Thấy gì từ cơn sốt dừa ở đồng bằng sông Cửu Long?

24/05/2025 - 06:45

PNO - Những ngày qua, tại các vùng trồng dừa ở miền Tây Nam Bộ, thương lái tranh nhau lùng mua dừa để tiêu thụ nội địa và cung ứng cho các công ty xuất khẩu. Giá dừa trái đang cao kỷ lục khiến người trồng dừa hết sức phấn khởi. Thế nhưng, mức giá cao liệu có kéo dài và còn điều gì đáng lo đằng sau cơn sốt này?

Giá tăng, nhà máy đói nguyên liệu

Nhiều năm trồng dừa, chưa bao giờ gia đình bà Luyện Thị Lệ (ấp Phú Đức, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) vui như hiện nay. Vườn dừa của bà rộng hơn 14 công (1 công = 1.000m2), tháng này thu hoạch khoảng 1.800 trái dừa khô, được thương lái thu mua bình quân từ 210.000-230.000 đồng/chục (12 trái). Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, giúp bà thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Các năm trước, mỗi tháng, bà chỉ lời cao nhất khoảng 10 triệu đồng.

Ông Trần Văn Hùng - ở xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - tâm sự: “Mấy tháng trước, khi giá dừa nguyên liệu vọt lên 150.000 rồi 180.000 đồng/chục, bà con đã mừng lắm rồi, không ngờ giá dừa tiếp tục tăng lên 230.000 đồng/chục. Không ai nghĩ trồng dừa mà lời to như vầy”. Nông dân trồng dừa ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long cũng có chung niềm vui tương tự.

Dừa trái ở tỉnh Bến Tre có giá trên 200.000 đồng/chục giúp người trồng dừa thu lợi nhuận cao ẢNH: HUỲNH LỢI
Dừa trái ở tỉnh Bến Tre có giá trên 200.000 đồng/chục giúp người trồng dừa thu lợi nhuận cao ẢNH: HUỲNH LỢI

Do thương lái mua dừa với giá cao và chịu khó vào tận vườn nên đã gom được lượng lớn dừa trong dân. Ông Trần Quốc Ửng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - than: “Nhiều nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa không mua đủ dừa nguyên liệu dù giá rất cao. Hợp tác xã của chúng tôi tháng rồi chỉ gom được hơn 160.000 trái dừa để cung ứng cho nhà máy, còn tháng Năm này dự kiến chỉ mua được khoảng 110.000 trái trở lại”.

Theo ông Ngô Hữu Sự - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Vạn Hưng, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh - hợp tác xã đã cố thu mua dừa khô ở nhiều nơi trong tỉnh Trà Vinh, mua sang cả tỉnh Vĩnh Long nhưng chỉ gom được hơn 90.000 trái mỗi tuần, quá ít so với lượng dừa được các doanh nghiệp đặt hàng.

Ông Trần Văn Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) - cho hay, do giá dừa nguyên liệu quá cao, nguồn hàng lại thiếu trầm trọng nên hàng loạt nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa ở đồng bằng sông Cửu Long thiếu dừa nguyên liệu, có nhà máy chỉ hoạt động 20% công suất và chưa dám ký đơn hàng mới với đối tác. Một số nhà máy đành phải nhập dừa nguyên liệu từ Indonesia để chế biến, chấp nhận tốn chi phí vận chuyển.

Chế biến mật hoa dừa hữu cơ ở  Công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm), huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
Chế biến mật hoa dừa hữu cơ ở Công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm), huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh

Nỗi lo “chảy máu” nguyên liệu thô

Ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam - lưu ý, hiện nay, không chỉ giá dừa nguyên liệu trong nước lên cơn sốt mà giá dừa ở các nước châu Á cũng tăng rất cao. Theo ông, giá dừa trái cao là do đang nghịch vụ, sản lượng dừa chưa nhiều, năng suất lại thấp do biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hầu hết các nước trồng dừa nhiều đều bị mất mùa trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng, khiến cung thấp hơn cầu.

Ông cho rằng, từ tháng Tám, tháng Chín trở đi, dừa vào mùa thu hoạch chính, lượng trái sẽ nhiều nhưng sức tiêu thụ chậm lại do tiết trời chuyển sang mát mẻ, giá dừa sẽ giảm. Do vậy, các ngành chức năng, nhà khoa học cần nghiên cứu phương án canh tác hợp lý để dừa ra trái đều quanh năm, giải quyết tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu.

Cảnh báo về tình trạng “chảy máu” nguyên liệu dừa thô ra nước ngoài, ông Trần Văn Đức cho biết, hiện có hàng chục nhà máy sơ chế dừa của các doanh nghiệp nước ngoài đặt ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ chuyên thu mua dừa nguyên liệu về, sản xuất nước dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông rồi đưa ra nước ngoài tiêu thụ, bởi họ hưởng thuế suất 0%.

Ông nói: “Các doanh nghiệp này không đầu tư vùng nguyên liệu, không bao tiêu đầu ra cho nông dân lâu dài nhưng sẵn sàng thu mua dừa với giá cao khiến các nhà máy chế biến sâu trong nước lao đao. Các doanh nghiệp dừa ở tỉnh Bến Tre đã nhiều lần kiến nghị ngành chức năng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu dạng thô nhưng đến nay, chưa có chuyển biến gì. Hiện có 40 - 50% nguyên liệu dừa thô của Bến Tre chạy ra nước ngoài” .

Theo ông, tỉnh Bến Tre có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dừa các loại. Các doanh nghiệp này đã đầu tư công nghệ, chế biến sâu sản phẩm dừa, tạo ra hơn 200 sản phẩm từ dừa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Chế biến sâu trái dừa là hướng đi bền vững, nâng cao giá trị cây dừa. Cơn sốt dừa hiện tại cũng đặt ra vấn đề quy hoạch hướng phát triển cho cây dừa nói riêng, nông sản nói chung.

Một cơ sở ở tỉnh Bến Tre thu mua dừa nguyên liệu để chế biến sản phẩm xuất khẩu
Một cơ sở ở tỉnh Bến Tre thu mua dừa nguyên liệu để chế biến sản phẩm xuất khẩu

Năm 2025, xuất khẩu dừa sẽ đạt 1,2 tỉ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có khoảng 200.000ha dừa, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, với sản lượng mỗi năm khoảng 2 triệu tấn trái. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dừa chỉ 180 triệu USD thì đến năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD, năm 2024 đạt gần 1,1 tỉ USD và năm 2025 dự kiến đạt 1,2 tỉ USD. Các sản phẩm từ dừa đang được xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đến năm 2030, cả nước có khoảng 195.000 - 210.000ha dừa, sản lượng dừa mỗi năm 2,1-2,3 triệu tấn. Ngành chuyên môn sẽ chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất, như dừa xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa dứa… Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, khoảng 30% diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng.

Sản phẩm từ dừa của Việt Nam ngày càng đa dạng

Báo cáo của Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có 4 nhóm sản phẩm từ dừa và liên quan đến dừa. Trong đó, các sản phẩm chế biến sâu ngày càng đa dạng, chiếm tỉ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa.

Cụ thể, nhóm 1 gồm các sản phẩm ngành thực phẩm, mỹ phẩm và y dược với hơn 45 loại sản phẩm, quy tụ hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, chiếm 43% (tương đương 470 triệu USD) trong kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024. Nhóm 2 là các sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, gỗ và giá thể nông nghiệp, với hơn 30 loại sản phẩm, với khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất và xuất khấu, đóng góp khoảng 20% (218 triệu USD) trong kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Nhóm 3 gồm các sản phẩm nguyên liệu như dầu dừa thô, bột béo từ nước dừa, dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông với 5 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp khoảng 10% (109 triệu USD) trong kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Nhóm 4 gồm sản phẩm dừa tươi, chiếm 27% (294 triệu USD) trong kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dừa năm 2024.

Trồng dừa, bán được tín chỉ các bon

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho hay, toàn tỉnh có hơn 79.000ha dừa, có tiềm năng lưu trữ khoảng 1,9-5,8 triệu tấn khí các bon (CO2). Do đó, tỉnh có cơ hội để tham gia thị trường tín chỉ các bon. Các ngành chuyên môn ước tính, trung bình 1ha vườn dừa ở Bến Tre có thể lưu giữ từ 25-75 tấn CO2.

Với giá bán tín chỉ các bon thấp nhất là 5 USD/tấn CO2 thì Bến Tre có thể thu về 10-30 triệu USD từ cây dừa. Bên cạnh đó, dựa trên số liệu so sánh ứng dụng bản đồ viễn thám và GIS, lượng CO2 giữ lại trong cây trồng ở Bến Tre tăng từ 158 triệu tấn năm 2018 lên 169 triệu tấn vào năm 2023.

Theo ông Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ - giá trị mới của cây dừa chính là tiềm năng lưu giữ các bon, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền sản xuất phát thải các bon thấp.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI