"Thần thoại Bắc Âu" của Neil Gaiman: "Đôi mắt mới" cho những miền đất cũ

04/04/2021 - 06:59

PNO - Trong cuốn sách “Norse Mythology”, nhà văn Neil Gaiman đưa ra góc nhìn mới mẻ, đậm tính châm biếm với những nhân vật mà người đọc tưởng đã quen thuộc.

Neil Gaiman (sinh năm 1960) là một trong những nghệ sĩ đa năng và giàu sức sáng tạo bậc nhất hiện nay. Ông được công nhận rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ văn chương, hội họa đến điện ảnh. Trên cương vị nhà văn, Gaiman là tác giả của những cuốn sách “gối đầu giường” với nhiều thế hệ độc giả phương Tây, như Coraline, Stardust, Câu chuyện nghĩa địa...

Các điển tích, điển cố trong truyện thần thoại luôn là nguồn cảm hứng lớn cho văn chương của Neil Gaiman. Năm 2017, ông cho ra mắt tác phẩm Norse Mythology (Thần thoại Bắc Âu), tổng hợp loạt truyền thuyết tiêu biểu của kho tàng thần thoại này, đồng thời sử dụng giọng văn đặc trưng để kết nối thành một mạch truyện lớn: Từ lúc cây sinh mệnh Yggdrasil rẽ nhánh sinh ra Cửu giới, cho đến trận đại chiến báo hiệu ngày tàn của các vị thần Ragnarok. 

Tác phẩm Thần thoại Bắc Âu của Neil Gaiman. Ảnh: Sách Nhã Nam
Tác phẩm "Thần thoại Bắc Âu" của Neil Gaiman - Ảnh: Sách Nhã Nam

Một “vũ trụ thần thoại” rất khác “vũ trụ điện ảnh Marvel”

Tuyến truyện trong Norse Mythology xoay quanh ba vị thần lớn của Bắc Âu: Thor, Loki và Odin. Trên thực tế, không ít khán giả hiện đại biết đến thần thoại Bắc Âu thông qua các sản phẩm văn hóa đại chúng, như loạt phim Avengers đình đám của hãng Marvel. Ở đó, công chúng đã quen với hình tượng Thor là một siêu anh hùng dũng mãnh sát cánh bên Captain America và Iron Man, với cơ bắp cuồn cuộn và khuôn mặt điển trai như tài tử.

Tuy nhiên, trong những trang viết của Neil Gaiman, hình tượng các vị thần đã bị "xô đổ" một cách thú vị và hài hước. Thor không còn là vị anh hùng quyến rũ mà trở thành một gã “thiên lôi” võ biền, Thần Cả Odin sai đâu thì đánh đó.

Neil Gaiman tả Thor là một vị thần to lớn, tóc đỏ "như củ carrot ninh nhừ", cơ thể kềnh càng do thường xuyên nhậu nhẹt. Trong một câu chuyện, Thor bị một gã khổng lồ thách uống hết một vại rượu. Tưởng là món sở trường, nhưng lạ thay, ngài uống mãi mà không hết. Hóa ra vại rượu ấy là… cổng thông đến đại dương, còn Thor thì háo thắng đến mức không nhận ra mình đang uống nước biển.

Tương tự, Loki cũng được miêu tả là một kẻ ốm o, nhỏ thó, với chiếc mũi quặp và đôi mắt láo liên đúng chất trùm lừa đảo, thay vì hấp dẫn một cách ranh ma như trên phim. Giữa Thor và Loki cũng không có quá nhiều liên kết, vì theo thần thoại, Loki là em kết nghĩa của… Odin, tức là chú của Thor. Trong khi đó, ở "vũ trụ điện ảnh" Marvel, Thor và Loki có mối quan hệ anh em “thương nhau lắm cắn nhau đau” thú vị, khiến người hâm mộ yêu thích cuồng nhiệt.

Odin, cha của các thần, có tạo hình uy nghiêm như một pháp sư tối thượng, với hai con quạ Huginn và Muninn đóng vai trò là tai mắt giúp ngài trong một ngày biết rõ mọi ngọn ngành của Cửu giới. Gaiman miêu tả Odin là vị thần khó lường, có dã tâm vô hạn, không bị bất cứ chuẩn mực đạo đức nào giữ chân.

Có một điều thú vị là Odin cũng từng xuất hiện trong American Gods - một tác phẩm khác của Gaiman - với tên gọi “Mr. Wednesday” (Ngài Thứ tư). Những fan của tác giả có dịp so sánh hình tượng vị thần trong cả hai phiên bản, từ đó phát hiện ra nhiều liên kết thú vị. 

Nhà văn Neil Gaiman
Nhà văn Neil Gaiman

Trong Norse Mythology, Neil Gaiman cũng cài cắm một số tình tiết gợi nhắc đến American Gods. Trong cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 2011, nhân vật chính Shadow Moon được Mr. Wednesday/Odin mời một ly rượu; anh đã nhận xét ly rượu này "có vị như nước tiểu dê”. Đến Norse Mythology, đồ uống này được tiết lộ là một loại rượu quý, được cả Asgard (xứ sở của các vị thần) yêu thích.

Bên cạnh nội dung, Norse Mythology còn được đánh giá cao về nghệ thuật kể chuyện. Neil Gaiman chọn cách thuật lại từng câu chuyện thần thoại theo lối chương hồi, với khởi đầu hấp dẫn và kết thúc bất ngờ (twist) tựa một bộ phim điện ảnh. Trong tác phẩm này, nhà văn chủ yếu đóng vai trò là người quan sát, nhưng thỉnh thoảng lại đưa vào những lời bình đậm chất châm biếm, như “Thor cứ đổ tội cho Loki trước đã rồi tìm hiểu vấn đề sau, vì như vậy dễ dàng hơn” hay “Đôi mắt xanh lá của Loki lóe lên sự tức giận lẫn niềm cảm kích, vì hắn yêu thích lừa gạt người khác, nhưng cũng cay cú khi bản thân là kẻ bị lừa”.

Trong một bài giảng của mình, nhà văn Neil Gaiman cho rằng ai cũng có thể kể chuyện, nhưng nghệ thuật thực sự lại nằm ở khả năng làm mới câu chuyện, hay tiếp cận câu chuyện ở một góc độ khác. Ông dẫn nhập: “Ai cũng đã biết câu chuyện về nàng Bạch Tuyết, vậy câu chuyện về Nữ hoàng độc ác thì sao?”. Ở loạt phim Marvel, Loki thuộc tuýp nhân vật phản diện, nhưng trong những trang văn của Gaiman, hắn lại đáng thương hơn đáng trách.

Theo Gaiman, Loki ban đầu chỉ là “Thần tinh nghịch”, và tất cả những gì hắn làm đều là vì Asgard, vì Odin. Thế nhưng, vì lời tiên tri cho rằng Loki sẽ là kẻ gây ra trận chiến diệt vong Ragnarok mà Odin luôn dè chừng, đối xử tệ với hắn. Oái oăm thay, tất cả chỉ khiến một Loki ngây thơ dần biến chất, và giọt nước tràn ly là khi Odin có ý định giết các con của hắn để phòng hậu họa. Cuối cùng, như một định mệnh, Loki cầm đầu đội quân khổng lồ tấn công Asgard và tuyên chiến với các vị thần.

Khi đọc đến trận tử chiến Ragnarok, độc giả sẽ nhận ra những câu chuyện trước đó không hề ngẫu nhiên, mà đã được sắp xếp hợp lý để tạo sự hứng thú cho người đọc. Những nhân vật đề cập trong các câu chuyện trước đều có vai trò riêng của mình. 

Nếu có dịp, bạn hãy thử nghe audiobook của Norse Mythology, được dẫn bởi chính Neil Gaiman. Chất giọng hiền hòa nhưng vẫn rất tinh quái, bình thản nhưng cũng dồn dập, đậm chất Anh quốc của ông dễ khiến người nghe xao xuyến. Khi audiobook ra mắt, giọng dẫn của Gaiman được tờ New York Times đánh giá “vô cùng mê hoặc”.

Phúc Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI