Thanh thản “nghệ thuật ngày thường”

06/03/2020 - 08:21

PNO - Từ trung tâm cách ly quận 3, TPHCM, Nguyễn Thùy Dung (28 tuổi, đang theo học tại Đại học Hanyang, Hàn Quốc) đã gửi đi một thông điệp tích cực đến cộng đồng: “Hãy tin nhà nước mình đang làm rất tốt công tác phòng dịch, rất chặt chẽ nhưng mềm mỏng, dễ thương”...

Cơ hội “giải độc” chính mình

“Hot girl trong làng cách ly”, “Cô gái vàng trong làng cách ly” hay “Cô vợ quốc dân”… - những mỹ từ “trên trời rớt xuống” sau khi bài viết “Mình quyết định sẽ đi… cọ nhà vệ sinh” của Dung đăng tải ngay ngày đầu tiên ở trung tâm cách ly quận 3, nhận được sự chia sẻ lớn từ cộng đồng. 

Nguyễn Thùy Dung - cô gái “vàng” trong làng cách ly
Nguyễn Thùy Dung - cô gái “vàng” trong làng cách ly

Mỗi buổi sáng mở mắt ra, con người phải “tiêu hóa” một khối thông tin tiêu cực khổng lồ trên báo chí về diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên khắp thế giới; thì thái độ tích cực của một người trong cuộc - đang chưa biết bản thân được gắn kết quả âm tính hay dương tính với virus chủng mới - lại khiến nhiều người có cảm giác được “giải độc”. Hơn 6.500 lượt “thích”, hơn 500 lượt chia sẻ, không có gì đáng ngạc nhiên, khi bài viết của Dung nhận được nhiều lượt tương tác đến vậy. Dung nói, cô rất bất ngờ vì điều đó; nhưng vui và ấm lòng hơn là nhận được rất nhiều lời chúc sức khỏe từ những cô chú, anh chị khắp nơi gửi đến, dù “chúng ta không hề quen biết nhau”.

Dung nói: “Mình không mưu cầu sự nổi tiếng gì cả, chỉ mong muốn trong thời gian này, có thể bằng sự yêu đời của mình, giúp mọi người đối mặt với dịch nhẹ nhàng hơn, hài hước hơn một chút”.

Tôi hỏi cô gái 9x này, chẳng lẽ không có một chút gì hoang mang khi lá bài sinh - tử vẫn chưa lật hẳn về phía nào. Con người đâu phải gỗ đá? “Sợ chứ” - vì không biết ngày mai, ngày kia, kể cả ngày thứ 14 - thời hạn cuối của đợt cách ly sẽ ra sao. Chưa kể, cô là bệnh nhân người Hà Nội duy nhất cách ly ở đây, rất nhớ nhà, nhớ mẹ. Thế nhưng, “càng sợ, càng tự dặn mình phải vui vẻ lạc quan và biết ơn cuộc đời thật nhiều. Mình tích cực, thì những cô chú, anh chị đang chăm sóc, phục vụ mình mỗi ngày cũng đỡ mệt mỏi, căng thẳng chứ ha”, Dung thủ thỉ.

Những ngày ở khu cách ly, với cô, là những ngày “thả lỏng” thật sự. Ngó vào trái tim mình, lắng nghe hơi thở của mình, “giải độc” tâm hồn khỏi những năng lượng tiêu cực. Nhìn cuộc đời an vui hơn. Cô ghi lại nhật ký mỗi ngày. 

Những ngày bên trong và bên ngoài khu cách ly, vì thế, cũng trở nên nhiều sắc màu hơn cách cô nghĩ về/tưởng vọng trước đó. Để biết, cơ hội cảm nhận được nhịp điệu của cuộc sống thường ngày, được hòa mình vào dòng người bận rộn, nghe tiếng còi xe, đói thì tấp vô đường ăn gói xôi, được tự do làm những việc mà mình thích, thật là đáng quý. Để biết, có sức khỏe là có tất cả thế nào.

Cách Thùy Dung ghi lại “nghệ thuật ngày thường”
Cách Thùy Dung ghi lại “nghệ thuật ngày thường”

Trải nghiệm đặc biệt nhất cuộc đời

Khi Hàn Quốc trở thành một trong những “ổ dịch” mới của thế giới, Dung không định về nước. “Bởi nhiều lần từ trường về nhà trọ, phải đi xuyên qua các đoàn biểu tình ở thủ đô Seoul và có thể đã nhiễm bệnh từ một ai đó. Tôi sợ nếu về, mình sẽ lây bệnh cho người khác”, Dung nhớ lại.

Thế nhưng vì sự sốt ruột và những giọt nước mắt của mẹ, cô đã quyết định quay về. Không đặt được vé về Hà Nội, Dung bay từ Seoul về TPHCM tối 26/2 với ý nghĩ “dù sao ở nước mình cũng tốt hơn”. Sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cô được kiểm tra sức khỏe và được đưa thẳng về một trung tâm cách ly thuộc Bệnh viện quận 3 nằm trên đường Trần Quang Diệu. Về tới nơi, cũng là lúc ngày cũ đã vắt sang ngày mới, với nhiều xa lạ, âu lo đang đón đợi trước mắt.

Tôi không thể hình dung được một cách đầy đủ tâm trạng của Dung khi đó. Một cô gái Hà Nội, từ “tâm dịch” mang theo bao nhiêu thứ phức cảm trong lòng, trở về, đáp xuống TPHCM - nơi cô từng ghé thăm vài ba lần trong cuộc đời nhưng chẳng có kỷ niệm gì đáng nhớ, nhận được thông báo các chuyến bay từ Hàn Quốc về sau 21g, đều được đưa thẳng về nơi cách ly. Dung không kể lể về thứ tâm trạng rất con người đó, cô chọn cách nhớ về những điều tốt đẹp, về trải nghiệm 14 ngày (có lẽ là) đặc biệt nhất trong cuộc đời mình trên đất Sài Gòn.

“Lần này, tôi mới thật sự cảm nhận được tấm lòng của người Sài Gòn chân thành và hồn hậu. Trong bối cảnh quá tải và không khí căng thẳng từ sân bay đến khu cách ly tập trung, kỳ lạ, ai cũng nhẹ nhàng và bình tĩnh, động viên lẫn nhau chứ không hề kêu ca hay cáu gắt. Mọi việc siêu nhẹ nhàng, xuống đến nơi, nhân viên y tế giải thích về việc lây nhiễm, khuyến khích ai ở Daegu và các tỉnh lân cận thì tự giác báo để được chăm sóc y tế kịp thời. Dù có hết thời gian cách ly, khi trở về rồi, chắc chắn tôi sẽ rất nhớ nơi này. Và từ nay về sau, mỗi khi nhắc đến Sài Gòn, nơi đầu tiên hiện lên trong đầu sẽ là Trung tâm cách ly quận 3”, Dung nói.

“Hãy tin nhà nước mình đang làm rất tốt công tác phòng dịch, rất chặt chẽ nhưng mềm mỏng, dễ thương” - cô gửi đi một thông điệp tích cực đến cộng đồng.

Cô viết trên trang cá nhân của mình: “Có quê hương thế này để về, thật sự không còn biết cám ơn gì hơn nữa. Có một niềm tin đang được lấp đầy dần lên, mang tên con người, quê hương mình. Bỗng thấy tình yêu nước trọn vẹn thành hình hài, điều mà trước giờ, thế hệ mình vẫn còn mơ hồ”. 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI