Thế giới phẳng tuần qua

18/03/2018 - 08:00

PNO - Trạm không gian rơi xuống Trái đất, Chiếc xe điện xoa dịu vấn nạn chảy máu chất xám tại Hy Lạp, Cuộc chiến cai nghiện công nghệ là những điểm nổi bật tuần qua.

Trạm không gian rơi xuống Trái đất

The gioi phang tuan qua
 

Tiangong - 1 từng được xem như biểu tượng tiềm năng của Trung Quốc trong tham vọng nghiên cứu không gian, nhưng trong những tuần tới, tiền đồn quỹ đạo đầu tiên của quốc gia này sẽ rơi xuống trái đất như một quả cầu lửa, có thể phân tán các mảnh vỡ trong bán kính hàng ngàn cây số. 

Cơ quan không gian Trung Quốc đã mất quyền kiểm soát Tiangong - 1, hay Heavenly Palace. 5 năm sau khi được phóng lên quỹ đạo, nó đã giúp Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới vận hành một trạm vũ trụ, sau Hoa Kỳ và Nga. Trạm không gian Tiangong - 1 nhỏ hơn nhiều so với ISS (Trạm không gian quốc tế). 

Được xây dựng hơn một thập niên, ISS có kích thước của một sân bóng đá, có không gian sống của một ngôi nhà 5 phòng ngủ và nặng hơn 400 tấn. Tiangong - 1 nặng khoảng 8,5 tấn và chỉ dài 10m, rộng 3m. Nó có hai bệ ngủ, khu vực ăn uống và nhà vệ sinh bố trí trên tàu đơn Shenzhou. 

Stijn Lemmens, nhà phân tích mảnh vỡ không gian tại trung tâm Darmstadt của cơ quan vũ trụ châu Âu, nói: "Để có thể đưa ra một tuyên bố hợp lý về các rủi ro, chúng ta cần phải biết những gì bên trong nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tin nào từ cơ quan vũ trụ Trung Quốc”.

Chiếc xe điện xoa dịu vấn nạn chảy máu chất xám tại Hy Lạp 

The gioi phang tuan qua
 

Chiếc xe điện mang tên Pyrforos vừa ra khỏi phòng thí nghiệm của Trường đại học Bách khoa tại Athens. Được xem là một "biểu tượng" ở Hy Lạp, xu hướng của tương lai, Pyrforos giành nhiều giải thưởng trong những năm gần đây tại cuộc thi Eco-marathon của Shell, nổi bật là việc xe di chuyển xa nhất với ít năng lượng nhất. 

Đặc biệt, chiếc xe này được nghiên cứu từ phòng thí nghiệm được đầu tư bởi Tesla - một trong những nhà sản xuất xe hơi điện lớn nhất thế giới tại Hoa Kỳ, nhằm xoa dịu vấn nạn chảy máu chất xám của Hy Lạp trong thời gian khủng hoảng kinh tế. 

Nhờ danh tiếng của chiếc Pyrforos, nhiều kỹ sư Hy Lạp được trọng dụng tại trụ sở của Tesla. Tiến sĩ Antonios Kladas thuộc Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens xúc động chia sẻ: “Giấc mơ của nhóm sinh viên thiết kế đã được Tesla hiện thực hóa và mang lại thành công lớn trong ngành công nghiệp  ô tô”.

Giáo sư John Sulston qua đời

The gioi phang tuan qua
 

Nhà tiên phong trong lĩnh vực di truyền học, người dẫn đầu giới khoa học Anh trong dự án Hệ gene con người (Human Genome Project), giáo sư John Sulston, vừa qua đời ở tuổi 75. Ông cũng là người thành lập và điều hành Viện Wellcome Sanger, một trong những tổ chức y - sinh học hàng đầu Anh Quốc. 

Giáo sư Sulston là người đã phân tích dòng tế bào của loài giun tròn Caenorhabditis, giúp chúng trở thành sinh vật đầu tiên được xác định nguồn gốc của từng tế bào một cách chính xác. Cũng với công trình đó, ông đã nhận giải Nobel Y học vào năm 2002. 

Những phát hiện của ông mang ý nghĩa hết sức to lớn đối với y học hiện đại trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư. Năm 2017, ông được Nữ hoàng Anh phong tước vì những đóng góp của mình cho xã hội và khoa học. 

Giáo sư Mike Stratton, Giám đốc Viện Wellcome Sanger chia sẻ: “Đây là sự mất mát không chỉ đối với nước Anh, giáo sư Sulston là một nhà lãnh đạo khoa học vĩ đại, ông đã mang đến một trong những kiến thức giá trị nhất của khoa học thế kỷ XX”.

Đọc sách trong 120 giờ

The gioi phang tuan qua
 

Bạn sẽ làm gì trong 120 giờ không ngừng nghỉ để tìm kiếm kỷ lục thế giới? Đọc sách là cách một thanh niên Nigeria biến giấc mơ thành hiện thực. Cuối tuần qua Boyade Treasures-Oluwunmi đã giành được kỷ lục thế giới về việc đọc marathon (đọc không ngừng) lâu nhất. 

Việc đọc kéo dài hơn 120 giờ với thời gian nghỉ 2 giờ cho mỗi 24 tiếng đã giúp anh vượt qua kỷ lục được lập năm 2008. Kỷ lục thế giới xếp thứ 2 hiện nay thuộc về một người Nepal, người này đã đọc tổng cộng 17 cuốn sách trong 113 giờ 15 phút.

Còn Boyade đã dành 122 giờ trong thời gian 5 ngày, ở lì tại thư viện Herbert Macaulay thuộc thủ phủ thương mại của Nigeria, thành phố Lagos. Anh chia sẻ câu chuyện và động lực khi bắt đầu cuộc chinh phục: "Tôi dành 120 giờ không ngừng cho tình yêu đọc sách. Tôi làm vì văn hóa quê hương".

HIV bùng phát tại Philippines

The gioi phang tuan qua
 

Tỷ lệ nhiễm HIV tại Philippines đã tăng mạnh trong một thập niên qua, trong khi tỷ lệ nhiễm bệnh trên thế giới đang bắt đầu suy giảm. Nguyên nhân vẫn chưa được xác định chính thức nhưng theo các nhà nghiên cứu, có thể là do tác hại của một chủng loại HIV kháng thuốc gây ra.

Chủng vi-rút HIV loại A/E thuộc nhóm phụ nhưng lại mạnh hơn, kháng thuốc và làm tiến triển bệnh tới giai đoạn Aids nhanh hơn nhiều so với vi-rút loại B thường được tìm thấy ở các nước phương Tây. Liên Hiệp Quốc ước tính, từ năm 2010, tại Philippines, số ca nhiễm mới HIV tăng 140%.

Tổng số người nhiễm toàn quốc từ 5.000 ca vào năm 2006 đã vượt 56.000 ca sau 10 năm, biến quốc gia này thành nơi có tỷ lệ nhiễm HIV nhanh nhất châu Á Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Edsel Salvana, Viện trưởng Viện Sinh học phân tử và Công nghệ sinh học tại Đại học Philippines, nói: “Những lợi thế mà chúng tôi đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ nhiễm HIV sẽ tiêu tan nếu không tiến hành nghiên cứu và điều trị HIV loại A/E ngay bây giờ”. Philippines có lẽ sẽ cần nhiều nguồn lực khoa học hơn trong cuộc chiến lâu dài này.

The gioi phang tuan qua
 

Cuộc chiến cai nghiện công nghệ

Cựu nhân viên sáng tạo của Google, cũng là nhà cố vấn đầu tư của Facebook - Roger McNamee, là người thành lập và điều hành Trung tâm Công nghệ nhân đạo (Center for Humane Technology). Trung tâm này tập trung một nhóm các cựu nhân viên từ các công ty công nghệ danh tiếng.

Với mục tiêu “đảo ngược cuộc khủng hoảng việc say mê công nghệ” và “định hình lại lợi ích tối ưu của công nghệ với con người”, trung tâm hiện đang phát động các chiến dịch nhằm làm nổi bật các tác động tiềm ẩn của nền tảng công nghệ và truyền thông xã hội đối với người trẻ.

Bên cạnh đó, những nhà cải cách này cũng gây áp lực đối với các công ty công nghệ để họ điều chỉnh các sản phẩm của mình ít gây nghiện hay ít lôi cuốn hơn. Trung tâm cũng tung ra một sản phẩm trí tuệ mang tên “Truth About Tech” (tạm dịch: Chân lý công nghệ) nhằm hướng dẫn các gia đình trong cuộc chiến thế kỷ này.

Ngoài ra, họ cũng đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách đề cập đến các tiêu chuẩn về đạo đức thiết kế cho các ngành công nghệ, hoặc phải áp dụng các quy định tương tự như ngành công nghiệp thuốc lá hay bia rượu.

Anh Trí (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI