Thầy cô vùng cao tất bật đi “gom” học trò sau tết

01/02/2023 - 06:08

PNO - Sau 2 tuần ăn tết cùng gia đình, không ít học sinh vùng cao được trớn, nghỉ học luôn. Vì vậy, giáo viên vùng cao thường phải kết thúc kỳ nghỉ tết sớm hơn để lên thôn bản, đến tận các hộ dân vận động học sinh trở lại trường.

Lên núi đón học sinh 

Mặt trời rải những tia nắng xuân mơ vàng khắp sân Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Bà Lê Hoàng Yến - Phó hiệu trưởng nhà trường - nhìn bọn trẻ tíu tít bên mấy gốc đào rừng cánh bung rực rỡ giữa sân: “Các em trở lại thì bếp ấm, trường vui. Nhưng chúng tôi vẫn chưa yên tâm vì còn một số em chưa trở lại trường”. 

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải trở lại trường sau kỳ nghỉ tết, đang trồng rau xanh cho các bữa ăn bán trú tại trường
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải trở lại trường sau kỳ nghỉ tết, đang trồng rau xanh cho các bữa ăn bán trú tại trường

Giờ ra chơi của tiết học đầu tiên sau tết, các thầy cô giáo thay nhau vào phòng hội đồng của trường báo cáo sĩ số. Họ cũng gọi điện thoại đến các gia đình có con em chưa tới lớp hoặc gọi cho cán bộ thôn, bản nếu phụ huynh không có điện thoại. Những giáo viên không có giờ lên lớp thì chạy xe máy tới bản tìm học sinh.

Bà Lê Hoàng Yến nói: “Xã Nậm Khắt có 9 bản. Hầu hết dân trong xã là người Mông, sống trên những ngọn núi cao, kinh tế khó khăn. Trước tết, chúng tôi vừa tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh vui xuân, vừa thường xuyên nhắc các em ghi nhớ khung thời gian nghỉ để trở lại trường đúng ngày giờ quy định”.

Khi học sinh về bản nghỉ tết, các thầy cô cũng phối hợp với cán bộ thôn, bản đến từng gia đình thăm hỏi và nhắc nhở lịch trở lại trường. Năm nay, mùng Chín tháng Giêng, học sinh đến lớp nhưng trước đó mấy ngày, các giáo viên của Trường PTDTBT tiểu học Nậm Khắt lại chia nhau cắt núi, vượt rừng lên các bản để tiếp tục nhắc phụ huynh và học sinh ngày đi học lại. 

Năm nào cũng thế, sau tết, các thầy cô giáo lại tất bật đi “gom” học trò. Xế trưa, bọn trẻ lục tục về phòng ngủ, bà Hoàng Yến vẫn chốc chốc nhìn điện thoại hoặc ngóng về phía cổng trường. Khay cơm trên bàn đã nguội ngắt. Gương mặt tròn, phúc hậu của bà dần giãn ra sau những cuộc điện thoại. Bà nói: “Các thầy cô ở bản báo, một số em bị ốm, một số em khác mải chơi, quên lịch học; thầy cô đang chờ các em sắp quần áo, đồ dùng cá nhân để chở các em về trường”.

Bên kia đèo, Chủ tịch HĐND xã Nậm Búng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cũng đang cùng các thầy cô Trường PTDTBT tiểu học và THCS Nậm Búng đến các bản Sài Lương, Nậm Chậu để vận động số học sinh còn thiếu trở lại trường. Năm nào cũng vậy, sau tết, 2 bản cách trường 14 - 15km này luôn có ít học sinh trở lại trường nhất bởi người Dao ở 2 bản này có nhiều ngày kiêng kỵ: ngày con hổ không được ra đường, ngày kim thì không được đụng đến đồ kim loại… 

Các thầy cô giáo trường Nậm Búng và chính quyền các cấp phải tuyên truyền, thuyết phục gia đình, kết hợp tổ chức văn nghệ, thể thao ngay sau kỳ nghỉ tết để lôi kéo học sinh trở lại lớp.

Ngủ ở bản để vận động phụ huynh 

Ở tỉnh Lai Châu, các thầy cô Trường THCS Tả Lèng (huyện Tam Đường), Trường PTDTBT tiểu học Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn) cũng tỏa về các bản để “gom” nốt những học trò chưa trở lại lớp.

Giáo viên Trường THCS Tả Lèng đến từng nhà vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ tết
Giáo viên Trường THCS Tả Lèng đến từng nhà vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ tết

Ông Nguyễn Văn Trưởng - Hiệu trưởng Trường THCS Tả Lèng - cho biết: “Mấy năm nay, số học sinh đến trường muộn, bỏ học sau tết đã giảm rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, do học sinh của trường thuộc các dân tộc thiểu số, lại ở tuổi mới lớn, ham chơi nên cứ ra tết, thầy cô và cán bộ chính quyền các cấp của xã Tả Lèng phải tuyên truyền, vận động học sinh trở lại trường đầy đủ”.

Thấy thầy giáo Nguyễn Văn Trung đến nhà, đôi má Hảng Thị Sa (bản Phìn Ngan, xã Tả Lèng) đỏ ửng. Cô bé lớp Tám lí nhí: “Em xin lỗi thầy. Hôm qua, em đi hội với bạn nên không đến trường”. Hảng A Trư - cha của Sa - gãi đầu, gãi tai: “Xin lỗi thầy giáo nhớ. Tôi cũng quên mất lịch mà thầy giáo với trưởng bản A Giàng dặn”. Trưởng bản A Giàng rủ rỉ: “Bản mình xa trung tâm, mình càng phải cẩn thận, đề phòng đám người xấu dụ dỗ con bỏ học. A Trư sửa soạn theo thầy Trung đưa Sa xuống trường luôn nhé”.

Đã thành thông lệ, những cuốc xe khai xuân của thầy giáo Phạm Quốc Bảo (Trường PTDTBT tiểu học Nậm Manh) là những chuyến lên bản đón học trò trở lại trường. Thầy Bảo cùng các giáo viên nam sẽ đến những bản xa như Nậm Nàn - nơi có 30 nóc nhà người Mông sống chon von trên núi cao. Thầy Bảo cười: “Các cô giáo được ưu tiên đi bản gần thôi. Bản xa như Nậm Nàn phải để giáo viên nam đi mới hiệu quả. 30 hộ dân này đều nghèo; giáo viên, cán bộ mà không đến vận động là bà con cho con em nghỉ học để đi nương. Học sinh đến từ Nậm Nàn cũng nghịch ngợm hơn, hay trốn học hơn học sinh đến từ các bản khác”. 

Cuối ngày, thầy Bảo chở Sùng A Cường, Sùng A Chinh về trường. Thầy giáo Lò Văn Manh ở lại nhà trưởng bản Sùng A Thùng để cùng trưởng bản vận động nốt mấy gia đình còn lại.

Dùng kẹo bánh, clip vui nhộn gọi trò trở lại trường

Ở tỉnh Quảng Trị, các giáo viên của các trường vùng cao cũng đang về tận thôn bản, đến từng nhà vận động học sinh trở lại trường. Từ mùng Bốn, giáo viên Trường tiểu học và THCS A Xing (huyện Hướng Hóa) đã đến từng nhà học sinh để “lì xì” sách, dặn trò trở lại trường đúng ngày.

Ở xã biên giới Pa Ủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), cô giáo Bùi Minh Khuyên (Trường PTDTBT tiểu học Pa Ủ) đọc tin tức “lì xì” sách của đồng nghiệp ở Quảng Trị mà cứ tủm tỉm cười: “Với học trò vùng cao, nhất là tiểu học, nhiều khi phải dỗ, bọn trẻ mới chịu trở lại trường”. Vừa hết 3 ngày tết, cô Khuyên đã xin bánh kẹo khắp nơi để chuẩn bị cho những ngày đi “gom” học trò.

Cô Khuyên cùng các giáo viên trong trường phải đến những khu dân cư cách trường 20km đường rừng để tìm học sinh. Cô kể: “Có khi, vừa thấy cô giáo đến đầu bản, học trò liền chạy vào rừng trốn, có em ở lì trên nương, không về nhà. Chúng tôi phải chia bánh kẹo cho các em sẵn sàng đến trường để dụ bọn trẻ về bản, lại còn dụ “em nào theo cô về trường, sẽ được nhiều kẹo bánh hơn”. Phải vừa vận động phụ huynh, vừa dỗ học sinh, các em mới trở lại trường đầy đủ”.

Cô giáo Hà Phương mới chuyển công tác từ vùng thấp lên xã miền núi Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) được 1 học kỳ. Lần đầu tiên làm quen với việc đi “gom” học trò sau kỳ nghỉ tết, cô Phương có phần lúng túng. Nhưng chỉ sau buổi học đầu tiên, cô Phương đã biết cách dụ học trò. Tan giờ dạy buổi sáng, cô Phương đến từng nhà có con chưa trở lại trường thăm hỏi, ăn trưa, ăn tối, uống ly rượu (theo tục lệ người Mông). Cô nhận ra: “Người Mông rất quý khách, khi thấy cô giáo chân thành thì cô nói gì, phụ huynh cũng nghe”.

Giàng Thị Chua (lớp Ba) chần chừ chưa muốn đến lớp. Cô Phương vẫy Chua lại, mở điện thoại cho Chua xem các bạn diễn văn nghệ, liên hoan ở trường. Cô lại mở cho Chua xem những bài học tiếng Anh ngộ nghĩnh, vui nhộn bằng phim ngắn (clip) và rủ: “Chua có muốn về lại trường với cô, với các bạn không?”. Chua thích lắm: “Chua đi lấy quần áo rồi cô Phương chở Chua về trường nhé”. 

Nói đoạn, Chua nhảy chân sáo ra phía chái nhà, rút váy áo Mông sặc sỡ xếp gọn vào túi. Em cười rạng rỡ như những đóa hoa tớ dày đang nhuộm hồng các rông núi Lao Chải đầu xuân.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI