Thi và tuyển sinh mỗi năm mỗi đổi: Thí sinh rối, thầy cô giải thử đề trắc nghiệm còn sai

07/01/2017 - 15:45

PNO - Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học cứ mỗi năm mỗi đổi khiến cả giáo viên và học sinh vất vả “chạy” theo. Thậm chí, giáo viên làm thử bài trắc nghiệm còn sai.

Đó là ý kiến của đại diện nhiều trường THPT cho biết tại Hội nghị hợp tác hướng nghiệp do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức cho 70 trường THPT phía Nam trong hai ngày 6 và 7/1.

Từ khi xét học bạ vào đại học: Điểm học sinh phổ thông tăng thấy rõ!

Ông Nguyễn Đình Phùng, Hiệu trưởng THPT Chu Văn An (An Giang) lên tiếng, quy chế thi tuyển mỗi năm đổi khiến hàng triệu học sinh và giáo viên vất vả chạy theo. Số môn học mà thí sinh phải ôn để thi THPT quốc gia năm nay là quá nhiều, khi xuất hiện các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Thi va tuyen sinh moi nam moi doi: Thi sinh roi, thay co giai thu de trac nghiem con sai
Thí sinh TP.HCM dự thi THPT quốc gia.

“Xin mời quý vị xuống học để làm một lúc tất cả các môn Văn, Toán, Lý, Hoá, tiếng Anh, Sử, Địa. Nhiều thầy cô dạy luyện thi làm thử, hết giờ nhìn lại còn trật nhiều câu trắc nghiệm chứ đừng nói tới học sinh”, thầy Phùng nói.

Theo ông Phùng, Bộ GD-ĐT nên giao các trường đại học đứng ra tổ chức cụm thi THPT quốc gia để tăng mức độ tin cậy hơn. Nhiều địa phương vùng sâu vùng xa lại có tỷ lệ tốt nghiệp THPT, kết quả điểm môn ngoại ngữ cao hơn cả các TP lớn dường như chưa thuyết phục lắm. Tất nhiên cũng có nhiều địa phương nghiêm túc trong tổ chức thi.

Ông chia sẻ: “Như tỉnh chúng tôi cũng tự hào “vùng lũ không có phao”,  dù đứng vị trí 62-63 cả nước về tỷ lệ tốt nghiệp thì vẫn vui vì đó là kết quả thật”. Ông nêu thực trạng, từ ngày được phép xét học bạ để tuyển sinh vào đại học thì điểm cuối năm của học sinh lớp 12 khá lên thấy rõ. Do đó, cần có biện pháp siết chặt để đảm bảo chất lượng đầu vào đại học.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM nhìn nhận, kỳ thi THPT quốc gia 3 năm trở lại đây là 3 kiểu khác nhau. Như năm nay, đề thi có sự thay đổi cực lớn, thí sinh dự thi theo bài thi chứ không phải từng môn đơn lẻ nữa. Số môn thi cũng tăng lên thành 9 môn, trong đó chỉ có môn Văn còn thi theo hình thức tự luận.

Thi va tuyen sinh moi nam moi doi: Thi sinh roi, thay co giai thu de trac nghiem con sai
 

Vì vậy, các trường THPT phải lưu ý trong công tác tư vấn cho học sinh. Thêm vào đó, quy chế năm nay cho thí sinh được đăng ký xét tuyển trước khi thi và thay đổi sau khi có kết quả, liệu có xảy ra tình trạng nộp - rút hồ sơ hỗn loạn như những năm trước?.

Vị Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đồng tình với lo lắng của lãnh đạo các trường phổ thông trong việc tổ chức nghiêm túc kỳ thi quốc gia. Các trường đại học đều mong kết quả kỳ thi đáng tin cậy, làm cơ sở chủ yếu để xét tuyển.

Ông nêu ra thực tế đáng quan ngại, theo thống kê, điểm trung bình năm lớp 12 của học sinh khi ở trường thường thấp hơn  kết quả thi THPT đến 3-4 điểm. Độ vênh này diễn ra nhiều hơn ở các trường THPT ngoài công lập, nguyên nhân vì sao thì mọi người cũng hiểu.

Khâu khó của hướng nghiệp nằm ở… phụ huynh

Cô Trần Thị Vương Nhi, Trưởng Ban hướng nghiệp Trường THPT Nguyễn Trãi (Đồng Nai) chia sẻ cái khó của công tác hướng nghiệp còn nằm ở phụ huynh. Cuối cùng thì học sinh cũng không có đủ thẩm quyền quyết định. Rất nhiều học sinh sau khi xác định ngành nghề về xin cha mẹ liền bị phản đối.

Thi va tuyen sinh moi nam moi doi: Thi sinh roi, thay co giai thu de trac nghiem con sai
Cô Trần Thị Vương Nhi: "Khó khăn lớn nhất là hướng nghiệp cho phụ huynh".

“Một học sinh tìm đến tôi khóc lả chả vì sau khi về trình bày với gia đình muốn học ngành Tâm lý giáo dục liền bị dội gáo nước lạnh rằng ngành này viễn vông, không được học, phải vào học kế toán hoặc sư phạm”, cô Nhi chia sẻ

Với kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp nhiều năm, cô Nhi nhìn nhận, khó nhất là tư vấn cho phụ huynh hiểu. Mỗi năm chỉ có 2 kỳ họp gặp phụ huynh, có rất nhiều chuyện bàn thảo nên hướng nghiệp chỉ là nội dung nhỏ. Nhiều cha mẹ ở quê không nắm hết đặc tính của ngành nghề, lại không có đánh giá trải nghiệm của những người xung quanh nên áp đặt con chọn nghề theo ý mình.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM lưu ý: “Khi tư vấn, học sinh thường chỉ hỏi tôi rằng, với kết quả thi này em có thể xét vào trường nào? Các em chỉ chú tâm vào chuyện có thể đậu vào trường nào, nhưng lại bỏ qua câu hỏi quan trọng hơn là em nên học ngành nào? Ngành đó có phù hợp với sở thích, năng lực không?...

Cho nên tôi mong các trường phổ thông cần định hướng sớm cho học sinh của mình bằng công cụ xác định nghề nghiệp phù hợp. Bởi sau khi thi THPT quốc gia, lúc đó học sinh đã rời trường, không có giáo viên bên cạnh để tư vấn”.

                                                                                                                         Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI