Tết về sớm trên bến Bình Đông

05/02/2021 - 08:38

PNO - Tối mai (6/2), chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" trên bến Bình Đông, quận 8, TPHCM sẽ khai mạc, nhưng những ngày qua chợ hoa đã xôm tụ, vào Tết.

 

Thuyền hoa miền Tây xuôi dòng chở xuân về phố

Giữ nghề “chở xuân về phố”

Theo con nước tháng Chạp, những thương hồ có tuổi nghề hơn 20 năm ở miền Tây lại xuôi dòng, chở hoa Tết về bến Bình Đông, quận 8, TPHCM họp chợ. 

Len lỏi giữa hàng hoa giấy đủ màu sặc sỡ bày bán ở bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chị Nguyễn Ngọc Hường (35 tuổi, quê huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) tìm cho khách một chậu hoa với yêu cầu có đủ 3 màu.

Giữa rừng hoa đẹp mê hồn, chị Hường kéo ra một chậu hoa với sắc đỏ, cam, hồng giới thiệu. Khách mua là một phụ nữ trung niên, tấm tắc khen hoa đẹp và bày tỏ sự luyến tiếc một chậu hoa khác.

Chị Hường cười to: “Cô thích chậu nào cứ lựa thoải mái. Nhưng, nếu đã ưng thì đừng xem chậu khác nữa, kẻo lát không muốn về và không biết chọn cái nào”. Người phụ nữ gật gù, trả tiền rồi bước lên xe nhưng vẫn ngoái đầu nhìn lại.

Chị Hường (áo tím) bưng chậu hoa giấy lên xe máy chằng buộc cho khách chở về - Ảnh: Lâm Ngọc
Chị Hường (áo tím) bưng chậu hoa giấy lên xe máy chằng buộc cho khách chở về - Ảnh: Lâm Ngọc

Chị Hường kéo khẩu trang xuống lau mồ hôi, rồi vội vàng kéo lên che mặt. Sửa sang lại vài chậu hoa giấy, chị tâm sự: “Mười mấy tuổi, tôi đã theo ba lên bến Bình Đông bán hoa tết. Từ đó cho đến nay, tết năm nào, tôi cũng lên đây bán. Mấy năm trước, tôi chở hoa bằng ghe, cực mà vui. Năm nay, tôi vừa chở bằng ghe và cả xe tải. Hoa nào chịu nắng tốt thì chở bằng ghe, hoa nào dễ bị úng thì chở xe cho tươi tắn”.

Mê họp chợ ở bến Bình Đông, chị Hường gửi con cho ông bà chăm sóc, còn mình chở hoa lên TPHCM bán. Lên bến từ 20 tháng Chạp, chị ăn cơm hộp, mắc võng ngủ phơi sương ở ven kênh Tàu Hũ. 

Cũng rầu dịch bệnh, hoa bán ế ẩm, nhưng chị Hường vẫn thấy lạc quan và thầm nhủ: “Ế thì bán tới 30 rồi về. Chiều 30 lên ghe, rạng sáng mùng 1 tới nhà, lì xì mấy đứa nhỏ luôn. Tết ở nhà đã có tía má tôi lo, về tới quê thì không sợ gì nữa, kiểu gì cũng có cơm nóng, thịt kho tàu mà ăn”.

Những chiếc thuyền chở đầy hoa mai cập bến Bình Đông - Ảnh: Lâm Ngọc
Những chiếc thuyền chở đầy hoa mai cập bến Bình Đông - Ảnh: Lâm Ngọc

Ở một gian hàng khác, anh Nguyễn Minh Tâm (37 tuổi, quê ở huyện Cái Mơn, tỉnh Bến Tre) ngồi hàn huyên với người phụ nữ đồng hương. Cả hai ngồi ôn lại cái tết ở xứ miệt vườn mấy chục năm về trước. Nhắc lại chuyện cũ, anh Tâm và chị bạn cứ phá lên cười vang cả một góc chợ.

Thấy trời cũng trưa, người bạn của anh Tâm chào anh ra về và không quên mua ủng hộ một chậu quất. Anh Tâm muốn giảm giá cho người bạn đồng hương nhưng cô bạn cứ nhất quyết: “Dịch dã, bán buôn khó khăn, cứ đúng giá mà bán, tôi ủng hộ”.

Tiễn bạn về, vẫn với giọng nói rổn rảng, anh Tâm kể: “Hồi 2-3 tuổi, tôi đã theo cha lên bán chợ hoa bến Bình Đông. Năm nay, tôi lên sớm. Tối 19 tháng Chạp theo con nước lớn, tôi đi ghe 10 tiếng thì đến nơi. Tới 30 tết, bán hết hay không, tôi cũng xuống ghe về đón giao thừa với gia đình”.

Cách chỗ anh Tâm không xa, gian hàng vạn thọ, cúc vàng, cúc mâm xôi… của cô Trần Thị Kiều (54 tuổi, ngụ Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) tấp nập người mua. Một mình cô Kiều quay tới quay lui, hết trả lời người này lại quay sang lấy dây buộc hoa cho khách nọ.

Khách vãn, cô Kiều tranh thủ chia sẻ: “Tối 19 tháng Chạp tôi đi, sáng 20 thì có mặt ở đây. Mấy bữa nay chưa biết đắt hay ế hàng, phải chờ tới 25 tháng Chạp trở đi mới rõ”.

“Thấy hụt hàng, chồng tôi quay ghe về quê chở lên thêm, bỏ tôi có một mình loay hoay vừa bán vừa trông hàng. Hổm rày, tôi ăn cơm hộp cho qua bữa. Chừng nào có ghe, có bếp gas, tôi mới xuống dưới nấu cơm ăn đỡ ngán”, cô Kiều cho biết.

Những chậu cúc mâm xôi của cô Kiều vàng rực cả một đoạn đường - Ảnh: Lâm Ngọc
Những chậu cúc mâm xôi của cô Kiều vàng rực cả một đoạn đường - Ảnh: Lâm Ngọc

Cô Kiều bán hoa ở bến Bình Đông được gần 20 năm. Cô nhớ lần đầu lên đây bán là lúc con gái mới 2-3 tuổi, nay cô gái ấy được 20 tuổi rồi. Hiện tại, con gái nối bước theo cô bán hoa vào dịp tết ở chợ hoa bến Bình Đông. Mấy bữa nữa, con cô sẽ theo ghe lên đây, phụ mẹ sửa sang gian hàng, mời khách vào thưởng lãm và mua hoa.

“Phụ nữ mà làm thương hồ, bán hàng ở chợ hoa xứ người cũng hơi vất vả. Thế nhưng, trót thích không khí chợ tết, tôi cứ bám riết mấy chục năm. Năm rồi, hoa ế lắm, nhiều người đập chậu, tôi thương hoa nên kệ bỏ đó chứ không đập”, cô Kiều bày tỏ.

Tìm 1 chuyến du xuân ở chợ hoa xuân

Ông Trần Phát Đạt (65 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) cố len vào nhóm người đang lựa ớt kiểng ở gian hàng của cô Võ Thị Chi (57 tuổi, quê huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) để tìm một chậu ưng ý.

Chọn trên vỉa hè chưa ưng bụng, ông Đạt mạnh dạn leo hẳn xuống ghe hàng của cô Chi để lựa thêm. Ôm hai chậu ớt kiểng ưng ý, ông Đạt hỏi cô Chi: “Ông bán kế chị năm ngoái đâu rồi, năm nay không lên hả?”. Bận khách, nhưng nghe ông Đạt hỏi, cô Chi quay lại nhìn và nói: “Ổng sợ ế. Cho nên, năm nay không có trồng thì lấy gì đem lên bán. Mai của ổng cũng chết hết rồi”.

Một chiếc ghe chở đày tắc chuẩn bị vào bờ - Ảnh: Lâm Ngọc
Một chiếc ghe chở đầy quất chuẩn bị vào bờ - Ảnh: Lâm Ngọc

Nghe vậy, ông Đạt chặc lưỡi, mặt buồn rười rượi. Ông kể: “Tôi quê Bến Tre. Năm nào, tôi cũng đi chợ hoa ở đây. Bến này thuận tiện cho ghe ở miền Tây. Tôi ra đây mua hoa và cũng để gặp đồng hương trò chuyện hỏi han”.

Theo quan sát của ông Đạt, lượng người lên bán hoa năm nay ít hơn mọi năm, hàng hóa cũng không đa dạng bằng. Hoa kiểng đều được bán đúng giá.

“Năm nay không thấy ai lên sớm nên tôi cũng không dám lên sớm. Tôi đi ghe từ hồi tối qua (21 tháng Chạp), mới đến hồi sáng. Chúng tôi mới mang ớt kiểng, mai, vạn thọ dưới ghe lên là khách tới ủng hộ. Năm nào, vợ chồng tôi cũng lên đây bán, ngủ ở đây luôn, ở nhà có mấy đứa con lo tết. Lên đây, tôi thấy không khí tết vui lắm, vui hơn ở dưới quê, dưới quê toàn vô vườn làm”, cô Chi chia sẻ.

Nghe ông Đạt hỏi đi ghe có buồn không, cô Chi nhanh miệng nói: “Đi ghe có gì đâu mà buồn. Đi đâu cũng có vợ có chồng, vui và nhiều kỷ niệm lắm. Già rồi, tết cũng khác, không khí ba ngày xuân cũng phai dần. Tụi tui chỉ có niềm vui bán hoa tết là còn nguyên”.

Thương hồ vội vã đưa hoa lên bờ, bày biện cho khách chọn - Ảnh: Lâm Ngọc
Thương hồ vội vã đưa hoa lên bờ, bày biện cho khách chọn - Ảnh: Lâm Ngọc

Những thương hồ như cô Chi, chị Hường, anh Tâm… có vất vả, bán buôn thất hay đặng, cũng ráng lên đây họp chợ. Bởi, việc góp mặt ở chợ hoa bến Bình Đông giống một chuyến du xuân của nông dân trồng hoa miền Tây. Quanh năm, họ cặm cụi chăm chút những luống hoa, chậu ớt, cây quất kiểng… cũng chỉ để mang lên khoe với bạn hàng. Không hẹn trước, nhưng có năm nào, họ lỡ chuyến không gặp nhau đâu.

Hay như cách nói tếu táo của anh Nguyễn Long Hòa (45 tuổi, ngụ huyện Cái Mơn, tỉnh Bến Tre), một năm mới có một chuyến tự do, không bị “bà vợ” đi theo bên cạnh càm ràm. Một năm mới biết thành phố một lần, mà đặc biệt mấy ngày tết vui khác dưới quê.

Anh Hòa hóm hỉnh chia sẻ: “Ghe của tôi chuyên chở mai lên đây cho thuê. Trên ghe chỉ có 7 người đàn ông, không cho bà nào theo hết. Tụi tui tự nấu ăn, tự giặt giũ. Năm nay, dịch bệnh phức tạp, tụi tui không dám đi đâu, chứ mọi năm tới nơi là tranh thủ đi dạo một vòng”.

Tham quan TPHCM xong, mấy anh em lại hì hục khuân vác cả trăm gốc mai dưới tàu lên bến để bày bán, cho thuê. Đứng lặt từng lộc non của mai, anh Hòa nói: “Chiều 30 tết, chúng tôi xuống ghe về quê. Khoảng 3-4g sáng, chúng tôi có mặt ở nhà, mấy bà vợ ngồi đợi sẵn. Thấy về tới, mấy bà cười tươi dữ lắm, đưa cục tiền còn mừng rơn hơn nữa”.

Mùa xuân được trao đi, thương hồ nhận về niềm vui vô hình - Ảnh: Lâm Ngọc
"Mùa xuân" được trao đi, thương hồ nhận về niềm vui cuối năm - Ảnh: Lâm Ngọc

Anh Hòa nói trúng tâm lý, mấy thanh niên khác đi chung ghe liền phá lên cười. Họ cũng theo ghe nhiều năm, làm công việc khuân vác thuê. Năm nào, chủ bán hàng thuận lợi, năm đó tết đủ đầy.

“Trên này, coi bộ “xuân” sớm hơn ở dưới quê. Năm nay, trước khi đi, chúng tôi cũng lo hoa ế ẩm nhưng cái nghề rồi, bỏ không có được, kiểu gì cũng phải xuống ghe mà đi”, anh Hòa chia sẻ.

Lâm Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI