Thăm di tích, trải nghiệm những món ăn độc đáo hơn nửa thế kỷ

17/04/2025 - 06:49

PNO - Không chỉ các điểm đến, những món ăn dân dã gắn liền với thời kháng chiến hào hùng, gần đây đã 'hot' trở lại.

Khoai mì muối đậu Củ Chi

Khoai mì hấp từ lâu đã trở thành món quà quê đặc trưng, dành tặng những ai ghé thăm vùng đất thép Củ Chi. Những củ khoai mì nơi đây có vị ngọt, dẻo và thơm, được luộc chín và ăn kèm với muối mè hay muối đậu, tạo nên hương vị mộc mạc nhưng đậm đà.

Khách quốc tế thích thú trải nghiệm khoai mì chấm muối
Khách quốc tế thích thú trải nghiệm khoai mì chấm muối đậu tại địa đạo Củ Chi - Ảnh: Quốc Thái

Nhưng không chỉ là món quà quê dân dã, ít ai biết trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, chính những củ khoai mì đã trở thành nguồn sống quý giá của quân dân vùng đất thép. Khi gạo khan hiếm, tiếp tế gián đoạn, những củ mì được nhổ lên từ lòng đất khô cằn, luộc chín vội vàng trên bếp Hoàng Cầm - loại bếp được thiết kế để dẫn khói qua các hầm chứa, tránh bị địch phát hiện - trở thành thứ lương thực duy nhất của du kích. Ăn khoai mì lúc ấy không phải vì ngon, mà vì đó là tất cả những gì còn lại để bám trụ, để cầm cự giữa mưa bom, bão đạn.

Người dân Củ Chi không chỉ trồng khoai mì để sống qua ngày, mà còn dùng nó để đổi lấy thuốc men, vũ khí. Những củ mì bình dị ấy, qua năm tháng, đã trở thành biểu tượng của sự bền bỉ, của tinh thần quật cường vượt lên nghịch cảnh để chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Sau chiến tranh, món khoai mì đã trở thành đặc trưng khi nhắc tới mảnh đất anh hùng Củ Chi, vẫn hiện diện trong ký ức của những người còn ở lại. Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực (83 tuổi) - người đã dành cả tuổi trẻ để bám trụ Củ Chi, được xem như "cỗ máy phá tăng" thời chiến - từng ví khoai mì như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân.

Ngày nay, du khách đến thăm địa đạo Củ Chi sẽ được mời thưởng thức món ăn này giữa không gian chòi lá, để gợi lại một phần ký ức đấu tranh kiên cường của quân và dân ta.

Cơm tấm Đại Hàn

Ẩn mình giữa lòng Sài Gòn, quán cơm tấm Đại Hàn (số 113A Đặng Dung, quận 1) không chỉ là địa chỉ thưởng thức ẩm thực lâu đời của người dân mà còn là minh chứng sống động của lịch sử. Trước năm 1975, nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (Năm Lai). Căn nhà khi đó được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn bán cơm tấm, cà phê từ năm 1946, nhưng thực chất là nơi cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật... ra chiến khu.

Cơm tấm Đại hàn thu hút thực khách tại hệ thống bảo tàng biệt động Sài Gòn. Ảnh: Diểm Mi
Cơm tấm Đại Hàn thu hút thực khách - Ảnh: Diễm Mi

Quán bán cơm bình dân cho người lao động và dần trở thành điểm tụ họp quen thuộc của những cư dân lân cận, trong đó có nhiều lính Đại Hàn (lính Hàn Quốc sang tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam) ở cư xá công binh đối diện. Để chiều lòng thực khách, bà Nguyễn Thị Sự (vợ ông Đỗ Miễn) học cách làm kim chi và kết hợp nó với cơm tấm truyền thống gồm sườn nướng, bì, chả. Vị cay nồng của kim chi quyện với hương vị mộc mạc của món Việt mang đến món ăn giản dị mà giàu tính giao thoa văn hóa.

Ngày nay, quán vẫn giữ nguyên nét xưa, từ kiến trúc đến cách bài trí, mang lại cảm giác thân quen và trầm lắng giữa lòng phố thị. Đặc biệt, hầm trú ẩn, vật dụng kháng chiến vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, khiến quán ăn giống như bảo tàng thu nhỏ. Với mức giá bình dân, cơm tấm Đại Hàn không chỉ là nơi để ăn ngon mà còn là điểm đến để người trẻ cảm nhận dòng chảy lịch sử, cảm nhận một phần sống động của ký ức đô thị.

Cà phê bơ

Tại không gian đậm dấu ấn lịch sử của hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (TPHCM), du khách không chỉ được tìm hiểu về những trận đánh thầm lặng mà còn có cơ hội thưởng thức một món uống mang đậm chất Sài Gòn xưa: cà phê bơ.

Cà phê
Cà phê phê bơ, chấm cùng quẩy là món đặc trưng tại các di tích Biệt động Sài Gòn - Ảnh: Quốc Thái

Cà phê bơ là sự kết hợp độc đáo giữa gu Tây và gu Tàu một cách tinh tế mà người Sài Gòn đã sáng tạo cho bữa sáng. Giới trí thức trước kia chuộng bánh mì bơ Pháp và cà phê đen, trong khi người Hoa lại bắt đầu ngày mới bằng cháo trắng, hủ tiếu hay giò cháo quẩy. Người Sài Gòn chọn cả hai: ly cà phê pha chút bơ, dùng kèm giò cháo quẩy. Nghe tưởng kỳ cục, nhưng lại “hợp khẩu” đến lạ kỳ.

Bơ pha cà phê phải là bơ Bretel, loại bơ hảo hạng từ Pháp - còn được gọi là "bơ đồng tiền" bởi lớp giấy gói đặc trưng in hình đồng xu. Bơ không được cho trực tiếp vào ly, cũng không rang chung với hạt cà phê như cách chế biến hiện nay. Người pha chế phết một lớp mỏng bơ Bretel lên nắp phin, để khi rót nước sôi vào, từng giọt cà phê sẽ hòa quyện với bơ béo ngậy, thơm lừng, tạo thành hương vị quyến rũ.

Và để món này “đủ bộ”, không thể thiếu dĩa giò cháo quẩy - món bánh chiên vàng ruộm, giòn tan. Chấm nhẹ miếng quẩy vào ly cà phê bơ rồi đưa lên miệng, cảm giác bùi, giòn, thơm, đắng, béo... hòa quyện khiến thực khách vừa ăn, vừa gật gù thích thú.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI