Thân thương từng cái tên, mỗi gương mặt

14/06/2023 - 06:11

PNO - Cần một sự tri ân, tôn vinh đến chung cả cộng đồng các nữ vận động viên thể thao. Họ rất xứng đáng.

Cua-rơ Nguyễn Thị Thật, nhờ thành tích vô địch châu Á, trở thành vận động viên (VĐV) Việt Nam đầu tiên giành vé dự Olympic Paris 2024. Hôm nay đọc bản tin này, tôi nhớ lại mình khi còn là cậu bé, ngồi canh bản tin thể thao trên sóng phát thanh về SEA Games 1989 tại Malaysia, sự kiện đầu tiên Việt Nam chính thức hội nhập trở lại với đấu trường thể thao quốc tế.

Nguyễn Thị Thật giành cú đúp HCV ở đấu trường SEA Games
Nguyễn Thị Thật giành cú đúp HCV ở đấu trường SEA Games

“Xạ thủ Ngô Ngân Hà đã giành tấm huy chương vàng (HCV) đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam…” - giọng phát thanh viên vang trên sóng phát thanh. Nó không ồn ào, cố ra vẻ hoa mỹ như các bình luận viên truyền hình bây giờ. Đó là giọng đọc nghiêm túc nhưng không giấu được sự xúc động. Ngô Ngân Hà, lúc đó tôi tự hỏi, liệu còn cái tên nào đẹp hơn cái tên này không? 

Và sau đó, theo một cách rất tự nhiên, những cái tên và gương mặt nữ VĐV trở nên lôi cuốn tôi. Đó là “nữ hoàng” Nguyễn Kiều Oanh và “thần đồng” Võ Trần Trường An dưới đường đua xanh. Là Trương Hoàng Mỹ Linh, Phạm Đình Khánh Đoan ở đường chạy, với chạy vượt rào có Bích Hường, nhảy xa có Bích Vân. Là gương mặt bình thản của Vũ Thị Nô-En, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Bích Ngọc bên bàn bóng bàn.

Tôi say sưa ngắm tấm hình chụp 2 nữ cầu thủ bóng chuyền, chủ công Thu Hằng và chuyền hai Thanh Hà của đội Bộ Tư lệnh thông tin, đăng trên trang bìa Báo Thể thao và Văn hóa. Sao lại có những người đẹp đến thế. Lúc đó hoa khôi bóng chuyền Phạm Kim Huệ còn đang tập ở đội trẻ, chưa nổi tiếng. 

Nếu ai bảo thể thao nữ không được dư luận quan tâm là sai, hoàn toàn sai. Bộ phim cách đây chừng 30 năm Cô thủ môn tội nghiệp giờ vẫn còn được nhớ. Diễn viên Thanh Mai cho đến giờ mỗi khi xuất hiện trên truyền thông vẫn được gắn với cụm từ “cô thủ môn tội nghiệp”. Nào, đố bạn nhớ cuốn phim nào về thể thao khác của Việt Nam đấy?

Những thành tích “đầu tiên” thường được các VĐV nữ mang về. Ngô Ngân Hà như đã kể. Trần Hiếu Ngân môn taekwondo mang về huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam. Đội bóng nữ đi dự World Cup 2023… Rất nhiều. Nhất thời không thể kể hết. Đến đây tôi lại nhớ nụ cười của Văn Thị Thanh, cô gái 18 tuổi ghi bàn quyết định giúp đội tuyển bóng đá nữ giành HCV SEA Games 2003 trên sân nhà. 

Không thể dùng vài lời để mô tả hết không khí sục sôi của những ngày cách đây 20 năm khi lần đầu Việt Nam tổ chức SEA Games. Dường như trong lịch sử thể thao Việt Nam, không có sự kiện nào được người dân mong chờ như việc đội tuyển bóng đá nam giành HCV năm đó. Nhưng đội tuyển nam thất bại, và nụ cười Văn Thị Thanh giúp sưởi ấm cho những trái tim tan vỡ. 

Gần đây, tôi có xem cuốn phim Đoạt quán (Leap) làm về cuộc đời của huyền thoại Lang Bình và đội bóng chuyền nữ Trung Quốc, khi bà là VĐV giành HCV Olympic 1984. Hơn 30 năm sau, bà vực lại bóng chuyền nữ Trung Quốc từ đống đổ nát để làm nên kỳ tích đoạt HCV Olympic 2016. Diễn viên Củng Lợi thủ vai Lang Bình tuyệt vời, Đoạt quán được giải Kim Kê 2020 cho hạng mục Phim hay nhất. Một bộ phim thể thao xúc động đến nghẹt thở.

Tôi không biết đến khi nào các nhà làm phim Việt Nam làm được cuốn phim xúc động như vậy về các nữ VĐV thể thao Việt Nam. Mồ hôi, nước mắt, tuổi xuân, sự kỳ thị, tai nạn nguy hiểm đến tính mạng… Cần một sự tri ân, tôn vinh đến chung cả cộng đồng các nữ VĐV thể thao. Họ rất xứng đáng.

Chính Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI