Thiếu huyết thanh kháng nọc rắn, vì sao?

19/11/2013 - 07:42

PNO - PN - Là bệnh viện (BV) tuyến cuối của khu vực phía Nam nhưng hơn nửa năm qua, BV Chợ Rẫy đã thiếu huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang, chàm quạp, cạp nong, cạp nia… Vì thế, không ít bệnh nhân (BN) phải đối diện với nhiều nguy cơ như...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lo sốt vó

PGS-TS-BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết: có thể do thời tiết mưa bão nên gần đây, BN bị rắn cắn nhập viện cấp cứu khá nhiều. Chỉ tính riêng ngày 16/11, ghi nhận tại khoa Bệnh nhiệt đới đã có 10 ca rắn độc cắn đang nằm điều trị. Tuy nhiên, huyết thanh đa giá kháng các loại rắn độc như hổ mang, hổ mèo, cạp nong, cạp nia tại BV Chợ Rẫy nói riêng và nhiều BV khác tại TP.HCM nói chung đang trong tình trạng khan hiếm. Các BS lo lắng vì “ra trận mà không còn vũ khí”; BN không có thuốc để chữa và phải đối diện với nhiều nguy cơ.

Tại khoa Bệnh nhiệt đới, chị Nguyễn Thị Út (43 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), đã qua cơn nguy kịch, nhưng sau gần một tháng nhập viện, chị Út đang phải ngồi xe lăn vì vết thương bị nhiễm trùng, hoại tử do không có huyết thanh kháng độc rắn hổ mang để điều trị kịp thời. Các BS cho biết, chị Út nhập viện khá trễ (hai ngày sau khi bị rắn cắn) và trong tình trạng huyết thanh kháng nọc rắn độc hổ mang trong BV đã hết nên các BS phải dùng biện pháp điều trị triệu chứng, cho thở máy và hỗ trợ truyền dịch, kháng sinh cầm cự chờ cơ thể BN tự giải độc dần dần.

Nhập viện ngày 10/11, BN Điểu Rế (25 tuổi, ngụ tại Bình Phước) đang nằm với cái cổ sưng to. Các BS cho biết, không có huyết thanh nên dự kiến thời gian điều trị, phục hồi cho BN này khá dài.

PGS-TS-BS Trần Quang Bính cho biết, từ đầu năm đến nay, tại khoa Bệnh nhiệt đới đã có hai trường hợp tử vong do rắn cắn. Vì thiếu huyết thanh chữa trị rắn độc cắn cho BN nên BV chỉ điều trị triệu chứng. Phương pháp này có thể cứu được người bệnh nhưng tốn kém hơn, người bệnh phải nằm viện lâu hơn, tổn thương ở vết thương nhiều hơn; đối diện với nhiều nguy cơ khác ngoài nọc độc của rắn như: suy hô hấp, liệt cơ, ảnh hưởng thần kinh, hoại tử vết thương… “Có những BN phải nằm thở máy vài tháng để cơ thể thải độc. Một số trường hợp bị biến chứng viêm phổi, hoại tử nặng nề. Có một trường hợp bị rắn sải cổ đỏ cắn, do chưa có huyết thanh điều trị nên BN bị rối loạn đông máu, xuất huyết phủ tạng, tử vong. Trong khi đó, nếu có huyết thanh kháng độc thì chỉ cần chích vào khoảng một vài ngày sau là BN ra viện”, PGS-TS-BS Trần Quang Bính nói.

Thieu huyet thanh khang noc ran, vi sao?

Hiện BV Chợ Rẫy chỉ còn hai loại huyết thanh đơn giá do Việt Nam sản xuất

Lợi nhuận thấp, doanh nghiệp không muốn nhập khẩu

Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược, BV Chợ Rẫy cho biết, từ khoảng tháng 4/2013 đến nay BV xảy ra tình trạng thiếu huyết thanh đa giá. Nguyên nhân là do BN tăng đột biến, trong khi đó, huyết thanh có thời hạn sử dụng ngắn, khi nhập về phải cân nhắc vì nếu dùng không hết sẽ phải tiêu hủy, gây lãng phí. BV phải nhờ đơn vị khác nhập huyết thanh về chứ không được phép nhập khẩu. Trong khi đó, huyết thanh có chi phí cao, lợi nhuận thấp, thậm chí là không có lãi, nên ít đơn vị, doanh nghiệp mặn mà tham gia cung cấp. Mặt khác, việc tìm kiếm nguồn hàng, xin cấp phép cũng không đơn giản khiến nhiều đơn vị ngán ngẩm. Bởi muốn nhập về thì phải mua qua đơn vị có giấy phép nhập khẩu thuốc, phải xin quota vì huyết thanh là mặt hàng chưa có số đăng ký lưu hành nên phải xin Bộ Y tế. Đáng lo hơn là nhiều khi có quota rồi nhưng nhà cung cấp không tìm ra nguồn vì hàng bị “đứt” do nhà sản xuất chưa sản xuất… Đó là những lý do mà gần nửa năm qua, dù BV đã làm hồ sơ, xin được quota, nhưng vẫn chưa mua được thuốc. “Khi thiếu huyết thanh kháng rắn độc, chúng tôi cũng đã chủ động liên hệ với các cơ sở y tế khác hoặc nhà cung cấp để mượn, mua… nhưng thường thì họ lại hết trước mình”, ông Nguyễn Quốc Bình nói.

Tình hình nhập khẩu khó khăn, trong khi hiện nay Việt Nam mới sản xuất, cung cấp cho BV Chợ Rẫy được hai loại huyết thanh đơn giá (chỉ kháng được một loại nọc rắn) là huyết thanh kháng rắn lục tre và rắn hổ đất. Các BS kiến nghị: cần có cơ chế chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề này nhằm góp phần giúp cho các BS thuận tiện hơn trong việc điều trị. Nhà nước cần hỗ trợ các đơn vị nhập khẩu, cũng như có đơn vị đứng ra quản lý dự trữ huyết thanh. Nếu không, chắc chắn tình trạng thiếu huyết thanh sẽ lặp đi lặp lại vì hiện VN chưa có nguồn cung cấp ổn định.

Các BS lưu ý: khi bị rắn cắn, vết thương nhìn giống nhau, nhưng thực tế điều trị khác nhau. Nhóm rắn hổ gồm hổ đất, hổ chúa, hổ mèo… là nhóm độc ảnh hưởng thần kinh. Nhóm rắn chàm quạp, rắn lục có nọc độc gây rối loạn đông máu. Nọc độc của nhóm cạp nong, cạp nia gây ảnh hưởng đến hệ vận động. Vì vậy, để thuận tiện cho việc điều trị thì tốt nhất là phải xác định được chủng loại rắn, bằng cách ghi nhận đặc điểm hình dạng, hoặc có thể đem “hung thủ” đến BV để BS thuận tiện hơn trong việc chẩn đoán, điều trị.

 Vinh Nguyễn 

Mỗi năm có khoảng gần 1.000 BN bị rắn độc cắn đến BV Chợ Rẫy để chữa trị. Từ đầu năm đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận điều trị 770 ca.

Theo ghi nhận tại khoa Bệnh nhiệt đới, BN bị rắn cắn nhập viện vì nhiều lý do, một số ca bị rắn cắn do tai nạn lao động (đó là những công nhân cạo mủ cao su, những người đi làm rẫy, làm đồng…). Trường hợp thứ hai là những nạn nhân khác do tai nạn nghề nghiệp, như những nhân viên nhà hàng, quán nhậu hay những người đi bắt rắn, do bất cẩn nên bị rắn cắn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI