Thắc mắc về tiền bạc là không tin chồng?

17/08/2021 - 06:00

PNO - Liệu việc em hay thắc mắc về tiền bạc có phải là biểu hiện của việc em không tin tưởng chồng? Em có nên, và có thể làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân này?

Kính gửi chị Hạnh Dung!

Vợ chồng em cưới nhau đã tám năm. Từ đó đến nay, cuộc sống không bao giờ yên ổn. Lúc mới cưới, anh nói nhiều về chí làm trai, rồi phận làm vợ phải biết ủng hộ chồng, em động lòng đứng ra vay bố chồng một khoản tiền cho anh khởi nghiệp. Nhưng vốn liếng cứ thâm hụt dần, nợ ngày càng nhiều lên.

Công việc anh khởi nghiệp cũng chỉ là mua đi bán lại vài món đồ trên mạng. Hơn một tỷ đồng của nhà chồng em đã ra đi. Anh vẫn xài sang như một giám đốc thứ thiệt, kênh bán hàng trên mạng “phủ bụi”. Mỗi lần em nhắc, anh lại nói vợ chỉ biết nhìn vào nợ nần và tiền bạc mà không nghĩ đến tiền đồ của anh. 

Cuối năm ngoái, anh đòi thế chấp nhà, vay 500 triệu đồng để làm ăn, em không đồng ý, anh trách em không ủng hộ anh, anh gửi cho em những bài báo các triệu phú trong giai đoạn đầu cũng nợ nần như anh.

Sau đó anh nói em “chỉ biết cái tôi chứ không biết giữ gia đình, vợ chồng giận nhau mà vẫn xách giỏ đi làm”. Em chủ động bù đắp cho anh, khi anh cần thì em nghỉ việc ở nhà để tăng kết nối vợ chồng. Nhưng rồi anh vẫn chê em xấu, lùn, không xứng với anh, nếu không phải dính vào em thì cuộc sống của anh đã tốt đẹp hơn…

Vì quá căng thẳng, em thật lòng hỏi anh có muốn ly hôn không. Anh đồng ý và lập tức tìm hiểu một cô gái khác.

Liệu có phải cái tôi của em quá cao nên mới đẩy hai người tới nước này? Liệu việc em hay thắc mắc về tiền bạc có phải là biểu hiện của việc em không tin tưởng chồng? Em có nên, và có thể làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân này không, thưa chị Hạnh Dung?

Thanh Tuyền (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thanh Tuyền mến,

Yêu thương, ủng hộ chồng không có nghĩa là phải im lặng giấu hết mọi cảm xúc và quan điểm của mình. Ta cần rạch ròi giữa việc “ủng hộ chồng” và nhu cầu trao đổi về tính hợp lý của từng chuyện. Thực chất, việc em trao đổi những bất ổn mà em nhìn nhận được chính là một trong những cách ủng hộ lành mạnh nhất. 

Trong từng việc em kể, chồng em có xu hướng thao túng lý lẽ và đổ lỗi cho người khác, còn em hoang mang và thấy bản thân tồi tệ, để rồi lại nỗ lực hơn để đáp ứng yêu cầu của chồng.

Quyết định ly hôn hay tái hợp sẽ do em quyết định dựa trên một cái nhìn về cuộc hôn nhân của mình. Nhưng để giúp em sáng rõ hơn, Hạnh Dung có một vài gợi ý để em tránh khỏi trạng thái bị thao túng, dẫn đến mất phương hướng, không còn nhận định được đúng sai…

Thứ nhất, hãy xác định thật rõ vai trò của mình. Em là vợ, lẽ thường sẽ yêu thương, kề vai sát cánh với chồng, đồng nghĩa với việc chia sẻ trách nhiệm và cả những nhận định cá nhân trong từng việc chung. Một người chồng xứng đáng sẽ hiểu điều đó là bình thường, và có trách nhiệm ghi nhận, giải đáp hoặc cùng em trao đổi các vấn đề đó…

Thứ hai, trong mọi lần trao đổi, em hãy tỉnh táo trước kiểu lập luận quy chụp cá nhân. Ví dụ, trong chuyện vay tiền, hãy tập trung vào mục đích vay, cách quản lý và chi tiêu trong khoản vay đó… Điều này không liên quan gì đến việc em có hết lòng với chồng hay không.

Thứ ba, hãy tin tưởng và tôn trọng bản thân. Đừng chỉ mải miết đáp ứng những đòi hỏi của người khác, mà không tự hỏi bản thân đã được đối xử thế nào, đã được xem như một người vợ thực sự chưa…

Em đã nhiều lần “dẹp bỏ cái tôi” để tin chồng. Nhưng nếu còn thấy day dứt, em hãy thử một lần đề nghị chồng mô tả những điều anh kỳ vọng ở em, đồng thời, em cũng mô tả những điều em mong muốn ở anh. Trong trạng thái chủ động đó, em sẽ biết những điều mình muốn có quá quắt không, và có phù hợp với ý muốn của chồng không.

Mọi thứ sẽ sáng rõ khi em chủ động tìm hiểu nó, chứ không phải bị vùi dập trước quá nhiều cái “nhãn dán” tiêu cực mà chồng liên tục “dán” vào em.   

Chúc em sớm nhìn thấy con đường sáng.

HẠNH DUNG

(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI