"The Woman Who Ran": Câu chuyện phụ nữ của Hong Sang-soo

16/07/2021 - 08:51

PNO - Tại Liên hoan phim Berlin 2020, "The Woman Who Ran" giành giải Gấu Bạc cho Đạo diễn Xuất sắc, góp phần củng cố tên tuổi của đạo diễn bậc thầy Hong Sang-soo

Mang phong cách đặc trưng của nhà làm phim kỳ cựu người Hàn Quốc, The Woman Who Ran tiếp tục là một tác phẩm dịu dàng và giản đơn đến bất ngờ. Bộ phim giống như những lát cắt của cuộc sống đời thường được xếp chồng lên nhau, tạo nên một bức tranh dung dị về phái đẹp. Trong suốt 77 phút phim, những người phụ nữ cùng nhau ăn đồ nướng, uống cà phê, tán gẫu về đàn ông, về tình yêu, hôn nhân và những buồn vui cuộc sống trong một khung cảnh rất đỗi bình yên. 

3 cuộc gặp gỡ

Cảnh phim diễn ra nhẹ nhàng mà đầy chất thơ: Người phụ nữ bước ra khỏi cửa, vội vã bật dù rồi quay lại chào chủ nhà. Cô chủ rối rít xin lỗi về bữa ăn, hẹn gặp lại vị khách quý vào một ngày gần nhất. Cả 2 khẽ trao nhau một cái ôm, sau đó vẫy tay tạm biệt. 

Máy quay dõi theo người phụ nữ từ phía sau. Nàng vận áo măng tô xám, cầm dù xám, nhẹ bước trên con dốc vắng tanh của thủ đô Seoul. Ống kính trườn theo đến khi nàng rẽ vào một con hẻm, rồi từ từ dịch chuyển về phía núi đồi xa xăm. Trời mưa lâm râm. Những tán phong ngả màu vàng đỏ, báo hiệu mùa thu đã về. 

Bộ phim xoay quanh những câu chuyện dung dị, đời thường về phái nữ
Bộ phim xoay quanh những câu chuyện dung dị, đời thường về phái nữ

Người phụ nữ ấy là Gam-hee (Kim Min-hee), vừa đến nhà một người bạn cũ sau nhiều năm không gặp. Nàng đã kết hôn được 5 năm, hiện đang là chủ một tiệm hoa ở Seoul. Suốt thời gian đó, Gam-hee chưa từng rời xa chồng nửa bước. Lý do vì chồng nàng - một dịch giả - cho rằng “người yêu nhau nên dính vào nhau mọi lúc”. Đây là lần đầu tiên Gam-hee đi chơi mà không có chồng bên cạnh, nhân lúc anh đang công tác xa nhà. 

Giống với In Another Country (2012) của Hong Sang-soo, The Woman Who Ran được chia làm 3 phần. Mỗi phần là một câu chuyện riêng biệt ứng với 3 cuộc gặp gỡ của Gam-hee với những người bạn cũ, một trong số đó là tình cờ. 

Ở đầu phim, nàng lái xe đến nhà Young-soon (Seo Young-hwa), một phụ nữ trung niên đã ly dị chồng. Giữa phim, nàng đi bộ đến thăm Su-young (Song Seon-mi), hiện sống độc thân nhưng thích qua đêm với những chàng trai kém tuổi. Cuối phim, nàng vô tình gặp lại bạn cũ Woo-jin (Kim Sae-byuk), nay đã kết hôn với một đạo diễn nổi tiếng.

The Woman Who Ran mang phong cách tối giản đặc trưng của Hong Sang-soo
The Woman Who Ran mang phong cách tối giản đặc trưng của Hong Sang-soo

Đây là tác phẩm thứ 24, cũng là cuốn phim màu đầu tiên của Hong Sang-soo sau bộ 3 phim đen trắng kết thúc bằng Hotel By the River (2019). Đến thời điểm này, khi đã bước sang tuổi 60, ông gần như chẳng cần dụng công quá nhiều để làm phim. 

Kịch bản do đạo diễn chấp bút không hề có sự chuẩn bị trước. Ông đặt bút viết mỗi sáng trước khi bấm máy, sau đó thay đổi tùy vào tình hình lúc quay. Nội dung hoàn toàn không có kịch tính hay cao trào. Bộ phim đơn giản chỉ là những mẩu chuyện vụn vặn được nối vào nhau bằng thoại, từ chuyện con mèo hoang đến chuyện ăn chay trường, chuyện thời trang nhảy sang hội họa.

Nổi tiếng là tín đồ của trường phái tối giản (minimalism), Hong Sang-soo kể lại hành trình của Gam-hee bằng một giọng điệu nhẹ nhàng. Khác với các tác phẩm trước, ông chọn tông màu nhạt, tươi sáng khiến bộ phim trở nên dịu dàng, nữ tính. Âm nhạc được dùng tiết chế, chèn vào giữa như một cách để báo hiệu phim chuyển sang hồi mới.

Bộ phim là những lát cắt đời thường về cuộc sống
Bộ phim là những lát cắt về cuộc sống đời thường

Phong cách đạo diễn đặc trưng đến nỗi không cần giới thiệu, vẫn dễ dàng nhận ra đây là phim của Hong Sang-soo. Ông chủ yếu sử dụng những cú máy dài (long take), đặt cố định để tạo cảm giác chân thực nhất. Ống kính chuyển từ trung cảnh sang cận cảnh một cách mượt mà bằng kỹ thuật phóng đại (zoom). Thi thoảng, máy quay khẽ lia sang trái hoặc phải để người xem tập trung vào biểu cảm của nhân vật.

Một vài chi tiết được lặp lại nhằm tạo hiệu ứng “déjà vu” (đã nhìn thấy): những trái táo được gọt vỏ trên bàn, khung cảnh núi đồi tĩnh lặng từ xa, hay “khẩu hiệu” quen thuộc của Gam-hee mỗi lần gặp bạn: “Người yêu nhau nên dính vào nhau mọi lúc”.

Những người phụ nữ tự chủ

So với tình yêu mà Gam-hee tôn thờ, Young-soon có suy nghĩ hoàn toàn trái ngược. Sau khi ly dị, Young-soon dùng hết tiền để mua nhà ở vùng ngoại ô Seoul. Hàng ngày, cô tận hưởng cuộc sống độc thân bằng cách trồng rau, nuôi gà. Hiện tại điều duy nhất Young-soon mong muốn là dành thời gian cho bản thân. “Thật khó khi phải nhìn một ai đó mỗi ngày”, cô nói.

Ba người bạn của Gam-hee đều là những phụ nữ độc lập, độ tuổi trên 30. Họ đại diện cho ba trạng thái khác nhau của hôn nhân: độc thân, đã kết hôn và ly dị. Song, vai trò của phái mạnh gần như mờ nhạt đối với cả ba. Họ đột ngột chen vào cuộc sống của phụ nữ nhưng lại tạo cảm giác thừa thãi, bên lề.

Vì cho rằng đàn ông xứ Hàn tồi tệ, Su-young tìm đến trai trẻ để vui chơi qua đường. Ngược lại, Woo-jin có chồng nổi tiếng nhưng xa cách. Hôn nhân chỉ khiến cô thêm mệt mỏi, chán chường.    

Còn Gam-hee, dù chưa từng thổ lộ về nỗi buồn hôn nhân nhưng nhiều chi tiết cho thấy nàng không thực sự hạnh phúc. Ở đầu phim, nàng chia sẻ trước đây để tóc dài, nhưng đã tự tay cắt ngắn vì buồn chán. Công việc ở tiệm hoa cũng tẻ nhạt vì gần như không có khách. Đến khi được hỏi liệu có thực sự yêu chồng, Gam-hee ngập ngừng trả lời rằng nàng "không biết”.

Trailer phim "The Woman Who Ran":

 

 

Nhân vật chính Gam-hee có nét tương đồng với Young-hee trong On the Beach at Night Alone (2017) của Hong Sang-soo. Cả hai đều do minh tinh Kim Min-hee thủ vai, đều là những người phụ nữ có vẻ ngoài dịu dàng nhưng lại luôn chất chứa nỗi niềm.

Nhan đề The Woman Who Ran cũng phần nào ám chỉ mối liên hệ giữa hai tác phẩm. Trong On the Beach at Night Alone, Young-hee là một diễn viên nổi tiếng, lao vào vòng xoáy tình yêu với một người đàn ông đã có gia đình. Đau đớn vì tình, nàng “chạy trốn” sang Hamburg (Đức) để giải tỏa tâm trạng.

Tuy nhiên, khác với Young-hee, Gam-hee không hề “chạy trốn” như tựa đề The Woman Who Ran gợi mở. Xuyên suốt bộ phim, nàng đóng vai trò là một người quan sát, dù trực tiếp hay gián tiếp (qua CCTV). Mỗi cuộc trò chuyện với bạn là cơ hội để nàng soi thấu bản thân, nhìn nhận lại cuộc hôn nhân tưởng chừng hạnh phúc. 

Sơn Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI