn hiệu riêng. Với Quang Nhật, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Ngôi sao thiết kế Việt 2013 (phiên bản quốc tế của chương trình Fashion Star), lập tức được mời tham gia chương trình thời trang tầm cỡ là Tuần lễ thời trang VN Thu - Đông 2014. Chỉ duy nhất một lần tham gia sân khấu lớn, chưa có thời gian trải nghiệm, liệu Quang Nhật có thành công?

Cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix (VCGP) được xem là nơi tìm kiếm tài năng và tạo nguồn lực cho ngành công nghiệp thời trang VN vì có công phát hiện nhiều gương mặt thiết kế trẻ. Từ bệ phóng này, nhiều nhà thiết kế (NTK) đã trưởng thành, định hình phong cách và có thương hiệu riêng, hoặc nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty dệt may lớn của VN một thời như Lê Thanh Phương, Trương Anh Vũ, Nguyễn Công Trí, Phan Văn Tân, Hầu Nguyên Hàng, Nguyễn Quốc Bình, Nguyên Sa, Nhật Minh… Nhưng đến nay, điểm lại danh sách trên, không ít cái tên đã mai một theo thời gian.

Thoi trang Viet Nam: Vua lam vua khoc!

NTK Minh Hạnh chia sẻ: sự tồn tại của NTK phải dựa vào yếu tố thương mại và khi không có sự kích hoạt đúng nghĩa, bản thân các NTK không thể theo kịp với chuỗi kinh doanh thời trang chuyên nghiệp bao gồm mặt bằng, hệ thống phân phối... Cộng với việc xuất hiện ngày càng nhiều gương mặt mới, sự cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều NTK bỏ cuộc chọn hướng đi khác.

Có thể kể trường hợp NTK Trương Anh Vũ, người đoạt giải thưởng lớn của cuộc thi VCGP đầu tiên, sau khi tham gia thiết kế với dệt may Phương Đông, rồi mở nhãn hiệu riêng tại Zen Plaza, có lúc doanh thu lên đến 500 triệu/tháng từ thương hiệu của mình - được xem là thế hệ thứ ba có tài năng, nhưng do không trụ nổi với sự khắc nghiệt của nghề, Vũ vừa bỏ cuộc chơi và định cư ở Mỹ. NTK Tấn Phát cũng sang Úc sinh sống bằng nghề khác. NTK Trương Thanh Long từng mở rồi đóng cửa thương hiệu thời trang riêng không dưới ba lần.

Quán quân Project Runway Hoàng Mạnh Hà cũng thừa nhận, sự thiếu thông tin về thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của anh khi mở thương hiệu riêng. Số ít NTK còn lại có phong cách riêng như Quang Huy, Quốc Bình, Lệ Hằng… và ngay cả như NTK Minh Hạnh cũng chỉ dừng ở mô hình boutique với thị phần nhỏ, tất nhiên không đủ ảnh hưởng để tạo ra một xu hướng thời trang mang dấu ấn VN.

Thoi trang Viet Nam: Vua lam vua khoc!
Một buổi biểu diễn ở VN designer house - nơi trưng bày nhiều mẫu của các nhà thiết kế trẻ

Trở ngại từ tư duy làm thuê

Với vai trò của mình, mỗi năm Tập đoàn Dệt may VN, Hiệp hội Dệt may cũng tổ chức các chương trình thời trang lớn mang tính định hướng, nhưng sự định hướng này chỉ diễn ra ở mức độ biểu diễn giữa các NTK với nhau. Cụ thể, Tuần lễ thời trang VN chỉ là sân chơi cho những NTK muốn thể hiện sự sáng tạo. Mang tiếng là có Hiệp hội Dệt may đứng sau lưng, nhưng nào có mấy đơn vị thành viên tham gia chương trình này, cũng chẳng được mấy đơn vị mua mẫu sau những tuần lễ thời trang. Ngoài một số NTK nổi tiếng như Minh Hạnh, Quang Huy... còn tham gia, không ít NTK có phong cách đã rời bỏ sân chơi này vì chi phí cao, các mẫu thiết kế làm ra cũng nằm lưu kho do không bán được cho khách hàng như mong muốn.

Viện mẫu Fadin trước đây cũng mở vài hội thảo về xu hướng thời trang, thu hút được nhiều NTK, đơn vị dệt may tham gia, nhưng chỉ một vài lần là… mất tăm. Nguyên nhân do không tìm được tiếng nói chung, mạnh ai nấy làm. Hiện nay, Viện mẫu Fadin chỉ làm công việc hoạch định xu hướng màu sắc, sau đó triển khai cho doanh nghiệp thành viên lớn áp dụng và có nhiệm vụ tuyên truyền trên tạp chí Mốt nhưng thực tế, các đơn vị thành viên phần lớn chỉ tham khảo, tỷ lệ áp dụng thấp.

Ông Uông Tiến Thịnh - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may VN thừa nhận, bản thân ngành thời trang VN tồn tại quá nhiều rào cản. Trong đó, tầm nhìn vĩ mô của ngành dệt may VN còn thiển cận, lại không đủ năng lực thành lập hiệp hội thiết kế để tập trung sức mạnh, không có chính sách bảo hộ thương hiệu thời trang Việt khiến hàng lậu Trung Quốc tràn lan.

Đã vậy, các nhãn hiệu nước ngoài vào ồ ạt, đa dạng về mẫu mã lẫn sức mạnh tài chính, khiến các doanh nghiệp thời trang VN thua ngay trên sân nhà. Những doanh nghiệp có tiềm lực về công nghệ thì chỉ chú tâm vào sản xuất hàng “ăn chắc” như quần tây, sơ mi và hàng gia công, nên cách hành xử với NTK cũng máy móc. Họ không nghĩ đến giá trị vô hình về thương hiệu Việt, thời trang Việt từ những sáng tạo của NTK.

Thời trang hiện đã trở thành một ngành học đầy triển vọng khi ngày càng có nhiều sinh viên chọn theo, hàng năm các trường cung cấp hàng trăm NTK nhưng lực lượng ấy đã đóng góp được gì cho ngành thời trang? Một sự khủng hoảng thừa những thợ vẽ thời trang, bởi họ chỉ vẽ đẹp, thậm chí rất ấn tượng, nhưng lại không thiết kế. Trên thực tế, do thiếu sự quan tâm đúng mức của những người đứng đầu ngành dệt may thời trang VN vẫn cứ mãi vừa làm, vừa khóc!

SONG NAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI