Thế giới sẽ không còn rạn san hô

04/01/2021 - 10:35

PNO - Mười năm trước, cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore lưu ý rằng, sự suy thoái lâu dài của các rạn san hô cho thấy “chúng ta sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá mức” và khiến chúng đang mất đi với tốc độ cực nhanh.

Một khóm san hô tại rạn san hô Great Barrier Reef (Úc) bị tẩy trắng khi nhiệt độ nước biển tăng vào năm 2016
Một khóm san hô tại rạn san hô Great Barrier Reef (Úc) bị tẩy trắng khi nhiệt độ nước biển tăng vào năm 2016

Rạn san hô đang chết dần

Một báo cáo “Dự báo về các điều kiện tẩy trắng san hô trong tương lai” do chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) vừa công bố đã đưa ra cảnh báo rằng, hệ sinh thái rạn san hô có thể biến mất trong vòng 30 năm nữa. Leticia Carvalho - người đứng đầu chi nhánh Nước ngọt và Biển của UNEP - nói: “Các rạn san hô sẽ sớm biến mất nếu thế giới vẫn tiếp tục thờ ơ”. Đáng chú ý, tình trạng tẩy trắng san hô kéo dài kỷ lục - từ năm 2014 đến năm 2017 - đã lan rộng trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. 

Khi nhiệt độ môi trường nóng lên, rạn san hô sẽ mất đi zooxanthellae - loài tảo cộng sinh giúp quang hợp - và chết dần, dẫn đến việc san hô bị tẩy trắng. Quá trình tẩy trắng có thể đảo ngược khi nhiệt độ nước biển nguội đi. Nhưng giai đoạn giữa năm 2014 và 2017, nhiệt độ nước biển không giảm đủ để san hô phục hồi.

Các nhà khoa học gọi các rạn san hô là “rừng nhiệt đới của biển” vì chúng là những hệ sinh thái rất đa dạng. Sự hủy diệt rạn san hô sẽ dẫn đến quá trình tuyệt chủng của một số lượng lớn các loài thủy sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của động thực vật dưới đáy biển.

Báo cáo từ UNEP gợi ý rằng, chỉ có hai kịch bản có thể xảy ra đối với hành tinh: một tình huống xấu nhất và một kịch bản lạc quan hơn. Ở tình huống xấu nhất, tái khôi phục những thiệt hại tại các rạn san hô và khả năng nhiệt độ nước biển giảm là rất khó, nên việc tẩy trắng nghiêm trọng có thể dẫn đến các rạn san hô biến mất vào năm 2045. Ở kịch bản lạc quan hơn, nếu các quốc gia vượt qua cam kết hiện tại của họ là giảm 50% lượng khí thải carbon, hiện tượng tẩy trắng nghiêm trọng sẽ không diễn ra cho đến năm 2045. 

Là lỗi của con người

Liên quan đến “hoạt động của con người”, ông Carvalho nhận xét: “Nhân loại phải hành động một cách khẩn cấp, đầy tham vọng và bằng nhiều cách làm mới dựa trên bằng chứng khoa học để thay đổi quỹ đạo cho hệ sinh thái này”. 

Thực tế cho thấy, chính các nhà máy sản xuất khổng lồ trên thế giới đã tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ dựa trên việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng nhiều. Điều này khiến việc sản xuất, hưởng lợi và chịu thiệt mất cân đối. Nghĩa là, khi các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ được hưởng lợi từ than đá, dầu mỏ thì những nơi khác không được lợi mà còn bị tác động nặng hơn do nhiệt độ tăng.

Chính những điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu sức mạnh đoàn kết về vấn đề biến đổi khí hậu của thế giới. Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump không chỉ xem nhẹ Thỏa thuận Paris 2015 mà còn từ chối bị ràng buộc bởi các thỏa thuận. Ngược lại, các quốc gia như Jamaica và Mông Cổ đã cập nhật kế hoạch khí hậu lên Liên Hiệp Quốc trong năm 2020 dù họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ về lượng khí thải carbon toàn cầu. Các quỹ cam kết dành cho nhóm nước đang phát triển để họ tham gia quá trình chống biến đổi khí hậu hầu như đã cạn kiệt, trong khi nợ nước ngoài tiếp tục tăng lên. Điều này cho thấy sự thiếu nghiêm túc từ cộng đồng quốc tế.

Các rạn san hô sẽ chết, điều đó có vẻ chắc chắn. Nếu các nước cứ tiếp tục đứng bên lề cuộc chiến khí hậu thì thế giới dưới biển tiến vào diệt vong. 

Tấn Vĩ (theo Eurasia Review)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI