Tạo thêm việc làm để phụ nữ miền Tây không còn ly hương

06/09/2023 - 06:00

PNO - Để phụ nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long không phải ly hương, cần có giải pháp tổng thể, căn cơ để phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng.

Đúng 5g mỗi ngày, 2 chiếc xe lớn của Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 đậu sẵn ở cầu Kênh Ranh (xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) để rước gần 100 công nhân tới công ty (khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) làm việc. Nếu không tăng ca, khoảng 16g30, xe đưa công nhân trở về cầu Kênh Ranh, thời gian chạy hơn 1 giờ. 

Thu nhập giảm nhưng được gần gia đình

Chị Võ Thị Đàn (xã Đông Bình) bộc bạch, 4 tháng nay, chị đã quen giờ giấc đi lại, sinh hoạt, công việc thế này và cảm thấy ổn định dần. Chị kể, vợ chồng chị ở nông thôn nhưng đất đai ít, không có nghề ổn định nên phải tới tỉnh Bình Dương làm công nhân gần 4 năm. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, công ty tạm ngưng hoạt động, anh chị quyết định trả nhà trọ để về quê sinh sống. Đến khi hết dịch, chị ở lại quê, đi làm thời vụ. Tháng 4/2023, chị vào làm da giày ở Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 cho đến nay. 

Nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu Ấn Độ Dương (thuộc Công ty cổ phần Nam Việt) đặt tại khu công nghiệp Thốt Nốt, TP Cần Thơ tạo nhiều việc làm cho lao động nữ ở miền Tây Ảnh: Huỳnh Lợi
Nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu Ấn Độ Dương (thuộc Công ty cổ phần Nam Việt) đặt tại khu công nghiệp Thốt Nốt, TP Cần Thơ tạo nhiều việc làm cho lao động nữ ở miền Tây - Ảnh: Huỳnh Lợi

“Thu nhập của tôi ở công ty này khoảng 5 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với làm công nhân ở Bình Dương nhưng được cái gần nhà, có xe đưa rước, ngày nào cũng được ở gần 2 đứa con. Ngoài ra, chồng tôi cũng đi phụ hồ, tiền công mỗi ngày 250.000 đồng nên cuộc sống gia đình tôi cũng ổn” - chị Đàn tâm sự. 

6 năm trước, chị Trần Ngọc Hân (xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) rời quê tới TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương để làm công nhân dệt may với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Công việc đang ổn định thì dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, công ty đóng cửa nên chị phải khăn gói về quê. Năm 2022, khi công ty hoạt động trở lại, chị quay lại công ty nhưng đơn hàng xuất khẩu chập chờn khiến giờ làm bị cắt giảm, thu nhập giảm theo. Nghe tin Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 trong khu công nghiệp Tân Phú Thạnh tuyển công nhân da giày, thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng, có xe đưa rước, có hỗ trợ cơm trưa, chị quyết định về quê làm để được gần gia đình.

Trong các khu công nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long, cũng có trên 40 công ty hoạt động, sử dụng khoảng 53.000 công nhân, trong đó có nhiều người từng làm công nhân ở các tỉnh, thành khác trở về. Chị Nguyễn Ngọc Sương (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) kể: “Trước đây, tôi làm công nhân ở TPHCM. Mỗi tháng, trừ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt, tôi chỉ dư một chút để gửi về quê nuôi con. Gần đây, các công ty trong khu công nghiệp Hòa Phú, Bình Minh tuyển người nên tôi về quê làm. Thu nhập ở đây thấp hơn 20 - 30% so với ở TPHCM nhưng vẫn có dư bởi không phải thuê nhà trọ, lại được gần con cái. Các công nhân ở xa khu công nghiệp, phải thuê nhà trọ thì mỗi tháng cũng chỉ tốn 600.000-700.000 đồng”. 

Cần thêm nhiều giải pháp về việc làm

Trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, có hàng trăm ngàn người lao động đã về lại quê nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh An Giang, trong năm 2021 và 2022, có hơn 100.000 người trở về quê từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM. UBND tỉnh An Giang đã phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là phụ nữ hồi hương. Nhiều người đã được nhận vào làm ở các công ty may mặc, da giày, chế biến cá tra xuất khẩu.

Các nữ công nhân làm việc trong một công ty dệt may ở khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Làm việc cho doanh nghiệp trong tỉnh nhà giúp họ có điều kiện chăm sóc gia đình - Ảnh: Huỳnh Lợi
Các nữ công nhân làm việc trong một công ty dệt may ở khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Làm việc cho doanh nghiệp trong tỉnh nhà giúp họ có điều kiện chăm sóc gia đình - Ảnh: Huỳnh Lợi

UBND tỉnh An Giang cũng chỉ đạo các trung tâm dạy nghề và UBND cấp huyện, xã tổ chức các lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, hỗ trợ vốn cho phụ nữ buôn bán nhỏ, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để đưa công nhân trở lại làm việc khi hoạt động sản xuất phục hồi. 

Sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, tỉnh Đồng Tháp có hơn 70.000 người lao động trở về quê, trong đó có khoảng 20.000 người cần tìm việc làm gần nhà. UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cùng các đơn vị liên quan tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm với hàng trăm doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề để đưa sang Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc có thời hạn. 

Các nữ công nhân mới của Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 (khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang) nghe phổ biến về quyền và nghĩa vụ của mình - Ảnh: Huỳnh Lợi
Các nữ công nhân mới của Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 (khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang) nghe phổ biến về quyền và nghĩa vụ của mình - Ảnh: Huỳnh Lợi

Ông Phạm Tấn Xiếu - Trưởng ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp - cho hay, toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp, thu hút khoảng 14.000 công nhân làm trong lĩnh vực thủy sản, dệt may. Năm 2023 do việc xuất khẩu cá tra và dệt may gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp giảm tuyển công nhân. 

Các khu công nghiệp của TP Cần Thơ đang sử dụng 41.000 công nhân nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, lượng công nhân tăng thêm rất ít do xuất khẩu thủy sản, dệt may gặp khó. Nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp cảnh tương tự nên khó giải quyết việc làm cho phụ nữ hồi hương. 

Bà Trần Thị Diễm Châu - Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ - bộc bạch: “Hằng năm, chúng tôi cố gắng thành lập thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, nhất là chị em làm công nhân hồi hương.

Chị Trần Hồng Nhiên (thứ hai, từ trái) đoạt giải B trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang năm 2023 với sản phẩm cà phê dừa - Ảnh: Huỳnh Lợi
Chị Trần Hồng Nhiên (thứ hai, từ trái) đoạt giải 3 trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang năm 2023 với sản phẩm cà phê dừa - Ảnh: Huỳnh Lợi

Cả huyện chỉ có 1 công ty may, giải quyết việc làm cho khoảng 500 phụ nữ; một số tổ hợp tác về đan tre, nấu ăn chỉ tạo việc làm cho 10-20 người/tổ. Hội LHPN huyện cũng phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vốn từ 10-40 triệu đồng để chị em buôn bán nhỏ hoặc sản xuất tại nhà. Do số chị em hồi hương nhiều nên tỉ lệ có việc làm ở quê nhà thấp, buộc phần lớn chị em phải quay trở lại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM làm công nhân”. 

Các nhà chuyên môn cho rằng, để phụ nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long không phải ly hương, cần có giải pháp tổng thể, căn cơ để phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đến đầu tư và sử dụng lao động tại chỗ, đồng thời khôi phục các làng nghề, tăng cường phát triển du lịch nông nghiệp... 

Nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công tại nhà 

Chị Phan Thị Ngọc Trinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - cho biết, trong xã, riêng tổ may gia công của chị Nguyễn Thị Phương Kiều đã tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ nông thôn. 

Chị Kiều từng rời quê, làm công nhân may mặc hàng chục năm ở TPHCM. Năm 2020, do dịch COVID-19, chị Kiều trở về quê sinh sống, được người bạn giới thiệu mối, nhận hàng may gia công tại nhà. Ban đầu, chị Kiều mua 4 máy may, sau đó hướng dẫn cho vài chị em cùng làm để kịp giao hàng cho các đầu mối.

Để tiếp sức cho chị Kiều, Hội LHPN xã Vị Tân hỗ trợ 35 triệu đồng, Hội LHPN tỉnh cũng hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Thế là chị có điều kiện mua thêm hàng chục máy may, tuyển thêm nhiều chị em vào làm. Hiện tại, mỗi tháng, tổ may gia công sản xuất khoảng 3.500 sản phẩm, tạo thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người. 

Trước đây, khi tốt nghiệp đại học, chị Trần Hồng Nhiên (xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) làm nhân viên ngân hàng. Sau khi lập gia đình và có con nhỏ, chị quyết định về quê. Lúc đầu, chị mua bán hàng giải khát và làm nội trợ. Trong lần rang cơm dừa, chị nhận thấy mùi thơm rất ấn tượng nên nghĩ tới việc kết hợp dừa với cà phê rang để tạo ra thức uống thơm ngon. Chị bắt đầu mày mò pha chế, uống thấy vị lạ và ngon, cho nhiều người uống thử cũng được khen ngon. 

Năm 2022, chị Nhiên chính thức chế biến và kinh doanh cà phê dừa trên mạng xã hội. Mỗi ngày, chị bán được từ 50-100 đơn hàng, doanh thu khoảng 30 triệu đồng/tháng. Hiện cơ sở của chị tạo việc làm cho một số phụ nữ địa phương, với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày. “Tới đây, tôi sẽ cố gắng mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa để chị em ở nông thôn ổn định cuộc sống ngay tại quê mình” - chị Hồng Nhiên nêu dự định.

Huỳnh Lợi - Thanh Lâm 

Đồng bằng phải là thực thể kinh tế hoàn chỉnh, năng động

Gần đây, nhiều tập đoàn, công ty lớn đã triển khai những dự án có tính liên tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hứa hẹn sẽ kích hoạt tiềm năng cho nhiều địa phương. Đó là những tín hiệu lạc quan. Vấn đề là chúng ta cần kết nối, lan tỏa những giá trị đó. 

Khi kết nối tốt, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng, mỗi địa phương sẽ đóng góp chủ động, hài hòa vào tổng thể không gian kinh tế chung. Khi đó, đồng bằng sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động, thu hút các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào những dự án lớn có tính liên tỉnh. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng hậu cần (logistics) nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân đồng bằng sông Cửu Long. Cần nhìn nhận rằng, đây là vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhưng nếu chúng ta biết cách chủ động thích ứng thì sẽ phát triển.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sẽ tuyển thêm nhiều lao động nữ

Chúng tôi có 4 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Chỉ riêng trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, các nhà máy này đã nhận hơn 1.000 lao động nữ ở miền Tây hồi hương vào làm việc, mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng kèm các chế độ thưởng, bảo hiểm, hỗ trợ nhà trọ miễn phí. Dù vậy, gần đây, cũng có nhiều lao động nữ xin nghỉ việc để quay lại tỉnh Bình Dương làm công nhân cho công ty cũ do chị em chưa quen với môi trường làm việc của ngành thủy sản, phải đứng lâu trong điều kiện lạnh.

Hiện công ty có khoảng 5.000 người lao động, trong đó phụ nữ chiếm tới 80%. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty không tuyển thêm lao động do xuất khẩu cá tra bị sụt giảm. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo, từ giữa năm 2024 trở đi, xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ phục hồi, đơn hàng sẽ nhiều lên và công ty sẽ phải tuyển thêm lao động nữ. 

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang)

Giám sát để quyền lợi cho người lao động được đảm bảo

Từ đầu năm 2023 đến nay, các khu công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo tiền lương, tiền thưởng cho người lao động. Tuy nhiên, do thiếu đơn hàng và nguyên vật liệu nên một số công ty giảm giờ làm, không tái ký hợp đồng lao động. Những công nhân bị ảnh hưởng đều được hỗ trợ các quyền lợi theo quy định, công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cũng xác nhận hoàn cảnh để giảm học phí cho con em họ.

Tổ chức công đoàn luôn quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ đối với người lao động. Hầu hết doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 

Ông Nguyễn Thành Tài, đại diện công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long 

Huỳnh Lợi - Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI