Vết nhơ lao động trẻ em ở Ấn Độ

08/08/2016 - 05:56

PNO - Những ngày này, Ấn Độ lại nóng lên vấn đề lao động trẻ em khi quốc hội nước này vừa có những chỉnh sửa gây tranh cãi trong dự luật Lao động trẻ em.

Dự luật mới vẫn cấm trẻ em dưới 14 tuổi tham gia lao động, nhưng lại tạo ra ngoại lệ cho “doanh nghiệp gia đình”, sau giờ học hay trong ngày nghỉ. Điều này, theo các nhà hoạt động xã hội, là dọn đường để trẻ em bị thuê mướn làm đủ thứ việc từ nặng nhọc, độc hại cho đến giúp việc nhà. Dự luật cũng giảm bớt số loại việc bị cấm làm đối với trẻ em từ 15 - 18 tuổi (trước đây cấm 18 nghề độc hại và 65 việc làm như khai thác mỏ, cắt đá quý và sản xuất xi măng).

Chính phủ Ấn Độ biện minh, luật mới giúp các gia đình nghèo kiếm sống và cho trẻ em cơ hội trang bị kỹ năng nghề tương lai. Tuy nhiên, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) và nhà hoạt động đoạt giải Nobel về sự nghiệp giải phóng lao động trẻ em ở Ấn Độ, ông Kailash Satyarthi, đều chỉ trích dự luật là bước thụt lùi và thực chất vẫn duy trì hành lang cho việc khai thác lao động trẻ em.

Vet nho lao dong tre em o An Do
Ấn Độ có nhiều lao động trẻ em hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới

Ấn Độ nhiều thập kỷ nay phải đương đầu với các vấn đề xã hội gay gắt, như vấn nạn lao động trẻ em. Chuyện đời của cô bé Rani cũng là điể n hì nh của nhiều đứa trẻ tại đây, khi các em thành món hàng, bị bóc lột thậm tệ và ngược đãi cả tinh thần lẫn thể xác. Rani không biết cha mình là ai. Hai mẹ con em cư ngụ ở làng Raidihi, bang Orissa, miền Đông Ấn Độ.

Khi Rani chưa tròn một tuổi, mẹ đi bước nữa, và chẳng bao lâu Rani có thêm một em trai, một em gái. Cha mẹ nghèo không thể cho Rani học tiếp, em nghỉ ngang khi mới học lớp 7. Rani phải làm phụ hồ trong làng để kiếm 400 rupee (tương đương 135.000 đồng) một tháng. Khoản thu nhập ít ỏi khiến Rani rời khỏi làng với hy vọng có thể “đổi đời”.

Như nhiều đứa trẻ khác, Rani bị lừa đến Delhi, phải làm Ôsin không lương. Ngày nọ, Rani bị một gã làm công cưỡng bức. Cô cầu cứu chủ nhà, nhưng không ai quan tâm. Nửa tháng sau, Vikas, gã chồng bất lương của người bạn gái cùng làng đến đón cô đi, chỉ để bán cô cho một người bạn của y. Sau đó, cô được đưa đến Indore, trung tâm thương mại của bang Madhya Pradesh, và được “sang tay” cho gã khác nữa. Đến lúc này, hắn ta lại bán cô cho gia đình Rathore Singh lấy 20.000 rupee.

Vet nho lao dong tre em o An Do
Các bé gái tham gia vào công việc nặng nhọc là đóng gạch

Một lần nữa, Rani lại thành Ôsin, bị gia đình chủ mới ngược đãi. Mới 15 tuổi, Rani đã trải qua cuộc sống đau khổ không khác gì địa ngục. Nhờ một nữ sinh tốt bụng mà câu chuyện của cô đến tai Childline - tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em làm “nô lệ” trong các gia đình. Cảnh sát đã hỗ trợ nhóm Childline giải cứu Rani và đưa vụ việc ra ánh sáng.

Không phải ngẫu nhiên mà giải Nobel Hòa bình năm 2014 được trao cho ông Kailash Satyarthi, nhà hoạt động vì quyền của trẻ em người Ấn Độ từ thập niên 1990. Tổ chức Bachpan Bachao Andolan (BBA) của ông Satyarthi đã giải cứu hơn 80.000 trẻ em khỏi các hình thức nô lệ và giúp đỡ các em tái hòa nhập xã hội thành công thông qua giáo dục.

Điểm chung của những “nô lệ” thời nay là làm không công đủ việc (đóng gạch, cuốn thuốc lá, hái chè, thêu quần áo, dệt thảm, nấu ăn...) để trả nợ cho cha mẹ; thường xuyên bị bỏ đói, đánh đập, nhục mạ, các em gái thường bị chủ lạm dụng tình dục. Theo ước tính của chính phủ Ấn Độ, khoảng nửa triệu bé gái nước này âm thầm kéo lê cuộc đời Ôsin trong bốn bức tường kín của các gia đình khá giả. Những em gái kém may mắn hơn thì bị mua đi bán lại và thường kết thúc trong một nhà chứa.

Báo cáo năm 2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, số lao động Ấn Độ từ 5 đến 17 tuổi là 5,7 triệu em; còn Unicef đưa ra con số 10,2 triệu, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Luật pháp Ấn Độ rất mơ hồ về ranh giới giữa làm việc hợp pháp và bất hợp pháp. Chủ tịch Ủy ban quốc gia Bảo vệ quyền trẻ em của Ấn Độ, ông Kushal Singh, châm biếm, luật nói “không được phép thuê trẻ em dưới 14 tuổi làm việc trong các ngành nghề độc hại”, vậy với ngành nghề không độc hại thì một đứa trẻ hai tuổi cũng có thể… được tuyển dụng? Ông kết luận, dự luật mới rõ ràng là bước thụt lùi trước thực trạng lao động trẻ em tệ hại ở Ấn Độ, mặc dù bây giờ nó còn phải chờ Tổng thống Pranab Mukherjee phê chuẩn để trở thành luật.

Thanh Hải (Theo Reuters, BBC, NDTV, Hindustan Times, PTI Childlineindia. org, Cry.org, Save the Children)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi